Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho đội ngũ này là vấn đề cấp thiết.
Tăng… là hoàn toàn xứng đáng
Hơn 20 năm trong nghề, cô Lê Thị Thu Hằng – giáo viên Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình) cho biết, thu nhập hàng tháng được 7 triệu đồng. Nếu không vì yêu nghề, mến trẻ chắc khó ai có thể bám trụ đến bây giờ. “Sự thật là, lương giáo viên mầm non không đủ sống nên nhiều cô phải xoay xở làm thêm bằng cách bán hàng online. Với giáo viên trẻ, mức thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này, làm sao đủ để có thể cân bằng chi tiêu trong cuộc sống, nhất là ở thời đại này” - cô Hằng phân trần.
Hơn bao giờ hết, cô Hằng mong mỏi tiền lương của giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng cần được cải thiện tốt lên. Cùng với đó, tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. “Chúng tôi rất vui khi được biết, Bộ GD&ĐT đã dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Dự thảo đề xuất phụ cấp nhà giáo ở mức 25 - 100% tùy đối tượng. Theo đó, đội ngũ giáo viên mầm non cũng là đối tượng thụ hưởng”, cô Hằng bộc bạch.
Hiện nay, ngoài lương cơ bản, giáo viên mầm non có thêm một số loại phụ cấp như: Ưu đãi nghề (còn gọi là phụ cấp đứng lớp), thâm niên… Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Vân – chuyên viên phụ trách giáo dục mầm non, Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải (Yên Bái), không phải giáo viên nào cũng được hưởng phụ cấp này. Chẳng hạn, giáo viên hợp đồng sẽ không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
“Vất vả là vậy nhưng lương giáo viên mầm non vẫn thấp, trong khi áp lực công việc không hề nhẹ. Do đó, tôi mong muốn cần có chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng với giáo viên mầm non, nhất là với những thầy, cô “cắm bản” , bà Vân bày tỏ.
Bà Vân đề nghị, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn lên tối thiểu 70%, thậm chí 100% là hoàn toàn xứng đáng. Bởi thực tế, công việc của giáo viên mầm non không đơn giản, chịu nhiều áp lực. Khi lên lớp, giáo viên vừa là thầy, người bảo mẫu, bác sĩ, diễn viên múa… Đấy là chưa kể ngày nào, các cô cũng phải đi sớm về muộn, quỹ thời gian dành cho gia đình gần như bị chiếm dụng hết.
Vấn đề cấp bách
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thực tế, có giáo viên đi làm chục năm, cuối tháng nhận lương 5-6 triệu đồng, đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu đồng. Số tiền ít ỏi còn lại phải căn cơ để chi tiêu, trang trải sinh hoạt trong gia đình. Đây là một trong những lý do vì sao giáo viên mầm non lại chạy đôn, chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình.
Cô - trò Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình). Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, đặc thù của giáo viên mầm non là phải đến trường từ rất sớm để đón trẻ; Lo cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ. Một ngày làm việc của giáo viên mầm non thường từ 6h sáng đến 6h tối. Trong khi đó, đồng lương họ nhận được vẫn không đủ để trang trải cuộc sống.
Từ thực tế trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, tăng lương, phụ cấp ngay lập tức cho giáo viên; đặc biệt là giáo viên mầm non là vấn đề cấp bách, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên; để nhà giáo toàn tâm toàn ý, yên tâm bám trường, bám lớp. Mặt khác, lương và phụ cấp giáo viên tăng thêm cũng là động lực thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời, thúc đẩy khối tư thục quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô giáo và đầu tư cho con người.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%. Đại biểu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu đề xuất Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó khăn; trong đó quy định rõ nguồn kinh phí riêng để thực hiện đề án, ưu tiên các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.
Đại biểu Quốc hội Siu Hương (đoàn tỉnh Gia Lai) bày tỏ lo lắng về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng. Tại tỉnh Gia Lai, đến tháng 6/2022 có gần 400 cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc. Trong đó, ngành Giáo dục có đến 125 người. Đại biểu Siu Hương đề nghị các địa phương, Bộ ngành xem xét, đánh giá lại nguyên nhân để kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân.
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, cô Bùi Thị Tiện – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình) cho rằng, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi. Cô Tiện viện dẫn, theo Chương trình giáo dục mầm non mới, yêu cầu giáo viên phải biết ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục trẻ. Ngoài ra, các cô cũng cần có năng lực ngoại ngữ.
Theo cô Tiện, với giáo viên lớn tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn để đáp ứng các tiêu chí trên. Hơn nữa, những môn năng khiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật... cũng đòi hỏi giáo viên mầm non độ mềm dẻo, chuyên môn ngày càng cao. Trong khi đó, các cô lớn tuổi sẽ khó có thể đáp ứng được. Đó là chưa kể đến vấn đề sức khỏe, sự nhanh nhạy trong xử lý các tình huống đột xuất với trẻ.
“Việc giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi hoàn toàn phù hợp thực tiễn khách quan, đáp ứng với xu thế phát triển và hội nhập của giáo dục hiện đại, giúp các em phát huy được khả năng của bản thân nhiều hơn” – cô Tiện nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ GD&ĐT dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Theo đó, dự thảo đề xuất phụ cấp nhà giáo ở mức 25 - 100% tùy đối tượng. Trong đó, Bộ GD&ĐT đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%. Giáo viên mầm non công tác vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Với mức đề xuất này, dự kiến có khoảng hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.