Tôi có bốn đứa con gái, kèm theo bốn thằng rể. Bốn thằng rể của tôi không đứa nào chịu… chui gầm chạn, vì thế vợ chồng tôi cứ như vợ chồng son.
Nhà ở vùng ven, tương đối rộng rãi, các con đi hết, vợ chồng tôi thấy trống trải. Sợ vợ buồn, tôi hay bày này nọ cho vợ có chuyện để nói, để làm, để bớt nhớ con. Vợ tôi, hở cái là nghĩ ngợi, rồi than buồn, có khi khóc. Mà đám con gái hay thay phiên nhau về thăm cha mẹ.
Gần như tuần nào chúng tôi cũng gặp ít nhất một đứa, đâu phải chúng nó quá tệ. Tôi hay khuyên vợ, đừng để mình quá phụ thuộc cảm xúc vào con cái. Bây giờ, các con đã có gia đình riêng, có bao điều phải lo nghĩ, mình mà buồn, con làm sao yên tâm vui sống.
Nói không buồn khi các con đi lấy chồng là không đúng. Mà nhìn quanh, bao người có con trai, chúng nó lấy vợ, ra riêng, ít con dâu nào bây giờ chịu sống chung với cha mẹ chồng, nên tôi thấy chẳng việc gì phải nghĩ ngợi. Chưa kể con gái, có vô vàn giá trị mà con trai chưa hẳn thay thế được. Làm cha mẹ, phải tự tìm niềm vui tuổi già cho mình.
Mà vợ tôi buồn, nhìn cũng thấy thương. Xưa nay, con gái quẩn quanh với mẹ, chuyện gì mẹ con cũng thủ thỉ, giờ trống vắng thế này, không buồn sao được. Tôi thì khoái chuyện trò với bốn thằng rể. Không có con trai, xem con rể là con trai, cũng thú. Hôm nào buồn, tôi bày cuộc nhậu, tập hợp hết bọn chúng về. Tôi mà gọi, có thể bốn đứa con gái vắng mặt, chứ mấy thằng rể lúc nào cũng đủ quân số. Bên cạnh nể nang tôi, chúng nó cũng khoái ông bố vợ hiểu chuyện.
Trong bất kỳ cuộc tụ họp nào, tôi cũng làm nhạc trưởng, vừa điều khiển cuộc vui vừa điều khiển cả cảm xúc của bốn chàng rể. Nói thế là vì mỗi đứa mỗi thế giới, đứa nào cũng tự ái cao như núi, nếu đứa này vô tình làm đứa kia suy tư, thì hỏng cả bữa tiệc. Khi ấy, tôi lấy tư cách cha vợ mà làm trọng tài.
Con rể tôi, đứa này làm ăn được thì tỏ ra tự tin; đứa kia khó khăn hơn thì tự ti. Có đứa cũng “chướng” lắm, vì sĩ diện đàn ông, nên cứ muốn hơn thua. Và còn rất nhiều chuyện khác nữa, mà một người bố vợ như tôi phải độ lượng mới có thể mang lại không khí ấm áp cho đại gia đình.
Làm cha mẹ nếu cứ vô tâm thì khỏe xác. Mà tuổi già, lẽ ra cứ vô tâm mới được, chứ hơi đâu mải nghĩ chuyện dàn xếp, vun vén. Đó, cũng chỉ bởi trách nhiệm với con cái mà ra. Cha mẹ nào chịu nhìn con cái bất hòa? Thằng rể không vui, con gái mình có hạnh phúc?
Con mình sinh ra, nuôi nấng, dưỡng dục, cận kề, còn chưa hiểu hết tâm tính của con, huống gì con rể. Nghĩ thế, tôi phải “tập” hiểu bốn thằng rể, chỉ mong hiểu phần nào thôi, cũng là cả một quá trình. Đứa nào tính khí thế nào, biết để… chiều chuộng, hy vọng nó sẽ chiều lại mình, kể ra cũng chẳng mất mát gì.
Vợ tôi không cần đám con rể phải có trách nhiệm về kinh tế, hay thăm nom, mà bà cần con rể hiểu cảm xúc “mất cả đàn con gái”, mà dẹp hết mọi sĩ diện, để sống chan hòa, kiểu như “cột chèo” với nhau thì coi như anh em ruột thịt, coi cha mẹ vợ như cha mẹ ruột, vậy mới thoải mái được.
Có đêm tỉnh giấc, không thấy vợ bên cạnh, hóa ra bà ấy lang thang khắp ngôi nhà rộng, đặt tay lên mấy tấm hình, sờ sờ, vuốt vuốt. Không chịu nỗi cảnh tượng ấy, hôm sau tôi điện thoại tập hợp con cái. Lòng nghĩ, chỉ cần đám con rể có mặt cũng đủ. Quan trọng là cách chuyển tải nội dung của tôi, để thấy chuyện ấy không phải là chuyện nhỏ, rằng không ngủ được chưa hẳn bệnh người già, mà là bệnh trong tâm.
Hy vọng, sau câu chuyện mẹ vợ đi lang thang quanh nhà hôm ấy, đám con rể sẽ có trách nhiệm với chúng tôi. Ít ra cũng biết hối thúc, tạo điều kiện để con gái tôi về thăm cha mẹ thường xuyên hơn, bản thân các cậu ấy cũng cởi mở với nhau hơn. Hơn hết, tôi muốn chúng hiểu rằng, sống trong một gia đình vui vầy, đầm ấm là điều người già chúng tôi cần nhất.