Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Năm 2024, FDI đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 20 tỷ USD vào ngân sách Nhà nước. Khu vực FDI cũng đã góp phần giải quyết khoảng hơn 5 triệu việc làm.
Như vậy, với số lượng dự án và số vốn đăng ký, Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, thu hút vốn FDI không chỉ đơn thuần là số vốn cam kết hay số dự án mà đích đến phải là chất lượng tăng trưởng, khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh và mức độ thích ứng của nền kinh tế.
Dẫn chứng rõ hơn về việc không nên quá “nặng” về số vốn cam kết, số dự án, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện chỉ có khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Và chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị.
Ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm này, bởi hiện vẫn còn tồn tại không ít hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI. Cụ thể, quy mô và trình độ công nghệ của các dự án FDI còn hạn chế. Nhiều dự án chưa thực sự tạo giá trị gia tăng cao, thiếu liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, khiến doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu được vào các chuỗi giá trị.
Đặc biệt, Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã chỉ rất rõ rằng, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới.
Số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tỉ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm… Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...
Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI một chuyên gia cho rằng, trước tiên cần gia tăng đầu tư công cho nghiên cứu - phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, xây dựng trung tâm R&D, chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao để gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, nhất là khi phát sinh khó khăn về pháp lý hoặc vận hành thực tế.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.