Nỗi lo lớp học quá tải

Nỗi lo lớp học quá tải

(GD&TĐ) - Tình trạng dân nhập cư về các thành phố lớn ngày càng gia tăng đã khiến cho trường học quá tải về sĩ số. Đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, các trường tiểu học và mầm non phần lớn đều có sĩ số bình quân trên 50 học sinh/ lớp. Thậm chí, có trường lên đến 60 – 65 học sinh/lớp. Lớp học đông đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Thực trạng quá tải

Đã thành thông lệ thường niên ở các thành phố lớn học sinh đầu cấp năm sau nhiều hơn năm trước. Trong khi đó, CSVC trường lớp, phòng học không tăng, thậm chí chật chội. Thêm vào đó, tình trạng nhập cư gia tăng. Đây chính là những nguyên nhân khiến cho ngành GD các thành phố lớn ở nước ta đang đối mặt với tình trạng lớp học quá đông, thậm chí vượt gần gấp đôi so với qui định chung của Bộ GD-ĐT. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong năm học mới này, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố hầu như rơi vào tình trạng quá tải. Mặc dù thành phố đã hỗ trợ bổ sung và thay thế gần 5.000 phòng học mới, 36 trường học mới nhưng dường như cung không đủ cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng dân di cư từ các tỉnh thành khác về thành phố lập nghiệp quá lớn, dẫn đến tình trạng gia tăng dân số và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống giáo dục.

Rõ ràng cho đến thời điểm năm học mới đi qua nửa chặng đường nhưng ngành GD-ĐT Thủ đô coi như đã phá sản mục tiêu trong năm học 2012 - 2013 giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp xuống còn 30 học sinh/lớp với bậc tiểu học, 35 học sinh với THCS và THPT. Thực tế, ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM sĩ số trung bình mỗi lớp rơi vào khoảng 40 - 50 học sinh/lớp.

Với những trường điểm, lớp chọn, lớp chuyên thì sĩ số đông lên tới 60 và hơn 60 học sinh. Trong khi đó, theo qui định của Bộ GD-ĐT, sĩ số chuẩn của trường tiểu học là 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, do áp lực qui mô dân số, Sở GD-ĐT đã có qui định sĩ số, lớp trong các trường tiểu học từ 35 - 45 học sinh. Thế nhưng, chỉ với trường làng các huyện ngoại thành thì sĩ số học sinh mới đạt ở mức qui định này mà thôi.

Vì như ở quận Cầu Giấy, các trường tiểu học Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Nghĩa Tân… sĩ số mỗi lớp đều ngấp nghé con số 60. Tại quận Đống Đa, các trường Kim Liên, Nam Thành Công, Kim Đồng,Công… sĩ số một lớp cũng dao động từ 55 - 60, chưa kể một vài trường hợp đặc biệt con số ấy vượt lên hơn 60. Hiệu trưởng Trường TH Xuân Đỉnh- huyện Từ Liêm cũng bày tỏ sĩ số lớp học của trường quá đông bởi con em dân nhập cư về khu vực ngày càng nhiều.

Ở TP.HCM cũng như các thành phố lớn trong cả nước tình trạng lớp học quá tải cũng diễn ra phổ biến. Ngay cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, thiếu trường lớp học cho con em công nhân cũng là bài toán lớn đặt ra cho các ngành, các cấp, nhất là ngành GD-ĐT.

Giải thích cho việc sĩ số lớp học quá lớn, lãnh đạo các trường đều cho rằng, trong khi cơ sở vật chất không thể phình ra, sức ép về số lượng học sinh mỗi năm tăng, cả đúng tuyến và trái tuyến, không thể tăng số lớp, chỉ có thể tăng sĩ số.

Một số trường học trong nội thành phải đi khai giảng nhờ. (Ảnh mang tính chất minh họa)
Một số trường học trong nội thành phải đi khai giảng nhờ. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Ảnh hưởng đến chất lượng dạy học

Một điều không thể phủ nhận đó là khi học sinh trong lớp quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Song biết như vậy, với nhiều trường đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn chỉ là tạm thời. Lớp đông, các trường đều trang bị hệ thống loa và ăm-li để hỗ trợ về âm thanh cho giáo viên. Vậy nên, diện tích một lớp học vốn được thiết kế chỉ đủ cho số học sinh theo qui định của Bộ GD-ĐT đã phải cơi nới thêm, sử dụng hết công năng. Chẳng hạn, khi sĩ số vượt rào tới gần gấp đôi thì các trường phải xoay xở bằng cách kê bàn học "dày" hơn. Lối đi lại trong lớp giữa các dãy bàn ngày càng bó hẹp lại. Trong chuyến thị sát, có trường học, bàn học sinh còn kê cao vượt qua cả bục giảng giáo viên tới 40cm. Bàn học được thiết kế cho 2 học sinh/bàn có nơi dùng cho 3 học sinh.

Nhiều trường ở Hà Nội vẫn sẽ phải đối mặt vì quỹ đất khan hiếm. Theo thống kê của Sở GD - ĐT Hà Nội, hiện thành phố có 857 trường mầm non (MN) với 12.847 nhóm lớp, 368.700 cháu. Thế nhưng, số trường MN công lập chỉ khoảng 660 cơ sở, đáp ứng cho 9.284 nhóm lớp và 312.400 cháu. Ở cấp tiểu học, số trường công lập là 656, trong khi nhu cầu học là rất lớn.

Như cả khu Dịch Vọng- Cầu Giấy chỉ duy nhất có một trường MN, 1 trường tiểu học, riêng học sinh MN có tới gần 1000 học sinh. Nếu tính ở qui mô cho phép có tới 300 học sinh thuộc diện quá tải. Với lớp học đông như vậy, chất lượng dạy và học đã bị ảnh hưởng. Lớp đông, giáo viên quản học sinh khó khăn hơn. Các em vừa ngồi học đã chật, dịch chuyển trong lớp khó. Lớp đông, bàn kê vượt bục giảng của thầy cô khiến học sinh nhìn lệch, nhìn nghiêng, ảnh hưởng đến ánh sáng lớp học, độ nhìn của mắt và cong vẹo cột sống…vv.

Bản thân nhiều thầy cô đã bày tỏ lớp học đông nên chất lượng dạy và học ảnh hưởng. Nhaats là với THCS, THPT một tiết học chỉ có 45 phút, ổn định sĩ số đã mất 5 phút, ôn bài cũ mất 10 phút, còn lại thời gian học bài mới chẳng đáng là bao. Làm sao quĩ thời gian ít như vậy giáo viên gọi học sinh phát biểu trong giờ học …Với học sinh MN và tiểu học, việc quản lớp càng khó khăn bội phần…vv.

Nhiều trường trên địa bàn Hà Nội đối mặt với sĩ số lớp đông, trong khi điều kiện cơ sở vật chất chưa tương xứng. Có trường đến giờ trẻ ăn cơm phải kê bàn ra ngoài sân mới đủ chỗ. Hoặc học sinh bán trú nhưng trường chỉ là chỗ học, ăn phải dịch chuyển bằng ô tô đi điểm khác… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc trẻ cũng như khả năng tiếp thu bài giảng của học sinh..

Giải quyết bài toán sĩ số quá tải sẽ góp phần tốt hơn nâng cao chất lượng cho ngành GD-ĐT. Nhất là với bậc học Mn khi ngành GD đang tiến hành phổ cập 5 tuổi.

Vũ Kiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ