Tiếng nói hiếm
Xã Vĩnh Thịnh, từ xa xưa có tên là vùng đất Bản Thủy rồi Kênh Thủy. Về sau, được đổi tên thành xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho đến ngày nay. Hàng ngàn năm qua, dẫu bao biến cố thăng, trầm nhưng tất cả ai sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này vẫn luôn giữ được “báu vật” của làng mình. Đó là, tiếng nói đặc trưng của người làng Kênh Thủy.
Mảnh đất Vĩnh Thịnh là địa danh gần cuối (từ Tây về Đông) của huyện Vĩnh Lộc. Còn dải đất Vĩnh Lộc trải dài, uốn lượn theo triền sông Mã bên phía bờ tả. Hơn 600 năm về trước, vùng đất này đã được Hồ Quý Ly chọn làm nơi xây dựng thành Tây Đô, lập ra Vương triều Hồ. Cũng chính vùng đất này, là nơi phát tích của Chúa Trịnh, kéo dài ngôi vị hơn 240 năm…
Xã Vĩnh Thịnh là nơi giáp với Di chỉ Văn hóa Đa Bút khoảng chừng 2 km đường chim bay. Theo các vị cao niên trong làng kể lại về “gốc tích” vùng đất quê mình, rằng: “Tương truyền, khu vực này vốn là vùng nước mênh mông. Cá, tôm, cua, ốc… đầy đồng, đất đai màu mỡ. Cũng bởi lẽ, đây vùng đồng chiêm trũng, nước mênh mông, nên người ta gọi là Bản Thủy, Kênh Thủy.
Mặc dù gọi là làng, nhưng Vĩnh Thịnh bây giờ là một xã có bốn làng, gồm: Đông, Đoài, Trung, Sanh với số dân gần chục ngàn người. Xã Vĩnh Thịnh hiện có 2.235 hộ, trong đó chỉ còn 38 hộ nghèo và 210 hộ cận nghèo. Bình quân thu nhập đầu người đã đạt mức 47 triệu đồng/người/năm. Cả xã có hơn 1.500 học sinh ở ba cấp học. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở bậc học THCS đạt 97,9%, tiểu học đạt 99,8% và mầm non đạt 100%...
Điều đặc biệt nhất ở Vĩnh Thịnh, là có tiếng nói vô cùng đặc trưng! Tiếng mẹ đẻ được coi như “báu vật” của những thế hệ được sinh ra từ đây. Ngôn ngữ ấy, tiếng nói ấy, cách phát âm ấy vô cùng khác lạ so với bất kỳ ngôn ngữ của dân tộc khác, dù rằng người Vĩnh Thịnh là dân tộc Kinh.
Cách phát âm về tên gọi nhiều đồ dùng, sự vật của người dân Vĩnh Thịnh rất khác với tiếng phổ thông. Ví dụ: Tóc - gọi là tắc, mũi - gọi là mủn, răng - gọi là nanh, lưỡi - gọi là lản, chân – gọi là chò... Cái nồi đất kho cá – gọi là trách, nắp nồi đất kho cá - gọi là phẳn, cái nia - gọi là nâm cấm, chiếc gầu múc nước giếng - gọi là đài mốc nác, chiếc gầu tát nước - gọi là bẳn tát nác, chiếc gáo dừa múc nước - gọi là chuộc, giường nằm - gọi là chằng, nhưng bàn thờ tổ tiên – lại gọi là chằng cao...
Không chỉ riêng các đồ vật, mà nhiều loại vật cũng được người Vĩnh Thịnh gọi khác. Ví dụ: Con chuột – gọi là con thiêng, con nhện – gọi là con rạnh, con chuồn chuồn- gọi là con bà bịm, con rết - goi là con tít, con thạch sùng – gọi là con mốn...
Xin trích một đoạn hội thoại của người mẹ sai bảo đứa con con trai “Đán ơi, chằn đếnh nhà mầu dầy, mượn cây triêng nác cho thày, để thày triêng bui ra phơi. Xoong, đán lạy luôn cây chuộc nhà mành, đăm viền để tún thày rửa chò, lên chằng ngơi chá”.
Vì mải chơi, cậu bé đáp lại bố rằng: “Rầy rẩy cấy, đán đẳng bắt con bà bịm hò tiêu”. Người bố liền quát nạt con: “Nhởn bưa bưa thôi đán chá. Hoọc không chìu hoọc, chá mằn chi cả, mẳn chi đi bắt bà bịm mải rứa? Không lày triêng nác, thì thày triêng bui mằn răng. Bảo mằn việc mà nhác ri, thì lày chi hốc, hả đán?”.
Xin dịch đoạn hội thoại theo tiếng phổ thông: Người bố sai bảo cậu con trai: “Cu ơi, chạy qua nhà bà dì, mượn chiếc đòn gánh cho bố, để bố gánh rơm ra phơi. Xong, con lấy luôn chiếc gáo dừa của nhà mình, đem về để tối bố rửa chân, trước khi lên giường nghỉ ngơi, nhé”. Vì bé trai đang mải chơi, nên phụng phịu nói lại: “Từ từ chút, con đang bắt con chuồn chuồn ớt”.
Người bố quát nạt cậu con trai: “Chơi vừa vừa thôi nhé. Học không chịu học, chẳng làm gì cả, làm gì đi bắt chuồn chuồn mãi thế? Không lấy đòn gánh, thì bố gánh rơm làm sao. Bảo làm việc mà lười như vậy, thì lấy gì mà ăn, hả con?”.
Cũng là một cách phát âm, nhưng khi tức giận, ghen ghét hay yêu thương thì người Vĩnh Thịnh có phát âm khác nhau. Ví dụ: “Nầy, đầng cua vè ớ rứa. Con té đúa, hấn có han cây chò càng nạng, chá êm mô”. Tức là: “Này, đừng nói như vậy. Con bé đó, nó có đôi chân xấu, không đẹp đâu”.
Còn khi một người nào đó bày tỏ lòng yêu thương, thì bày tỏ bằng âm ngữ khác. Ví dụ: “Ô tròi, con cấy nhà vơ êm lấm. Mặt mủn, tắc tai, tay chò êm lấm. Bọ nanh của hấn trắng như bun, mà hấn vè cây chi cũng dẻ nghe cả”. Tức là: “Ôi trời, con gái nhà đó đẹp lắm. Mặt, mũi, tóc tai, tay chân đẹp lắm. Bộ răng của nó trăng như vôi, mà nó nói cái gì cũng dễ nghe cả”...
Coi tiếng nói như “báu vật” của làng
Người dân Vĩnh Thịnh rất tự hào về tiếng nói riêng của quê mình. Từ người già, tới con trẻ ở đây đều có thể nói tiếng mẹ đẻ song song với tiếng phổ thông (tiếng Việt). Bởi vậy, những người đi trước luôn răn dạy lớp người đi sau rằng, "chém cha không bằng pha tiếng". Đã là người sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Thịnh, dù đi khắp nơi làm ăn, sinh sống cũng vẫn giữ được tiếng quê hương. Và, họ luôn coi tiếng nói quê hương mình như “báu vật”.
Một điều đặc biệt nữa, người dân xã Vĩnh Thịnh cũng lấy vợ, lấy chồng ở nơi khác. Nhưng, dù người nơi khác có về ở rể, làm dâu, thì suốt đời họ vẫn không thể nào phát âm “chuẩn” được giọng của địa phương này. Tuy rằng, rằng họ vẫn có thể hiểu được ngôn ngữ ấy. Và đương nhiên, khi những đứa trẻ có bố, hoặc mẹ là người Vĩnh Thịnh, được sinh ra ở mảnh đất này, thì tất thảy đều nói được tiếng Kênh Thủy. Đặc biệt, người dân Vĩnh Thịnh khi nói tiếng phổ thông, những từ có dấu “hỏi”, dấu “ngã” đều phân biệt và phát âm rất chuẩn xác, mà không tréo ngoe hỏi, ngã như một số nơi của xứ Thanh.
Bà Nguyễn Thị Hậu – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, cho biết: Cách đây chừng chục năm về trước, có nhiều giáo sư, tiến sĩ của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, đã từng về tìm hiểu tiếng nói của người dân Vĩnh Thịnh. Các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ đã ở lại cả tuần lễ, để ghi lại cách phát âm của người Vĩnh Thịnh, nhằm tìm hiểu nguồn gốc tiếng nói nơi đây. Tuy nhiên, đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về nguồn gốc tiếng nói của người Vĩnh Thịnh.
Có giả thuyết cho rằng, tiếng nói, cách phát âm của người Vĩnh Thịnh là do một bộ tộc người cổ đến đây cư trú từ hàng nghìn năm trước để lại. Cũng có giả thuyết cho rằng, tiếng nói của người dân nơi đây bắt nguồn từ tiếng Việt – Mường cổ. Hoặc là nguồn gốc “Tận cùng tiếng Mường, khởi thủy tiếng Kinh, lẫn theo tiếng cả tiếng Chăm”(?!). Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là những giả thuyết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọ - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), là người Vĩnh Thịnh, cho biết: Sau nhiều năm ông nghiên cứu, tìm hiểu về quê mình, đến nay đã có những cứ liệu, minh chứng về nguồn gốc tiếng nói của người dân quê hương ông. Tuy nhiên, đây mới là những cứ liệu để khảo cứu, chưa thể kết luận cụ thể được.
“Ở Vĩnh Thịnh, có ngôi chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân. Hai công trình này được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Đặc biệt, trong chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân đang lưu giữ được những tượng phỗng đá, là hình tượng và nét hoa văn của người Chăm. Do đó, giả thuyết về nguồn gốc tiếng nói của người dân Vĩnh Thịnh cũng có thể liên quan đến văn hóa dân tộc Chăm”, Tiến sĩ Ngọ nói.
Cũng theo Tiến sĩ Ngọ, ngoài những cứ liệu mà ông đã, đang lần tìm, thì sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo biên soạn thời Gia Long thứ 15 (1816) viết: “Tương truyền, xã Khắc Kiệm xưa kia có một cái khe làm thành hồ thủy, phát nguồn từ Yêu Cức, chảy vòng hợp ở phía trước, cư dân vì thế mà thịnh vượng. Dân khang vật thịnh, địa linh nhân kiệt, sinh ra nhiều bậc Thám hoa, Tiến sĩ.
Sau này nhờ hiển đạt của các quan, nhân đó đổi thành xã Phú Thịnh. Trong thời gian đó, xã Đa Bút cắt đứt mất khe nước mà cho chảy ra phía Tây. Dòng nước bên hữu ở ngoài đường. Phía ngoài sợ hổ ra, cư dân nhiều người bị hổ vồ, trở nên tiêu điều, rồi trở thành phiêu tán. Có thể nói dân cư có liên quan đến phong thủy là như thế”.
Bên cạnh đó, sách Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thịnh, có ghi: “Việc những cư dân xã Phú Thịnh di cư về núi Hến lập nên Ngư Võng Phường. Qua truyền ngôn, Thư tịch, Sắc phong cổ cũng như các văn bản Hán Nôm ghi về chùa Hoa Long và một số tài liệu khác. Có thể ước chừng Ngư Võng Phường ra đời vào giữa thế kỷ thứ XV… Từ khi Ngư Võng Phường có số dân cư đông đúc ở dọc sông Kinh Xuyên, thì ra đời tên làng Kinh Xuyên, sau gọi là Kênh Thủy, rồi đổi thành Bản Thủy.
Cho đến ngày nay, thuộc văn hóa Đa Bút, chúng ta đã biết được 4 di chỉ phân bổ từ Tây sang Đông, dọc theo triền sông Mã suốt từ trung du đến ven biển Thanh Hóa, đó là: Núi Hến - Đa Bút (xã Vĩnh Tân), Rú Hến Bản Thủy (xã Vĩnh Thịnh), Cồn Cổ Ngựa xã Hà Lĩnh (Hà Trung) và Gò Trũng xã Phú Lộc (huyện Hậu Lộc). Với những kết quả các đợt khai quật di chỉ khảo cổ học núi Hến Đa Bút, Rú Hến Bản Thủy, khẳng định ở khu vực Núi Hến (nay thuộc địa phận làng Đoài, xã Vĩnh Thịnh) có cư dân nguyên thủy cư trú cách đây khoảng 7.000 năm”.