Học sinh tốp thì nhổ cỏ, tốp hái những cây rau xanh tốt đưa vào nhà bếp nấu ăn. Thầy trò vừa làm, vừa nói chuyện rôm rả. Hoạt động này diễn ra hàng ngày ở ngôi trường miền núi, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam hơn 100 km.
Hiệu trưởng Lê Huy Phương kể, khu tập thể giáo viên mới được san lấp mặt bằng, chưa có kinh phí làm sân bê tông. Sân đất thường lầy lội khi mưa xuống nên nhà trường cải tạo thành vườn trồng rau. Cách này vừa không tốn tiền đổ bê tông, vừa đem lại nguồn rau sạch cho học sinh.
Từ tháng 10/2018, giáo viên bắt đầu cải tạo khoảng sân hơn 200 m2. Do đất xấu, nhà trường phải mua ba xe đất ở bãi bồi ven sông đổ lên và đến nhà người dân xin phân chuồng ủ. Để tránh mưa gió, bảo vệ rau, trường mua sắt, thép làm giàn và mái che. Nguồn nước tưới lấy từ một con suối trên núi dẫn về.
Thầy cô mua các loại hạt giống như cải, muống, bầu, bí, mướp... về gieo trồng. Khí hậu vùng cao mát mẻ nên rau phát triển tốt, trồng khoảng ba tuần cho thu hoạch. Còn cây bầu, bí, mướp đắng... khoảng hai tháng cho quả.
Trường tiểu học Trà Tập có 325 học sinh, trong đó 265 em ở bán trú và hơn 20 thầy cô giáo nội trú, mỗi tháng học sinh bán trú được hỗ trợ gần 600.000 đồng. Vùng núi địa hình cách trở, lương thực, thực phẩm đắt đỏ, mỗi bữa nhà bếp chỉ đủ tiền mua 5 kg rau xanh. Vườn rau ra đời đóng góp thêm mỗi bữa vài kg, ngoài nấu canh có thêm món xào, luộc.
"Thời điểm rau phát triển thì nhà trường không mua ở ngoài về nấu, số tiền đó dành mua cá, thịt, bổ sung dinh dưỡng cho các em", thầy Phương nói. Dẫn khách đi thăm vườn rau, thầy hiệu trưởng tự hào khoe vụ vừa rồi cây bầu, bí, mướp ra quả nhiều, ăn không hết, học sinh hái đem bán được hơn 2 triệu đồng. Số tiền đó dùng để mua hạt giống trồng vụ rau tiếp theo.
Thầy trò chụp ảnh bên vườn rau rộng hơn 200 m2. Ảnh:Trần Tú. |
Bốn năm công tác tại trường tiểu học Trà Tập, cô Trần Thị Tú Điển cho biết ngoài việc trồng rau, giáo viên góp 12 triệu đồng mua 12 con lợn giống nuôi từ năm 2018. Đàn lợn được cả trường chăm sóc, nguồn thức ăn tận dụng phụ phẩm thừa của trường nên không tốn nhiều tiền.
Sau bốn tháng nuôi, nhà trường thịt lợn cung cấp nguồn thực phẩm cho học sinh và giáo viên, số dư thừa đem bán, bù kinh phía bỏ ra và mua lợn giống cho đợt sau. Sắp tới nhà trường làm thêm chuồng nuôi gà, vịt để góp phần tăng thêm nguồn thực phẩm cho học sinh và giáo viên, cô Điển cho biết.
Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My, đánh giá cao mô hình trồng rau trong nhà trường. Việc này vừa phục vụ thức ăn tươi cho học sinh, vừa dạy các em biết cách lao động sản xuất.