Nỗi lo của người dân nơi phát hiện bảo vật quốc gia ‘Thạp đồng Đào Thịnh’

GD&TĐ - Người dân xã Đào Thịnh lo lắng cho rằng tên xã mới sau khi sáp nhập sẽ làm mất giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống lâu đời.

Xã Đào Thịnh, nơi phát hiện bảo vật quốc gia Thạp Đồng Đào Thịnh
Xã Đào Thịnh, nơi phát hiện bảo vật quốc gia Thạp Đồng Đào Thịnh

Việc đổi tên xã sang Thịnh Thành sau khi hợp nhất 2 xã Đào Thịnh và Việt Thành của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái khiến nhiều người dân chưa đồng thuận.

Nhiều người dân mong muốn được giữ lại tên xã, địa danh đã gắn liền với lịch sử và văn hóa đã lưu truyền hàng ngàn năm.

Người dân địa phương cho rằng giữ tên Đào Thịnh không phải chỉ để giữ cho mỗi người dân địa phương mà còn giữ cho nhiều thế hệ sau. Giữ cả giá trị lịch sử, văn hóa của “Thạp đồng Đào Thịnh”.

Cũng theo người dân địa phương, xã Đào Thịnh hiện nay, hàng loạt sản phẩm, hàng hóa của xã đã có chứng nhận OCOP và chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Do vậy, khi đổi tên sang xã mới thì sẽ phải mất công làm lại thương hiệu từ đầu.

Thạp đồng Đào Thịnh, một hiện vật bằng đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn.

Thạp đồng Đào Thịnh, một hiện vật bằng đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn.

Liên quan đến sự việc này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc đặt tên cho một đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là công việc của chính quyền mà nó cần thể hiện truyền thống lịch sử địa phương, những dấu ấn gắn với người dân, thể hiện niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân địa phương vun đắp, xây dựng.

Vì thế, khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tên địa danh luôn gắn với những thông điệp nhất định nào đó. Chưa kể ngày nay, các địa phương còn có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác biệt.

Vì vậy, việc sáp nhập, thay đổi dẫn đến việc hòa lẫn văn hóa, dễ xảy ra tình trạng làm mất bản sắc của vùng đất. Nguy hiểm hơn còn có thể gây ra những xung đột, mâu thuẫn không cần thiết.

Tương tự, GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương chia sẻ: “So về lớn nhỏ, Đào Thịnh và Việt Thành không có nhiều sự chênh lệch. Khi cần hợp nhất các xã, phải đặc biệt ưu tiên cho di tích lịch sử và bảo vật Quốc gia là “Thạp đồng Đào Thịnh”. Cái tên này không chỉ là của riêng địa phương mà còn là niềm tự hào, hạnh phúc của cả dân tộc”.

Do vậy các chuyên gia cho rằng, cần xem xét thấu đáo, cái thiệt, cái hơn khi đổi tên sau khi sáp nhập 2 xã. Có thể chọn phương án lấy 1 trong 2 xã làm tên chung sau khi sáp nhập để không phải tất cả người dân đều phải thay đổi giấy tờ...

Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Việc chúng tôi ban hành dự thảo giữ nguyên tên là Đào Thịnh hay Việt Thành thì cũng đều vấp phải rất nhiều phản đối từ người dân hai xã. Do vậy rất khó để hai bên đồng thuận giữ lại một cái tên".

Theo Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, thông qua các buổi họp với nhân dân hai xã, cơ quan thường trực đã tiếp thu ý kiến đa số. Đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên để chỉnh sửa vào dự thảo đề án. Vì vậy, phương án lấy tên “Thành Thịnh” là tối ưu nhất, cơ bản giữ lại được một phần tên hai xã và đảm bảo sự đồng thuận cao hơn sau khi sáp nhập.

Thạp đồng Đào Thịnh là một hiện vật bằng đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Thạp được phát hiện năm 1961 tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, được xác định có niên đại từ 2500 - 2000 năm cách ngày nay. Thạp là một trong những bảo vật quốc gia đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2012, hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ