Đi làm từ tờ mờ sáng
Bất luận thời tiết thế nào, 5 giờ sáng hàng ngày, các cô cấp dưỡng của Trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) phải có mặt ở trường để bắt đầu công việc của mình. Mở cửa nhà bếp xong, việc đầu tiên là đun nước uống để kịp có nước ấm cho trẻ uống sau bữa ăn sáng sẽ bắt đầu từ khoảng 7 giờ.
Rồi kiểm tra từng bó rau, củ khoai tây, miếng thịt, cá… xem có bị, lên mầm, có đủ độ tươi không. Nếu không đạt yêu cầu, đề nghị đơn vị cung cấp đổi ngay để còn sơ chế, tẩm ướp và nấu nướng cho kịp bữa sáng. Thực phẩm cung cấp chỉ được dùng trong ngày, không để lại ngày hôm sau nên việc gọt gừng, bóc hành… đều phải được làm từ sáng sớm.
Khu vực bếp luôn là nơi nóng nhất ở các trường mầm non, không chỉ bởi hơi nóng tỏa ra khi các bếp đều đồng loạt đỏ lửa nấu thức ăn, mà gần như trong suốt 10,5 tiếng đồng hồ làm việc, kể từ sáng sớm cho đến khi bữa ăn xế của trẻ kết thúc, các cô cấp dưỡng hầu như làm việc không ngơi tay để chuẩn bị 3 - 4 bữa ăn, dọn dẹp và rửa - sấy quay vòng hàng trăm cái tô, thìa và hàng chục loại xoong chảo khác nhau.
Đối với những trường nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên như Trường Mầm non Bé Thông Minh (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), cấp dưỡng còn phải kiêm nhiệm thêm việc quấy bột cho trẻ ăn dặm.
Chỉ riêng với món cháo, mỗi ngày, các cô cấp dưỡng phải chuẩn bị 3 loại, gồm cháo ếch, cá hoặc lươn và cháo thịt bò. Với cháo cá, lươn hoặc ếch, còn phải ướp thêm hành tăm và nghệ để cháo được thơm ngon, không còn mùi tanh. Để tập cho bé nhai và thích nghi dần với thức ăn thô, gần như các trường mầm non đều không cho trẻ ăn cơm xay.
Vì vậy, thực đơn cho giờ ăn trưa, ngoài món canh, món mặn và món xào, thức ăn tráng miệng, chỉ tính riêng cơm các cô cũng phải canh nước sao cho vừa để có 3 loại: Cơm nhão, cơm vừa và cơm khô. Đối với những bé không ăn được cơm, nhà bếp phải có thêm cháo đặc và cháo loãng cho bé nhà trẻ.
Ngày nào cũng vậy, sau 12 giờ 30, các cô cấp dưỡng mới hoàn tất công việc chung để tranh thủ ăn cơm. Sau thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi, các cô lại tất bật lo chuẩn bị món ăn cho bữa xế, thường diễn ra vào 2 giờ 30 phút chiều với những món nhẹ như cháo, súp, bánh… và kết thúc một ngày làm việc vào lúc 16 giờ 30. Với những trường tư thục tổ chức bữa ăn tối cho trẻ, giờ làm việc của các cô cấp dưỡng kéo dài đến sau 17 giờ 30. Trường càng đông trẻ, độ tuổi trẻ đa dạng, công việc của các cô cấp dưỡng càng vất vả.
Mọi lo toan để bên ngoài cửa bếp
Đối với trường có nhiều điểm lẻ, các cô cấp dưỡng ở những điểm lẻ còn có thêm nhiệm vụ sáng sớm đến điểm trường chính nhận thực phẩm về điểm lẻ chế biến. Với những điểm lẻ không có điều kiện tổ chức bếp ăn, cấp dưỡng ở điểm trường chính phải làm thêm công việc chở thức ăn đến các điểm lẻ.
Chế biến xong thức ăn trưa cho trẻ, các cô cấp dưỡng tại điểm chính của Trường Mầm non Hòa Phong chia luôn khẩu phần ăn cho các điểm lẻ cách đó 1 - 2,5km để kịp giờ ăn trưa cho trẻ. Thức ăn được cho vào thùng inox để đảm bảo độ nóng.
Đến điểm lẻ, các cô vừa chia khẩu phần ăn cho trẻ, hỗ trợ cô giáo các điểm lẻ cho trẻ ăn, rửa chén bát xong xuôi rồi mới quay về điểm trường chính. Giờ nghỉ trưa của các cô vì thế ngắn lại để còn kịp chuẩn bị cho bữa ăn xế, và phải luân phiên nhau chở thức ăn đến các điểm lẻ như bữa trưa.
Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết: Địa bàn của mỗi xã khá rộng nên để đảm bảo khoảng cách tối thiểu theo yêu cầu đối với bậc học mầm non, các trường học trên địa bàn vẫn phải duy trì điểm lẻ.
Vì thế, Hòa Vang có 15 điểm trường mầm non chính nhưng có đến 50 điểm trường lẻ, trong đó có những trường như Mầm non Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phước có đến 7 – 8 điểm lẻ. Để bảo đảm nhân sự chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, có những điểm lẻ chưa đến 100 HS cũng phải bố trí 2 cấp dưỡng.
Với những điểm khoảng cách không quá xa, các trường chọn giải pháp chở thức ăn từ điểm chính vào điểm lẻ, phụ cấp xăng xe tính luôn cả vào lương. “Do cấp dưỡng không nằm trong chỉ tiêu biên chế nên tiền lương được chi trả từ nguồn thu phục vụ bán trú, mỗi cấp dưỡng chỉ nhận mức lương khoảng 3,5 – 4 triệu/tháng, thấp nhưng cũng không có nguồn quỹ nào để có thể cải thiện thêm” – bà Trang cho biết.
Lương thấp, khối lượng công việc nhiều lại chỉ là hợp đồng theo đầu việc làm nên vị trí cấp dưỡng ở trường mầm non rất khó tuyển người và giữ người. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh nói: Theo nhu cầu, tổ cấp dưỡng của nhà trường phải có đủ 8 người, nhưng hiện nay mới chỉ có 5 người gánh công việc.
“Để bảo đảm hoạt động của bếp, chúng tôi có bầu chức danh bếp trưởng, nhưng nói thật là chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền lợi đi kèm cho bếp trưởng, không hề nhận được một khoản phụ cấp nào vì đây đều là nguồn thu từ tiền phục vụ bán trú, không thể thu tăng thêm được” – cô Thư Trâm chia sẻ.