Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, so với mũi một và hai vắc xin Covid-19 thì tỷ lệ người nổi hạch sau tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 nhiều hơn do đáp ứng miễn dịch tế bào tăng hơn. Cụ thể, vắc xin Covid-19 sau khi vào cơ thể sẽ kích thích phản ứng của tế bào T hỗ trợ, làm tăng đáp ứng trung tâm mầm của tế bào lympo B gần đó, dẫn đến tăng sinh các hạch gần vị trí tiêm.
Ngoài ra, so với các loại vắc xin khác, nghiên cứu cho thấy vắc xin sử dụng công nghệ mRNA sẽ tạo ra các phản ứng này mạnh mẽ hơn, do đó tỷ lệ nổi hạch sau tiêm cũng cao hơn.
Tùy theo đáp ứng của mỗi người, sẽ có các phản ứng phụ khác nhau. Ở người có phản ứng nổi hạch, thông thường hạch xuất hiện sau khi tiêm khoảng 2-5 ngày, vị trí hạch ở gần vị trí tiêm. Các hạch này có thể sẽ kéo dài trên 6 tuần. Bạn không nên quá lo lắng mà cần theo dõi tình trạng hạch, xem có sưng đỏ hay không, ở xa vị trí tiêm hay không. Trong trường hợp trên 12 tuần hạch vẫn chưa lặn thì đến bác sĩ để thăm khám tầm soát.
Thông tin trên báo chí xung quanh thắc mắc nổi hạch sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3, bác sĩ Phùng Anh Tuấn, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vắc xin là một yếu tố lạ với cơ thể nên sau khi tiêm, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại. Các hạch bạch huyết có vai trò sinh ra tế bào miễn dịch. Vì vậy, chúng sẽ tăng hoạt động và sưng to lên. Sau khi tiêu diệt được yếu tố lạ, chúng sẽ trở về trạng thái bình thường.
Hạch bạch huyết thường xuất hiện ở nách cùng bên với cánh tay được tiêm. Tình trạng này sẽ mất đi sau vài ngày, không gây nguy hiểm nên bạn không cần quá lo lắng.
Trong trường hợp thấy các bất thường khác như đau tại vị trí không phải vùng tiêm, gầy sút cân, nổi hạch không phải vùng nách cùng bên cánh tay, hạch nhiều, cứng, ít di động và kéo dài... bạn cần đi kiểm tra sớm. Trên thực tế, tỷ lệ nổi hạch sau tiêm vắc xin là không nhiều.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phản ứng nổi hạch sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19 xảy ra khoảng 0,3% ở người tiêm vắc xin Pfizer và 1,1% ở người tiêm vắc xin Moderna.
Trong nghiên cứu của Moderna, 11,6% người được tiêm bị sưng hạch bạch huyết sau liều tiêm đầu tiên và 16% sau liều thứ hai. Một số nghiên cứu cho thấy vắc xin dựa trên mRNA có khả năng sinh miễn dịch cao hơn các loại vắc xin khác, vì vậy tỉ lệ nổi hạch của các loại vắc xin này cao hơn.