BS Oliver Johnson (ảnh), 28 tuổi, cùng với nhóm nhân viên y tế Anh đang nhận nhiệm vụ tăng cường cho hệ thống y tế ở thủ đô Freetown của Sierra Leone vào lúc cuộc khủng hoảng diễn ra.
Khi thảm họa bắt đầu, họ đã quyết định ở lại và “làm mọi điều có thể” để giúp đỡ - mặc dù nhân viên y tế nằm trong số những người có nguy cơ nhiễm vi rút cao nhất.
BS Johnson đã mô tả về điều kiện làm việc bất ổn, và sự chống đối từ những người dân địa phương tin rằng căn bệnh này là một “âm mưu” của chính phủ.
“Tất cả chúng tôi đều nhận thức được nguy cơ và rằng chúng tôi phải hết sức cẩn thận. Tuy nhiên chúng tôi cũng biết nếu mang đầy đủ trang bị bảo hộ và tuân thủ các quy định thì chúng tôi sẽ ổn.
“Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tránh được các sai sót - như vô tình làm xước mặt hoặc quên rửa tay”.
Nhưng anh thừa nhận rằng làm việc trong điều kiện phải mang trang bị bảo hộ khác xa so với những gì mà nhóm của anh từng trải qua trước đó.
“Lần đầu tiên tôi mang trang bị bảo hộ trong tình huống hơi cấp bách, vì thế không có nhiều thời gian để nhìn ngắm.
“Bộ đồ nhanh chóng trở nên ngột ngạt, chiếc kính bảo hộ thì mờ hơi nước và mồ hôi chảy từng giọt trên người. Còn mùi chlorine thì nồng nặc”.
“Và điều gây sốc nhất là dáng vẻ khỏe mạnh của người bệnh ngay trước khi chết và sự suy sụp nhanh chóng của họ.
Nhiều bệnh nhân Ebola mà tôi gặp trông có vẻ khá ổn và khỏe mạnh, thậm chí có thể còn đi lại ngay trước khi chết”.
Một bệnh nhân Ebola bị lóc da |
BS Johnson cũng chia sẻ những khó khăn khi làm việc tại đất nước châu Phi này - nơi đang hồi phục sau nhiều năm của cuộc nội chiến tương tàn - vì nhiều người dân nghĩ rằng dịch bệnh là một âm mưu của chính phủ.
Sự lo sợ sâu sắc của các bệnh nhân và gia đình họ đã khiến một số người cố trốn khỏi bệnh viện.
“Ebola là một bệnh mới ở Sierra Leone và khi những trường hợp đầu tiên xuất hiện, nhiều người tin rằng đây là một âm mưu của chính phủ để làm xói mòn một số nhóm bộ lạc, lấy cắp nội tạng hoặc kiếm tiền từ những nhà tài trợ quốc tế.
“Điều này có liên quan với sự kì thị y học phương tây và những quan niệm cũng như cách thực hành truyền thống.
Người nhà không được chứng kiến những gì xảy ra với bệnh nhân khi họ phải cách ly, vì thế một số người sợ rằng họ bị bắt đi cho các bác sĩ giết hại.
Họ không được chứng kiến những điều kiện tốt và sự chăm sóc mà các bệnh nhân nhận được hằng ngày.
Do đó một số bệnh nhân cố chống lại việc cách ly và cố gắng chạy trốn hoặc được người trong gia đình che giấu.
Thậm chí đến giờ điều này vẫn luôn là một thách thức – và về mặt đạo đức thực sự là tiến thoái lưỡng nan giữa việc liệu bạn có thể hoặc có nên cách ly bệnh nhân, và có thể cách ly họ an toàn đến mức nào mà không khiến chính bạn gặp nguy cơ”.
Anh thừa nhận mình “chắc chắn đã lưỡng lự” khi lần đầu tiên đứng trước một trường hợp nghi Ebola (vì phải mất vài ngày mới có thể khẳng định bệnh qua xét nghiệm).
“Bản năng của một bác sĩ thúc đẩy bạn chạy ngay tới để giúp đỡ, nhưng bạn cũng biết rằng không được động vào bệnh nhân khi chưa mang đầy đủ trang bị bảo vệ”.
Số liệu mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy dịch vi rút chết người này ở tây Phi đã làm hơn 1.300 người nhiễm bệnh và giết chết ít nhất 729 người.
Tâm điểm dịch nằm ở Sierra Leone, Liberia và Guinea. Cũng có mối lo ngại đặc biệt sau khi Nigeria, một nước đông dân ở châu Phi, báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên do vi rút Ebola.
Triệu chứng của EBOLA
. Những triệu chứng đầu tiên gồm sốt, đau đầu và đau họng
. Trong vòng vài ngày vi rút Ebola sẽ tấn công hệ miễn dịch, gây đau bụng kéo dài, đau nhức cơ, nôn và tiêu chảy
. Vi rút phá vỡ các mạch máu, khiến máu chảy ra từ mắt, tai, miệng và các lỗ tự nhiên khác
. Củng mạc (phần lòng trắng của mắt) biến thành màu đỏ và những bọng máu hình thành dưới da
. Ebola cực kỳ dễ lây và có tỷ lệ tử vong đến 90%