Cháu tôi khi còn nhỏ rất kháu khỉnh, thông minh. Bố cháu làm nghề điện lực, đi công trình thường xuyên, ít có thời gian chăm sóc con. Mẹ cháu ở nhà nội trợ nhưng dạy dỗ con không tốt lắm (con thích gì, mẹ chiều nấy) nên cháu được bố gửi con về quê học. Trong tình thương của nhà nội, cháu học tiểu học rất giỏi. Lên THCS đậu vào trường chuyên nhưng cả nhà vẫn để con học ở quê.
Song mỗi lần về, mẹ nó lại đưa con ra chợ huyện chiều cháu mọi thứ. Tôi la mắng, thế là con trai tôi giận dỗi quyết đưa cháu xuống Vinh để học từ năm lớp 7. Mọi người can ngăn giải thích nhưng bố nó không nghe.
Xuống Vinh cháu học giảm sút, có hành vi không tốt với cô giáo, lấy tiền của bố mẹ tiêu xài, chơi điện tử. Khi bố biết chuyện, nó không về nhà mà về ngoại, sau 2 ngày, ngoại đưa về. Con trai tôi đã cho nó một trận đòn nhừ tử.
Tôi cùng các chú đã yêu cầu cháu viết kiểm điểm. Cháu xin lỗi thật lòng và hứa không phạm lỗi nữa, quyết tâm đậu cấp 3. Song vừa rồi có tiền lì xì Tết, nó lại lao vào điện tử, đi chơi qua đêm không về nhà. Sau 3 ngày bà ngoại đem cháu về. Bố nó tức giận, nhốt con trong phòng.
Biết chuyện, các chú và cô nó cũng buồn lắm, từ Sài Gòn, từ Lào muốn về ngay để chặt chân nó đi, chấp nhận nuôi nó như một người tật. Không biết tuần sau các chú nó dàn xếp công việc về để "xử" thế nào. Phải giải quyết thế nào để cháu tôi thành người đây? (Hoàng Tuấn)
Trả lời:
Chào chú,
Thật xúc động khi đọc những chia sẻ của chú. Ở tuổi ngoài 70, lẽ ra phải được quây quần vui vẻ bên con cháu thì chú lại đang phải lo lắng cho tương lai của cháu mình. Chú là một người ông có trách nhiệm với cháu, rất thương và lo cho cháu nội của mình.
Chúng tôi xin chia sẻ vài ý với chú về trường hợp của gia đình như sau:
Thứ nhất, chúng ta ai cũng biết để giáo dục con cái thì một nguyên tắc không thể thiếu là “thống nhất”. Thống nhất ở đây chính là sự đồng lòng trong cách dạy con.
Sự thống nhất thể hiện ở việc cha mẹ cùng quan điểm, mục tiêu, phân công vai trò, phương pháp, cách thức dạy con, nhất là trong những gia đình có nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, sự thống nhất này đã không tồn tại trong cách giáo dục cháu nội chú. Điều đó thể hiện ở việc mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con, cha không muốn tìm con, nhưng mẹ lại làm, gia đình bên nội, ngoại khác nhau trong cách dạy cháu…
Điều này gây cho cháu nhiều hoang mang, uy tín của người lớn bị suy giảm. Có phải vì thế mà cháu của chú thường nương vào bên ngoại mỗi khi có lỗi?
Việc cả gia đình cha mẹ, nội ngoại, chú bác cùng tham gia và quyết định vào việc giáo dục cháu có làm cháu bị áp lực quá không? Cháu có cảm thấy mình quá quan trọng và là “tâm điểm” của mọi người không?
Thứ hai, trẻ con thì bao giờ cũng thích được nuông chiều. Nhưng nuông chiều như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng làm được.
Mà nuông chiều không đúng chính là làm hư con. Một nhà giáo dục từng nói, một trong những cách làm hư con là chiều theo mọi ý muốn của con.
Thứ ba, cháu của chú đang ở tuổi dậy thì, cháu có nhiều biến đổi trong tâm sinh lý, rất cần người chia sẻ. Các cháu ở tuổi này rất dễ bị lôi kéo, cám dỗ bởi những thú vui bên ngoài.
Thứ tư, có nhiều nguyên nhân dẫn trẻ đến chỗ nghiện game. Có thể kể ra như: có nhiều thời gian rảnh, bị bạn bè rủ rê chơi sau đó bị hấp dẫn của game nên mê, trò chơi điện tử có nhiều hấp dẫn, tìm đến game để tự khẳng định bản thân…
Thứ năm, cháu nội chú khi mắc lỗi thường về bên ngoại. Vậy bên ngoại có phải là “bệ đỡ” cho cháu không?
Giải pháp nào cho cháu chú, chúng tôi xin đưa ra vài ý kiến để chú có thể tham khảo:
Cha mẹ cháu, gia đình bên nội ngoại phải thống nhất trong cách giáo dục cháu. Ai là người sẽ quản lý cháu về mặt thời gian, chẳng hạn đưa đón cháu đi học, thời gian học bài ở nhà, vui chơi.
Nếu làm được điều này sẽ hạn chế việc chơi game của cháu, đồng thời cũng xác định rõ sự phân công vai trò trong giáo dục cháu. Nếu không, cháu sẽ ỷ lại vào người có quyền lực nhất.
Cũng cần phải bàn với bên ngoại về việc cháu cứ có lỗi là sang bên đó. Bên ngoại cần phải có thái độ nghiêm khắc với cháu, chứ không phải để cháu dựa vào đó để phạm lỗi vì có “bệ đỡ”.
Trong cuộc sống hiện nay, các gia đình thường ít con nên tâm lý cha mẹ ai cũng mong muốn cho con mọi thứ. Tuy nhiên, nếu cho tiền con mà không biết con dùng tiền vào việc gì thì đó là làm hại con. Vì thế gia đình cho cháu tiền phải hướng vào những việc thật cần thiết.
Hiện nay kết quả học tập của cháu sa sút, vậy phải xem lại có phải cháu đã bị hỏng kiến thức ở chỗ nào, kịp thời bổ sung để cháu theo kịp bạn bè.
Nếu không cháu vào lớp sẽ không hiểu bài và chán học, từ đó trò chơi điện tử lại càng có sức hút. Có thể thay thế trò chơi điện tử bằng các hoạt động khác như: chơi thể thao, các hoạt động năng khiếu (cờ, vẽ, âm nhạc…), sự quan tâm chia sẻ như người bạn của cha mẹ (hay người trực tiếp nuôi dạy).
Các chú bác của cháu có ý nghĩ là "chặt chân để cháu tàn phế suốt đời mà bỏ chơi điện tử". Theo tôi chẳng qua là ý nghĩ nhất thời, nóng giận quá mà thốt ra thôi, chứ không ai lại làm điều đó.
Hơn nữa, cháu nội chú cũng có thời gian học giỏi, ngoan, cháu chỉ mới mê chơi thời gian gần đây thôi. Vì thế chú có thể trao đổi với các con mình về vấn đề này.
Xét cho cùng thì cháu cũng chỉ là đứa trẻ, đang tuổi ăn, tuổi chơi và cha mẹ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ quan tâm chăm sóc, nuôi dạy. Để trở thành một người có ích cho xã hội thì con người cần được nuôi và dạy đúng phương pháp.
Giáo dục một con người không phải ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình. Trong quá trình đó, có những lúc chúng ta vấp ngã, thất bại là bình thường. Để con cái trưởng thành thì vai trò giáo dục của cha mẹ là quan trọng nhất.
Nếu được thì cả gia đình bên nội, bên ngoại, cha mẹ và các chú bác của cháu cần phải ngồi lại với nhau thống nhất trong cách dạy. Điều này khó nhưng nếu làm được thì hiệu quả sẽ rất tốt. Vấn đề bây giờ không phải đổ lỗi cho ai mà là tìm giải pháp.
Hy vọng với những chia sẻ trên của chúng tôi sẽ giúp chú giải quyết tốt nhất vấn đề của gia đình mình. Chúng tôi nói gia đình vì trong chuyện này không phải chỉ một mình cháu nội chú mà phải có sự tham gia của cả nội ngoại hai bên.
Chúc chú và gia đình mau chóng tìm ra cách tốt nhất cho cháu mình.