Nỗi khổ thấu trời của nàng dâu “chuột sa chĩnh gạo“

Mẹ chồng còn chủ động vào bếp nấu nướng bữa sáng cho gia đình, còn Lam chỉ có việc dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ. Nói là thế nhưng cả tháng có 30 ngày thì hết hai mươi lăm ngày mẹ chồng cho cả nhà ăn mì tôm với rau sống mỗi sáng.

Nỗi khổ thấu trời của nàng dâu “chuột sa chĩnh gạo“
Biết tin Lam làm dâu cho nhà giàu, ai cũng hí hửng chúc mừng cuộc đời cô giờ đã lột xác. Họ bảo Lam có số may mắn như “chuột sa chĩnh gạo” vì từ bây giờ chỉ ngồi mà hưởng sung sướng mà thôi.
May mắn, sung sướng đâu không thấy mà từ ngày chính thức về làm dâu cho nhà giàu có, Lam đã bao phen méo mặt vì cái thói siêu tiết kiệm “vắt cổ chày ra nước” của mẹ chồng.

Đối với Lam, mẹ chồng vốn không thuộc tuýp người thích hạch sách và bắt nạt nàng dâu nhưng lối sống thích chi li, tính toán đến độ siêu tiết kiệm mọi thứ của bà thì không hẳn đã là tốt và nhiều khi khiến cho Lam cũng phải bái phục sức chịu đựng của bố chồng và chồng Lam.

Ngày đầu tiên về làm dâu, mẹ chồng đã có một buổi thuyết giảng chủ trương “tiết kiệm là quốc sách” cho Lam hiểu. Lúc đầu Lam cũng chỉ nghĩ đơn giản việc tiết kiệm là tốt nhưng tiết kiệm vượt quá giới hạn như mẹ chồng đề ra thì phải gọi là ki bo và hà tiện.

Nhà giàu có là thế nhưng ngay từ ngày làm dâu, mẹ chồng đã đưa ra chủ trương mỗi tháng vợ chồng Lam phải đóng cho bà 5 triệu tiền sinh hoạt của hai vợ chồng, bao gồm tiền ăn ba bữa, tiền điện nước…

Mẹ chồng còn chủ động vào bếp nấu nướng bữa sáng cho gia đình còn Lam chỉ có việc dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ. Nói là thế nhưng cả tháng có ba mươi ngày thì hết hai mươi lăm ngày mẹ chồng cho cả nhà ăn mì tôm với rau sống mỗi sáng.

Bà cho rằng: “Bữa nay, đồ ăn toàn mất vệ sinh khi bún thì tẩy bột trắng, thịt siêu nạc, cá ướp chất bảo quản… ăn sáng bằng mì tôm cho nó lành!”. Nhiều khi thấy cả nhà có vẻ không hài lòng về cứ suốt ngày phải ngấu nghiến mỳ tôm, mẹ chồng lại tìm cách xoa dịu: “Thôi để buổi trưa mẹ đổi món cho cả nhà”.

mẹ chồng
Ảnh minh họa

Cả buổi đi làm về mệt rã rời nhưng khi ngồi vào mâm cơm thì trong bộ mặt của chồng và bố chồng lại tỏ ra nhăn nhó khi giữa mâm cơm có mỗi đĩa rau muống luộc, tô canh rau với đĩa cá. Đã thế, mẹ chồng lại tận dụng cơm thừa tối hôm qua đã có mùi hôi trộn vào cơm mới khiến cả mâm cơm không thể nào ngửi nổi. 

Hôm đó, cả nhà chết đói vì hầu như không ai đụng đũa. Sau hôm đó, bà rút kinh nghiệm bằng cách không nấu cơm thừa nữa, bữa đó lại có đầu tư chút thịt vừa miệng, cậu em hào hứng chìa tay xin thêm bát cơm nữa thì cơm lại hết.


Thà rằng một hay hai bữa còn không sao nhưng đằng này mẹ chồng cứ lặp lại chủ trương “tăng xơ giảm mỡ” trong bữa ăn như vậy làm cả nhà đến ngán ngẫm. Phận làm dâu, Lam không thể lên tiếng nhưng nhiều khi thấy chồng khó chịu bày tỏ quan điểm cải thiện bữa ăn lại bị mẹ chồng nổi đóa lên: “Báo đài ngày nào cũng đăng tin bệnh tật do ăn uống thừa chất kia kìa, muốn sống lâu thì phải tăng cường rau củ chứ!”.

Lam biết mẹ chồng chỉ lấy cớ truyền thông vậy thôi chứ thật ra bà không muốn tiêu tiền đâu nên nhiều lần cô phải giả vờ nói là công ty có thưởng thêm tiền lương nên chủ động đi mua thức ăn cho gia đình. Nhìn thấy bố chồng và chồng ăn ngon lành bên đĩa thịt quay, Lam thấy mà xót xa.

Trời nắng nóng như vậy nhưng mỗi lần nghe trong phòng vợ chồng Lam mở quạt mát thì mẹ chồng lại đánh tiếng: “Mở số nhỏ thôi, chẳng biết tiết kiệm gì cả!”. Lam thấy thật buồn cười khi phòng nào cũng lắp điều hòa nhưng chẳng bao giờ thấy bật vì mẹ chồng đã chủ trương: “Bật máy lạnh thì nhịn đói ba bữa mà trả tiền phí”. Trời nóng như thế mà phòng mẹ chồng Lam đến quạt cũng không dám mở, bà chủ động mua quạt giấy để phẩy phẩy qua lại trong khi bố chồng lại kéo áo lên tận nửa ngực vì nóng.

mẹ chồng
Ảnh minh họa

Nhiều lúc giữa đêm trời trở nóng hơn nhưng vì sợ vợ chồng Lam bật quạt cả đêm lại tốn tiền điện nên bà Thảo còn mò mẫm xuống cầu thang tìm cầu giao để cúp điện xem như là mất điện.

Đến nổi lúc xem ti vi, mẹ chồng cũng tắt hết bóng đèn trong phòng làm cả nhà tối thui. Mẹ bảo: “Bật đèn vừa lãng phí điện mà xem ti vi lại không tập trung”.

Lam không hiểu số tiền 5 triệu mà mỗi tháng đóng cho mẹ chồng tại sao vẫn không đủ để trả tiền điện đến nỗi khiến mẹ chồng phải làm mấy chuyện vô lý đến thế. Thấy quá ấm ức nên vợ chồng Lam kiêm luôn việc trả thêm tiền điện mỗi tháng để mẹ chồng không còn lăn tăn chuyện tiết kiệm.

Có lần, mẹ chồng đi đám cưới con bà bạn mang về cả đống thức ăn thừa rồi bắt Lam đem chất đầy trong tủ lạnh rồi cứ mang ra hâm đi hâm lại cho nóng mà ăn. Mẹ chồng còn dặn kỹ: “Nếu ăn không hết lại thì cất vào tủ lạnh để dành lúc khác ăn nghe con, đừng vứt phải tội chết!”.

Thức ăn để trong tủ lạnh lâu ngày bốc mùi khó chịu như vậy mà mẹ chồng vẫn bắt cả nhà cho vào miệng được. Vì không chịu nổi trước độ siêu tiết kiệm của mẹ chồng nên bố chồng và chồng liền bỏ đũa, bỏ lên phòng không ăn cơm.

Lan cắn răng cố nuốt vào bụng với bộ dạng ấm ức không nói nên lời còn mẹ chồng thì ăn ngon lành. Kết quả là chiều hôm đó, mẹ chồng và Lam phải túc trực trong nhà vệ sinh. Sau cái ngày ấy, thì thức ăn trong tủ mới bị chồng Lam kiên quyết đem bỏ thùng rác. Nhìn mẹ chồng tiếc hụt trước hành động của chồng, Lam thấy ái ngại vô cùng.

Mới làm dâu được một thời gian mà Lam đã phải chứng kiến không ít chuyện về độ siêu tiết kiệm của mẹ chồng. Lam băn khoăn không biết sau này cô còn phải chứng bệnh siêu tiết kiệm vô lý của mẹ chồng đến bao giờ nữa, nghĩ càng thêm mệt mỏi! Nhưng cô là phận dâu con không dám lớn tiếng. Còn chồng và bố chồng cô cũng đấu tranh kiểu "dĩ hòa vi quý" như thế thì không biết bao giờ kiếp nạn đói ăn ngay trong chính nhà mình mới thoát.
Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.