Giáo viên mầm non:

Nỗi lòng 'nhà giáo' già

GD&TĐ - Giáo viên mầm non là nghề đặc thù... 

Giáo viên Trường Mầm non Thanh Hưng trong hoạt động tổ chức Tết cho học sinh.
Giáo viên Trường Mầm non Thanh Hưng trong hoạt động tổ chức Tết cho học sinh.

Nhiều “bà giáo” ở các tỉnh vùng cao đang gặp khó trong thực hiện nhiệm vụ bởi tuổi cao, động tác không còn linh hoạt như trước... Bởi vậy, các cô mong muốn có thể nghỉ hưu ở tuổi 55.

Đi sớm về khuya

Trường Mầm non Thanh Hưng hiện có 29 giáo viên, phụ trách 15 lớp với trên 420 trẻ. Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực bởi việc trông trẻ trong suốt cả ngày. “Độ tuổi mầm non, các trẻ rất hiếu động, mà trong độ tuổi này học tập phải gắn với vui chơi. Bởi thế, giáo viên cần hoạt động cả ngày. Mà tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm nên có thể không bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ”, cô Nga nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Thị Loan (SN 1967) là giáo viên lớp mẫu giáo bé Trường Mầm non Núa Ngam (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Năm 1996, cô Loan vào nghề, công tác tại Trường Mầm non Sam Mứn. Năm 2008, cô chuyển công tác ra Trường Mầm non Núa Ngam và gắn bó từ đó đến nay.

Năm nay bước sang tuổi 55, cô cảm nhận rõ sức khỏe có dấu hiệu giảm sút. Điều này đồng nghĩa với việc dạy học cũng gặp khó khăn hơn thời còn trẻ. “Đến trường trẻ và cả phụ huynh đều gọi tôi là “bà giáo”. Tuổi này có thể nói là “mắt mờ, chân chậm” nên gặp khá nhiều hạn chế trong dạy học. Việc thực hiện các thao tác như múa dẻo, chạy, nhảy, trườn bò qua các vòng tròn có chướng ngại vật... làm mẫu cho trẻ rất khó khăn”, cô Loan chia sẻ và cho hay: Việc sử dụng công nghệ thông tin, cập nhật phần mềm mới vào chương trình giảng dạy cũng hạn chế. Ở lứa tuổi này, dạy theo định mức đã vất vả, chứ chưa nói đến theo kịp đổi mới của ngành.

Trường Mầm non Núa Ngam có 25 giáo viên, được phân ra giảng dạy tại 1 điểm chính và 6 điểm trường lẻ gồm: Huổi Hua, Tin Lán A, Tin Lán B, Na Sang 1, Na Sang 2, Pá Bông, Ten Núa. Hai điểm Huổi Hua và Tin Lán A là xa và khó khăn nhất, cách trung tâm gần 10 km.

Với các giáo viên “lớn tuổi” như cô Loan, ban giám hiệu nhà trường đã ưu tiên bố trí cho giảng dạy tại điểm trung tâm. Bởi ở tuổi như cô Loan sẽ không thể đi bản lẻ xa xôi. Những điểm bản này chủ yếu là đường đất, dốc, nắng thì bụi mà mưa thì trơn trượt. Hơn thế, ở các điểm bản lẻ, giáo viên sẽ phải “ôm” trọn hai vai – vừa là cô, vừa là “mẹ” để giảng dạy, chăm lo từng bữa ăn, nước uống cho trò.

Một tiết dạy của cô Nguyễn Thị Len. Ảnh: Hoàng - Linh

Một tiết dạy của cô Nguyễn Thị Len. Ảnh: Hoàng - Linh

Khó “chạm” vào công nghệ

Theo cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Núa Ngam, hiện tồn tại sự chênh lệch về chuyên môn, nghiệp vụ giữa giáo viên lớn tuổi với đội ngũ mới “ra lò”.

“Với Chương trình giáo dục mầm non mới, năng lực ngoại ngữ hay khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học với các cô lớn tuổi khó đáp ứng được. Hơn nữa, về môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật... cũng đòi hỏi nâng cao chuyên môn mỗi ngày từ phía các cô. Đây cũng là hạn chế lớn đối với nhà giáo lớn tuổi”, cô Nga nói.

“Cô giáo trẻ sẽ có sức khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, có thể bám sát, cùng chơi, cùng vận động liên tục với trẻ. Ngoài ra, đặc thù của ngành GD mầm non, đòi hỏi các cô phải nói liên tục để hướng dẫn, giảng dạy cho trẻ”, cô Len nói.

Cô Nguyễn Thị Len, giáo viên lớp nhà trẻ, Trường Mầm non Thanh Hưng (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) năm nay bước sang tuổi 54. Theo cô Len, tâm lý của trẻ nhỏ cũng như phụ huynh đều thích cô giáo trẻ dạy dỗ con em mình.

Nhà cô Len cách trường gần 4 km. Vì thế, một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc thậm chí lúc nửa đêm. “Tôi phải dậy từ 5 giờ để kịp chuẩn bị mọi thứ. Đến 6 giờ 30 phút có mặt ở trường để vệ sinh lớp, lau dọn, sắp xếp bàn ghế rồi sẵn sàng đón trẻ. 8 giờ chúng tôi bắt đầu dạy học. Sau bữa cơm trưa, trẻ đi ngủ mới có thể ngơi tay được chút. Nhưng cũng không được đi đâu mà phải có mặt tại lớp để trông trẻ ngủ. Lúc này, các cô tranh thủ làm được việc gì thì làm việc đó”, cô Len chia sẻ.

Buổi chiều, các cô cho trẻ dậy, ăn bữa phụ, tổ chức các hoạt động ôn luyện kiến thức, lao động, vui chơi và 17 giờ thì trả trẻ. “Trẻ mầm non rất hiếu động, liên tục chạy, nhảy nên rất dễ bị ngã, trầy xước chân tay. Bởi vậy, để trẻ an toàn, giáo viên phải thường xuyên giám sát. Để tránh tai nạn thương tích cho trẻ, đôi khi chúng tôi cũng phải theo sát hoạt động để can thiệp khi cần thiết. Tuy nhiên, ở độ tuổi 54, để theo sát hoạt động của trẻ là rất khó”, cô Len nói thêm.

Chia sẻ về áp lực, nỗi lo lắng khi tuổi đã cao nhưng vẫn đứng lớp dạy múa, hát và chăm sóc trẻ nhỏ tại trường học, cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường Mầm non xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn (Sơn La), cho biết: “Tôi công tác trong ngành Giáo dục được 29 năm rồi. Ở tuổi 50, tôi không thể đứng lớp, dẫn dắt trẻ học múa, học hát và chăm sóc chu đáo như giáo viên trẻ”.

Hàng ngày, cô Oanh phải vượt hơn 30km đến trường dạy học. Tuổi cao nên khi thời tiết mưa phùn, gió bấc, rét buốt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Bên cạnh yếu tố sức khỏe, giáo viên lớn tuổi cũng gặp hạn chế nhất định khi tiếp thu, bắt nhịp với công nghệ thông tin trong giảng dạy, soạn giáo án.

Cô Nguyễn Thị Len và học trò. Ảnh: Hoàng - Linh

Cô Nguyễn Thị Len và học trò. Ảnh: Hoàng - Linh

Tăng tuổi nghỉ hưu: Buồn nhiều hơn vui

Theo cô Oanh, phụ nữ từ độ tuổi 48, 49 trở lên sẽ gặp một số vấn đề: Trí nhớ kém, mắt kém, chân tay run rẩy và nhiều yếu tố khác… Do đó, khi nghe thông tin nữ đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu, cô rất lo. Bởi, giáo dục mầm non có vất vả riêng so với các ngành nghề và lĩnh vực khác. “Tôi mong được giữ độ tuổi nghỉ hưu như cũ là 55”, cô Oanh bày tỏ.

Cùng suy nghĩ, cô Bùi Thị Huyền, giáo viên Trường Mầm non Chiềng Mung (huyện Mai Sơn), thổ lộ: Tuổi nghỉ hưu 60 đối với giáo viên mầm non là không phù hợp với thực tế công việc. Bởi khi tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo để theo sát mọi hoạt động của trẻ. Đứng lớp dỗ trẻ nhiều thì cổ hỏng bị đau rát.

“Tôi năm nay 50 tuổi, trẻ đến trường đều gọi tôi bằng bà. Tâm lý trẻ và phụ huynh đều không thích cô giáo già, nên giáo viên mầm non nghỉ hưu ở độ tuổi 55 là phù hợp. Bản thân cũng xác định xin về nghỉ hưu trước tuổi, bởi sức khỏe đã yếu, áp lực sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy khá nhiều, bản thân không thể bắt nhịp kịp. Hơn nữa, khối lượng công việc của giáo viên mầm non mỗi ngày khá nhiều: Kiểm tra lớp học, dọn dẹp vệ sinh, lau chùi bàn học và khu ngủ, vui chơi của trẻ…

Sau đó, đón học sinh vào lớp học và trao đổi với phụ huynh về tình hình sức khỏe của trẻ trong ngày để có cách chăm sóc hiệu quả nhất. Số lượng công việc như vậy, với nhà giáo có tuổi thì không thể đủ năng lượng và trí nhớ để làm tốt cùng lúc…” - cô Huyên nói.

Đối tượng chăm sóc, dạy dỗ của giáo viên mầm non là trẻ nhỏ. Vì vậy, họ phải hội đủ các tiêu chí về phẩm chất, năng lực và sức khỏe mới có thể đảm trách nhiệm vụ. Thời gian làm việc của giáo viên mầm non luôn nhiều hơn quy định. Tuổi càng cao thì độ hoạt bát, nhạy bén của các giáo viên cũng bị hạn chế. Họ không thể chạy nhảy, hát múa cho trẻ nhỏ như các giáo viên trẻ tuổi.

Chia sẻ điều này, cô Đinh Thị Sen, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiềng Kheo, đồng thời thông tin: “Đa số giáo viên mầm non đều mong muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 55. Đối với nữ cán bộ quản lý, ở tuổi 60 vẫn có thể cáng đáng công việc được, nhưng giáo viên đứng lớp thì không. Do vậy, nếu quy định tuổi nghỉ hưu ở 60 với giáo viên mầm non nói chung là không phù hợp”, cô Sen nhận định.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Sơn, cho hay: Bậc mầm non là 1 trong những ngành nghề vất vả và có tính đặc thù riêng. Phải chăm sóc trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ đòi hỏi giáo viên mầm non phải có sức khỏe tốt, hoạt bát để bao quát các em trong cùng một lúc. Đối với nhà giáo dạy ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn khi tuổi cao thì việc di chuyển sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và đôi khi là tính mạng.

Một ngày có 24 giờ thì hơn một nửa các cô ở trường. Rời trường, họ dành chút thời gian ít ỏi còn lại để chăm sóc “tổ ấm” riêng, rồi lại vào bàn soạn giáo án cho ngày hôm sau. Nên ngày làm việc của các cô cũng có khi kết thúc vào lúc nửa đêm. Do đó, mong muốn của cô Len, cô Loan và nhiều giáo viên mầm non khác là được nghỉ hưu sớm (nếu sức khỏe không cho phép) và không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu của đội ngũ này như ngành nghề khác. Bởi cô giáo già, mắt kém, chân tay chậm, không thể dạy hay, chứ nói gì đến múa - hát giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.