Bản hùng ca 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'

0:00 / 0:00
0:00

50 năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, phân tích về các nguyên nhân giúp Việt Nam đánh thắng “Pháo đài bay” B52 tháng 12/1972. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng bao trùm và quyết định tất cả là quân và dân ta luôn kiên định với “tư tưởng tiến công và tinh thần chủ động tiến công” trong Tư tưởng Quân sự Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xác máy bay không người lái tầm cao bị Bộ đội Tên lửa bắn rơi ngày 24/3/1966.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xác máy bay không người lái tầm cao bị Bộ đội Tên lửa bắn rơi ngày 24/3/1966.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua những con số

Vào ngày 18/12/1972, Mỹ mở Chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng “Pháo đài bay” B52 vào miền Bắc Việt Nam, trọng tâm là Thủ đô Hà Nội. Để thực hiện chiến dịch mang tên “Chiến dịch Linebacker II”, Mỹ đã sử dụng một lực lượng khổng lồ: Gần 50% máy bay ném bom chiến lược B52 (197 trên tổng số 400 chiếc), với 729 lần xuất kích; gần 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077 trên tổng số 3.041 chiếc) xuất kích 3.920 lần; cùng gần 1/3 số lượng tàu sân bay (6 trên tổng số 17 chiếc), cùng nhiều tàu chiến và tàu hỗ trợ khác.

Số lượng máy bay khổng lồ này đã ném tổng cộng hơn 80.000 tấn bom xuống 140 địa điểm thuộc 5 thành phố lớn, 17 tỉnh phía Bắc Việt Nam, gây ra thiệt hại cực kỳ nặng nề. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B52 cùng hàng ngàn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại và làm bị thương hàng ngàn dân thường.

Với ý chí thép và khối óc sáng tạo, quân và dân miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã đập tan mưu đồ của địch, lập nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; bắn rơi 34 chiếc máy bay ném bom chiến lược biểu trưng cho uy thế của Không lực Hoa Kỳ, chiếm tỷ lệ lên tới 17% (34/197 chiếc).

Vào thời điểm đó và kể cả nhiều thập niên sau, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực giải đáp những câu hỏi về “Nguyên nhân gì, sức mạnh nào mà một đất nước với tiềm lực kinh tế cũng như quân sự kém rất xa nước Mỹ, lại có thể chiến thắng B52”? Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhiều bài học đã được đúc rút nhưng theo các học giả và chuyên gia quân sự, nguyên nhân cốt lõi khiến quân dân Việt Nam đánh thắng B52 xuất phát từ tư tưởng tiến công và tinh thần chủ động tiến công trong Tư tưởng Quân sự Việt Nam.

Tư tưởng tiến công ở đây thực chất là tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng quân xâm lược của cả dân tộc; còn tinh thần chủ động tiến công được thể hiện ở việc chúng ta luôn đi trước địch một bước, đoán trước việc Mỹ sẽ sử dụng B52 để đánh vào Hà Nội và thời điểm tấn công; nghiên cứu phương án, cách đánh, thế trận phối hợp, hiệp đồng…, (chiến thuật); cải tiến trang bị, tìm tòi biện pháp phát hiện máy bay, phương pháp phóng đạn… (kỹ thuật); chủ động xây dựng lực lượng và thế trận đón lõng B52.

Dự báo thiên tài

Yếu tố quyết định làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chính là tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc “Mỹ sẽ dùng B52 để đánh vào Hà Nội”, giúp chúng ta có gần 20 năm chuẩn bị kế sách và xây dựng lực lượng đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ.

Ngay từ năm 1962, khi khái niệm về B52 vẫn còn là cái gì đó mới mẻ trên thế giới, Bác Hồ đã căn dặn lực lượng phòng không - không quân phải quan tâm tìm hiểu về loại máy bay này. Đến năm 1966, khi B52 đã bay vào đánh phá miền Nam, Người khẳng định rằng, trước sau gì thì Mỹ cũng sẽ đưa “ngáo ộp” này ra đánh phá miền Bắc, Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên cứu, chuẩn bị đối phó với B52.

Tháng 8/1966, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bác, Quân chủng đã bí mật đưa lực lượng tên lửa và radar vào chiến trường Vĩnh Linh, nghiên cứu quy luật hoạt động và tìm cách đánh B52 ném bom tỉnh Quảng Bình và Nam miền Trung. Và vào ngày 17/9/1967, ta đánh liên tiếp hai trận trên tuyến đầu Vĩnh Linh, tiêu diệt 2 máy bay B52. Đây là chiến công lớn và đặc biệt quan trọng, khẳng định tên lửa của ta có thể quật ngã “Siêu pháo đài bay Mỹ”.

Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Hồ Chủ tịch chỉ rõ, sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chủ tịch lại dành sự quan tâm đặc biệt tới B52. Người đã nghiên cứu rất kỹ về kết cục các cuộc chiến tranh có sự can dự của Mỹ và rút ra quy luật là Washington sẽ sử dụng máy bay ném bom để hủy diệt thủ đô và thành phố lớn của đối phương như: Dresden của Đức, Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản, Bình Nhưỡng của Triều Tiên…, và khẳng định “ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

Tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Hồ Chủ tịch là sự thể hiện rõ nét tư tưởng tiến công và tinh thần chủ động tiến công của các Lực lượng Vũ trang Việt Nam trong cuộc chiến chống “Pháo đài bay B52 Mỹ”. Những lời dặn của Người đã thể hiện rất rõ tinh thần “dám đánh, quyết đánh và quyết đánh thắng” loại máy bay hiện đại hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, tượng trưng cho sức mạnh của nền công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ.

William Harriman- Trưởng đoàn đàm phán đầu tiên của Mỹ về hòa bình ở Việt Nam tại Paris năm 1968.

William Harriman- Trưởng đoàn đàm phán đầu tiên của Mỹ về hòa bình ở Việt Nam tại Paris năm 1968.

Quyết đánh bại “ngáo ộp” B52

Để có được chiến thắng “Lừng lẫy Năm châu, Chấn động Địa cầu” tháng 12/1972, chúng ta đã chủ động xây dựng trước một thế trận phòng không nhân dân của ba thứ quân; phát động toàn dân đánh máy bay địch, với nòng cốt là các lực lượng vũ trang; chuẩn bị trước các phương án chiến thuật, biện pháp kỹ thuật; tổ chức lưới phòng không đa tầng, đa lớp, đa phương tiện để đón lõng, đánh bại B52 Mỹ.

Nên biết, các phi đội B52 được hộ tống bởi các máy bay tác chiến điện tử tối tân và các chiến đấu cơ hiện đại, với các thiết bị gây nhiễu chủ động và thụ động, để làm “mù” radar, cùng với đó là các tên lửa chống bức xạ AGM-45 Shrike để tiêu diệt “mắt thần radar” của các hệ thống phòng không ta. Để chống lại các biện pháp đối phó kỹ thuật này, ta đã chủ động tìm tòi các loại radar có khả năng phát hiện B52, nghiên cứu các phương pháp chống nhiễu, vạch nhiễu tìm B52, cách phân biệt mục tiêu thật - giả…, để dẫn đường cho tên lửa.

Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, chúng ta cũng chủ động tìm tòi cách đánh B52, sáng tạo 3 phương pháp bắn tên lửa cho từng trường hợp, như “Phương án P” là phương án bắn một loạt tên lửa theo thời điểm vào dải nhiễu B52, có xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao; “Phương án T” bắn điều khiển tên lửa chính xác từ 1 đến 2 quả tên lửa là có thể diệt được B52; “Phương pháp bắn 3 điểm”, sao cho mỗi tốp máy bay Mỹ có thể bị công kích từ nhiều hệ thống tên lửa ở nhiều hướng, sử dụng phương pháp bắn 3 điểm và linh hoạt sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc khi thấy mục tiêu.

Trong các năm 1969 và 1972, các bản “Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B52” và “Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa” lần lượt ra đời, gọi tắt là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”. Mặc dù chỉ có 30 trang đánh máy, nhưng “Cẩm nang bìa đỏ” là sự tổng hợp những tinh hoa trí tuệ nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình gần 7 năm chiến đấu với “Pháo đài bay Mỹ”, nhất là những kinh nghiệm và phương pháp mới nhất, được rút ra sau trận tập kích ngày 16/4/1972 bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong lực lượng tình báo cũng nắm chắc tình hình các căn cứ B52 của Mỹ ở Guam, Thái Lan, chủ động nghiên cứu, tìm ra các hướng tấn công chính bằng B52 vào Hà Nội, các điểm chuyển hướng bay, các khu vực tiếp dầu trên không để xây dựng trận địa đón lõng…; xây dựng phương pháp nhận diện và xử lý các dấu hiệu tình báo nhận biết trong thông tin liên lạc dẫn đường B52 và các máy bay phục vụ, bảo đảm để cung cấp thông tin tình báo, dự đoán sớm và chính xác về thời gian các đợt B52 bay vào đánh phá Hà Nội. Cùng với đó, lực lượng đặc công, tình báo cũng chủ động thực hiện các chiến dịch bí mật, đánh thẳng vào các căn cứ máy bay ném bom Mỹ ở Thái Lan, diệt nhiều B52 và các phương tiện bảo đảm, phá hủy, đốt cháy nhiều kho nhiên liệu máy bay.

Có thể nói rằng, chính sự việc xây dựng từ sớm thế trận phòng không nhân dân, tìm tòi các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật bắn B52 và đã tạo thế chủ động cho ta giăng “thiên la địa võng” đón đánh B52, là sự cụ thể hóa tư tưởng tiến công và tinh thần chủ động tiến công trong chiến lược quân sự Việt Nam.

“Cẩm nang bìa đỏ” mang tên “Cách đánh B52 của Bộ đội Tên lửa 1972”.

“Cẩm nang bìa đỏ” mang tên “Cách đánh B52 của Bộ đội Tên lửa 1972”.

Giành lợi thế trên bàn đàm phán

Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước và có một thế trận vững chắc; tuy nhiên, ta cũng không thể lúc nào cũng huy động toàn bộ lực lượng phòng không để bảo vệ một khu vực và luôn căng thẳng chờ đợi đối phương ra đòn, mà việc dự báo đúng về thời điểm Mỹ mở “Chiến dịch Linebacker II” là yếu tố rất quan trọng góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử 12 ngày đêm năm 1972.

Vào cuối năm 1972, quân và dân ta ở trong miền Nam đã giành được một số thắng lợi to lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường và tiếp tục đẩy mạnh cuộc tiến công chiến lược. Trên mặt trận ngoại giao, vào tháng 10/1972, cuộc đàm phán kéo dài 5 năm giữa ta và Mỹ ở Paris tưởng chừng như sắp đạt được thỏa thuận, nhưng liên tiếp trong tháng 11 và đầu tháng 12, chính quyền Nixon cố tình lật lọng, đòi sửa đổi những điểm quan trọng nhất trong bản dự thảo Hiệp định mà trước đó hai bên đã đồng thuận, với nội dung cốt lõi là đòi quân chủ lực ta phải rút khỏi miền Nam.

Nắm vững nguyên tắc “thắng lợi trên bàn đàm phán sẽ được quyết định bởi thắng lợi trên chiến trường”; ta nhận định rằng, để ép Việt Nam ký hiệp định với những điều khoản có lợi cho mình, Mỹ sẽ sử dụng B52 đánh vào Hà Nội ngay trong tháng 12/1972.

Đến ngày 14/12/1972, Nixon đưa ra một “tối hậu thư”, cho ta 72 giờ để quay lại ký hiệp định theo phương án Mỹ đề nghị, nếu không “sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng”. Đến thời hạn chót trong tối hậu thư của Mỹ là ngày 17/12, kết hợp việc nhận được thông tin tình báo về việc Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đình chỉ phép của tất cả các phi công, ở lại căn cứ chờ lệnh; cùng với việc 5 tàu sân bay và hàng chục tuần dương hạm, khu trục hạm Mỹ di chuyển lên Bắc vĩ tuyến 17, ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ; ta nhận định rằng, Mỹ đang chuẩn bị không kích vào Hà Nội và ra lệnh cho toàn quân nâng cấp sẵn sàng chiến đấu lên mức cao nhất, sẵn sàng vít cổ “Pháo đài bay Mỹ”.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu, quân dân ta đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ); 5 chiếc F-111; 21 chiếc F-4 Phantom, 4 chiếc A-6, 12 chiếc A-7, 1 chiếc F-105D, 2 chiếc RA-5C, 1 chiếc trực thăng HH-53, 1 chiếc máy bay trinh sát không người lái 147SC.

Không chịu nổi tổn thất kinh hoàng, đúng 7 giờ ngày 30/12/1972, Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng; ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị ta quay lại bàn đàm phán, bàn việc ký kết Hiệp định.

Lời kết

Có thể nói rằng, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa cực kỳ to lớn, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa; buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, là tiền đề quan trọng dẫn tới “Đại thắng mùa Xuân năm 1975”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm đã trôi qua, nhưng bản hùng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn âm vang mãi đến ngày hôm nay. Những dự báo trước hàng thập niên của Bác Hồ về việc Mỹ sẽ dùng B52 đánh vào Hà Nội và sự chuẩn bị rất sớm về tâm thế, sự chủ động tìm tòi, nghiên cứu trước cách đánh B52 đã cho thấy rõ nét vai trò quan trọng của tư tưởng tiến công và tinh thần chủ động tiến công trong Tư tưởng Quân sự Việt Nam; để lại cho chúng ta những bài học lớn về công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...