Hiện tượng bình thường
Tại Việt Nam, việc bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 ở cả trẻ em và người lớn đang được đẩy mạnh để tạo miễn dịch cộng đồng. Vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa trong việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất.
Bộ này yêu cầu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I. Đồng thời, chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Song, một số người vẫn còn băn khoăn và lo lắng, khi gặp phản ứng phụ của vắc-xin Covid-19. Tài khoản Facebook tên Nguyễn Huy Cường chia sẻ, sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, người này bị nổi hạch ở nách.
Tuy nhiên, sau 6 ngày tiêm, anh hoàn toàn bình thường và hạch cũng biến mất. Trong khi đó, tài khoản My Ya cũng bày tỏ lo ngại khi bị nổi hạch ở cổ và dưới góc hàm sau khi tiêm vắc-xin Pfizer.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, nổi hạch sau tiêm vắc-xin là tình trạng hoàn toàn bình thường, Theo chuyên gia này, không chỉ vắc-xin Covid-19, nhiều vắc-xin khác cũng gây nổi hạch sau tiêm. Tuy nhiên, hạch sẽ tự biến mất.
Bác sĩ Khanh cho biết, sau tiêm vắc-xin, trẻ em có xu hướng dễ nổi hạch hơn người lớn. Lý giải về tình trạng này, chuyên gia chia sẻ: “Nổi hạch là do huy động tế bào để nhận diện “cái gì lạ” khi nó xâm nhập vào cơ thể để bao vây tức thì và sản xuất kháng thể lâu dài”.
Do đó, hầu hết mọi người bị nổi hạch sau tiêm vắc-xin đều bình thường và tự hết sau vài ngày. Chuyên gia này nhận định, khi tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, người trẻ, khoẻ có xu hướng gặp nhiều tác dụng phụ hơn.
Trong khi đó, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) chia sẻ, việc nổi hạch bẹn, nách sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 có thể là phản ứng phụ thông thường.
Tình trạng này có thể tự hết và không cần can thiệp về y tế. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, trong trường hợp hạch sưng to, da vùng hạch sưng đỏ hoặc có các triệu chứng kèm theo như sốt kéo dài, sụt cân..., mọi người cần đi khám để loại trừ bệnh lý.
Phản ứng ở bệnh nhân ung thư
Không chỉ người khoẻ mạnh, một số bệnh nhân ung thư cũng bày tỏ lo ngại khi bị nổi hạch sau tiêm vắc-xin Covid-19.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các phản ứng, tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin ở bệnh nhân ung thư cũng tương tự những người khác, như: Đau tại vùng tiêm, sốt, ngứa, mẩn đỏ tại vùng tiêm, nổi mề đay, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sưng vùng mí mắt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt...
“Nhiều người lo sợ nổi hạch bạch huyết sau tiêm không phải tác dụng phụ mà có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư của họ đang tiến triển. Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng có thể xảy ra khi tiêm phòng, hay xuất hiện ở nách cùng bên với cánh tay được tiêm và thường tình trạng này sẽ mất đi sau vài ngày”, PGS Phương giải thích.
Chuyên gia này cho biết, tình trạng đó không gây nguy hiểm đến tính mạng nên người bệnh không cần quá lo lắng. Trong trường hợp hạch nổi ở các vị trí khác, cần được khảo sát kỹ hơn và báo cho bác sĩ điều trị bệnh ung thư để có sự thăm khám và đánh giá thêm. Nếu không có các phản ứng gì đặc biệt sau tiêm, bệnh nhân có thể đến thăm khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa ung bướu.
Tuy nhiên, trong trường hợp thấy các bất thường khác như đau tại vị trí không phải vùng tiêm, gầy sút cân, nổi hạch không phải vùng nách cùng bên cánh tay tiêm... bệnh nhân cần đi kiểm tra sớm hơn lịch hẹn.
Nếu mẩn đỏ, ngứa trên da ngày càng tăng, khó thở, thở khò khè, cảm giác nghẹt thở, rét run, hốt hoảng, tức ngực, hạ huyết áp, co giật, mạch nhanh nhỏ, tím tái, ngất..., người bệnh cần nhập viện ngay để xử trí.