Nỗi lo khi mùa đót về

GD&TĐ - Đót còn gọi là chít, một loài cây mọc hoang ở triền núi thuộc các huyện vùng cao ở miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nó là nguyên liệu chính để làm chổi, gọi là chổi đót, một loại vật dụng khá phổ biến trong nhiều gia đình.

Cứ đến sau Tết Nguyên đán, loài cây này trổ bông cho đến khoảng giữa tháng 2 âm lịch thì thưa dần rồi chấm dứt vào cuối tháng. Người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở các huyện vùng cao thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi coi đây là một thứ “lộc trời”, vì cây đót giúp họ có thêm thu nhập trong những tháng chuẩn bị bước vào mùa khô, công việc gieo trồng đã vãn.

Khai thác đót khá nhẹ nhàng. Vì vậy người lớn, trẻ con đều có thể vào rừng bứt đót về bán. Cũng không cần phải đi đâu xa mới tiêu thụ được đót. Người bứt đót chỉ cần mang gùi ra khỏi cửa rừng là có ngay các mối lái đón đợi và mua luôn bằng “tiền tươi” sau khi cân.

Chính vì quá dễ dàng, lại có tiền tiêu ngay sau một ngày lao động như thế nên vừa qua ba ngày Tết, hàng trăm người đã vào rừng để bứt đót, trong đó có cả những em học sinh tiểu học! Vì vậy, mỗi mùa đót đến vừa là niềm vui của người lớn vì có đồng ra đồng vào nhưng cũng là mối bận tâm của thầy cô giáo các trường ở vùng cao. Có người ví von “mùa đót là mùa nghỉ học”, quả không sai.

Nhiều thầy cô giáo lần đầu dạy học ở vùng cao các tỉnh miền Trung rất ngạc nhiên khi thấy những lớp học trống vắng đột ngột sau kỳ nghỉ Tết. Tìm hiểu thì mới biết là các em đã nghỉ học để theo cha mẹ vào rừng bứt đót. Số nghỉ học này không phải là nghỉ hẳn, các em sẽ trở lại trường khi mùa đót hết.

Việc bỏ học trong thời gian dài như thế thì cái chữ cũng theo chân các em mà “trốn” vào rừng. Các thầy cô giáo lại phải ôn tập cho số học sinh nghỉ học này để các em có thể theo kịp các bạn cùng lớp. Vốn dĩ không bỏ học buổi nào, nhiều em đã học yếu, giờ nghỉ dài ngày để đi bứt đót, nhiều em theo không kịp chúng bạn nên bỏ học luôn.

Tình trạng này cứ lặp lại nhiều năm nay nhưng để khắc phục không hề dễ. Các trường không thể lấy “mệnh lệnh hành chính” ra để áp dụng vào các trường hợp bỏ học của con em đồng bào này được.

Hơn nữa, mỗi ngày kiếm được từ 100 - 200 nghìn đồng bằng việc bứt đót, quả là điều khó cưỡng đối với những gia đình khó khăn, mà đồng bào thì nhiều gia đình luôn khó khăn.

Các thầy cô giáo đã có thâm niên dạy học ở các huyện miền núi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn chặn tình trạng bỏ học của học sinh mỗi mùa đót về. Kinh nghiệm đó không gì khác ngoài việc đến từng nhà các em để vận động với phụ huynh đừng bắt các em theo cha mẹ vào rừng bứt đót.

Họ vừa phân tích điều hơn lẽ thiệt khi các em phải nghỉ học dài ngày, vừa tặng sách vở, quần áo cho những cháu nào thực sự khó khăn. Các nhà hảo tâm cũng đã đồng hành với các thầy cô giáo trong việc hỗ trợ này. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng bỏ học vào mùa đót một cách căn cơ là điều không dễ.

Một mùa đót nữa lại về. Những cánh rừng bông đót bạt ngàn lượn sóng theo chiều gió như một ma lực hút lấy các em học sinh vùng cao. Các trường lại phải đối mặt với nỗi lo thường niên về chuyện học sinh bỏ học đi bứt đót.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.