Nỗi đau Khâm Thiên

GD&TĐ - Là người con trong một gia đình có 9 người bị bom Mỹ sát hại, kỷ niệm đau thương ấy như những trang nhật ký đẫm máu được viết bằng ký ức…

Phố Khâm Thiên (Hà Nội) bị tàn phá bởi không quân Mỹ cho máy bay B52 ném bom rải thảm bom trong những ngày cuối năm 1972. Ảnh: Internet.
Phố Khâm Thiên (Hà Nội) bị tàn phá bởi không quân Mỹ cho máy bay B52 ném bom rải thảm bom trong những ngày cuối năm 1972. Ảnh: Internet.

Khi Mỹ đưa không quân đánh phá Hà Nội, tôi mới chỉ là một cậu bé 2 tuổi. Nhưng là người con trong một gia đình có 9 người bị bom Mỹ sát hại, kỷ niệm đau thương ấy như những trang nhật ký đẫm máu được viết bằng ký ức…

Khâm Thiên những ngày tháng 12 vẫn luôn nhộn nhịp, sầm uất như thường ngày. Chỉ có một điều duy nhất khác, cánh cổng sắt số nhà 47 phố Khâm Thiên, nơi đặt Tượng đài Khâm Thiên đã được mở cửa; thu dọn, lau chùi sạch sẽ để người dân thập phương, đặc biệt là người dân Khâm Thiên đến thắp hương tưởng nhớ. Ngày 26/12 là ngày giỗ chung của hàng trăm gia đình khu phố Khâm Thiên!

Ngược lại thời gian nửa thế kỷ trước, khi tiếng chuông nhà thờ ở khắp nơi trên thế giới ngân nga báo hiệu một mùa Giáng sinh mới đã về. Ước nguyện chung của nhân loại trong đêm Chúa Giê-su ra đời là cầu mong một thế giới hòa bình, an lành, hạnh phúc tràn khắp muôn nơi.

Nhưng tại Việt Nam đất nước tôi, với mong muốn biến miền Bắc trở về “thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã phát động chiến dịch mang tên Linebacker II, trong 12 ngày đêm, dùng sức mạnh không quân hủy diệt Hà Nội - trái tim của cả nước, làm 2.380 người chết, 1.355 người bị thương; phá hủy nhiều công trình, nhà xưởng, bệnh viện...

Đặc biệt, vào hồi 22 giờ ngày 26/12/1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng pháo đài bay B52, ném bom rải thảm khu phố Khâm Thiên, một khu phố chỉ dài hơn một ngàn mét, đông dân cư sinh sống. Trong một thời gian ngắn, chúng đã biến một khu phố đông đúc của Thủ đô trở thành đống đổ nát với 534 ngôi nhà bị phá hủy, giết hại 287 người, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em. Số người bị thương là 290 người; 178 đứa trẻ trong chốc lát trở thành mồ côi...

Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu

Hỡi em gái mất cha mất mẹ

Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù

Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ.

Đó là trích đoạn bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của Tố Hữu viết ở thời điểm đó cũng về một nguyên mẫu là chị Phạm Thị Viễn, dân quân Nhà máy cơ khí Mai Động, người sau này đã biến đau thương mất cả mẹ lẫn cha bởi bom Mỹ, cùng đồng đội bắn hạ máy bay F111 của giặc.

Sự gieo rắc đau thương, mất mát mà giặc Mỹ gây ra cho đồng bào ta chỉ càng làm tăng thêm lòng căm thù, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sự thật là, không quân Mỹ đã thất bại thảm hại trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội. Pháo đài bay B52 siêu hiện đại, cùng với sức mạnh vũ khí của không quân Hoa Kỳ đã bị khuất phục trước ý chí, lòng quyết tâm của người dân Việt Nam.

Quân và dân Thủ đô đã viết nên bản anh hùng ca lịch sử mang tên “Hà Nội - Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” gây chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên đất nước ta.

Có chiến thắng nào không phải trả giá bằng đau thương và mất mát! Với người dân Việt Nam nói chung, người Hà Nội và người dân phố Khâm Thiên nói riêng, mất mát là quá lớn lao. Có những nỗi đau hiện vẫn còn đang rỉ máu đến hôm nay!

Nhà tôi không phải ở khu phố Khâm Thiên, mà ở đường Đê La Thành, con đê nhỏ song song với phố Khâm Thiên.

Hình ảnh xúc động về cái chết của hai mẹ con tại chân cầu thang số nhà 47 phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. Người mẹ chết mà vẫn cố gắng bao bọc ôm con trong lòng đã trở thành nguyên mẫu để họa sĩ Nguyễn Tự làm nên bức tượng “Mẹ bồng con”, trở thành minh chứng sống động tố cáo tội ác dã man của đế quốc Mỹ xâm lược. Đến nay, bức tượng đã được chuyển đổi bằng chất liệu đồng để trường tồn, mãi mãi nhắc nhở thế hệ sau này. Ảnh: Trần Minh

Theo lời mẹ tôi kể lại, đêm hôm đó, bà tan ca ở nhà máy, trên đường đi làm về qua phố Khâm Thiên. Một thảm kịch đau thương đã diễn ra trước mắt bà khiến bà bủn rủn chân tay. Tiếng kêu gào, khóc thét khi phát hiện người thân bị giết hại; những âm thanh hỗn độn hòa lẫn với tiếng khóc trẻ thơ. Mẹ hốt hoảng tìm con; con bơ vơ tìm mẹ... trong đống đổ nát, điêu tàn của khu phố.

Linh tính như mách bảo bà có điều không lành đang xảy ra. Bà đạp xe thật nhanh về nhà. Một quả bom của máy bay Mỹ đã thả lệch sang đường Đê La Thành, trúng gia đình cậu họ tôi ở gần đó. 9 người trong một gia đình đã mất mạng, những mảnh xác người văng xa khắp nơi. May mắn trong sự đau thương ấy là cậu tôi đi sơ tán không về nhà nên đã thoát chết.

Sau này, khi nhắc lại câu chuyện đau buồn này, cậu cho biết, trước đó, cả gia đình đều đi sơ tán. Nhưng vì nghĩ rằng, ngày lễ Giáng sinh là ngày lễ trọng của người phương Tây, vì những lý do nhân văn, họ sẽ ngừng ném bom đánh phá Hà Nội.

Tin vào điều đó, nên bố mẹ và một vài anh em trong gia đình cậu đã trở về Thủ đô để xem nhà cửa thế nào. Nhưng “lòng tin” ấy đã phải trả bằng một cái giá quá đắt, bởi những kẻ luôn tự vỗ ngực mình là văn minh, là nhân đạo, là dân chủ, nhân quyền... nhưng lại ứng xử một cách vô nhân tính, giết hại những người dân vô tội.

Bóng ma chiến tranh vẫn đang lởn vởn ở đâu đó trên Trái đất này. Sức mạnh quân sự của những cường quốc trên thế giới đang được phô diễn ở nhiều nơi, trong đó có điểm nóng Đông Âu hiện nay. Ai thắng, ai thua, thì nhân dân vẫn là người chịu đau thương nhất.

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ của những tiến bộ về khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão. Nhưng than ôi! Nếu thành quả của xã hội loài người là sự tiến hóa theo chiều hướng văn minh của nhân loại, thì những phát minh, sáng chế về vũ khí, đặc biệt là vũ khí giết người hàng loạt lại là bước lùi của nền văn minh ấy.

Vậy nên, xin đừng nhìn nhận sự tiến bộ của một quốc gia bằng tiềm lực vũ khí; xin đừng ủng hộ phe này, hay phe kia; vì dù có đứng về phe nào, thì cũng không làm mất đi một thực tế, chiến tranh vẫn đang xảy ra và hằng ngày vẫn có những người dân thường vô tội bị chết vì chiến tranh.

Khâm Thiên hôm nay sau nửa thế kỷ đã khoác lên mình chiếc áo mới, dấu tích của đống đổ nát hoang tàn xưa không còn nữa. Những nỗi đau Khâm Thiên thì vẫn còn đó. Xin đừng để chiến tranh xảy ra, xin đừng để có thêm những bà mẹ bồng xác con đứng chôn chân ở bất cứ nơi nào trên thế gian này. Nước mắt Khâm Thiên khóc vậy đã là quá đủ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ