Nơi có môi trường học tập ý nghĩa

GD&TĐ - Lớp học hạnh phúc là nơi học sinh có một môi trường học tập ý nghĩa. Ở đó, học sinh không bị áp đặt học theo kiểu “nhồi nhét” mà được học những  gì có ý nghĩa với các em, được khơi gợi niềm yêu thích để tiếp tục tự tìm hiểu.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Nguyệt
Cô Hiệu trưởng Lê Thị Nguyệt

Tiết học vui vẻ

Tham quan tiết học môn Công nghệ lớp 10 của cô Trần Thu Hương - giáo viên Trường THPT Triệu Quang Phục (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), có thể nhận thấy đây là khoảng thời gian được các học sinh hào hứng đón nhận. Tiết học tạo ra một không gian học tập tràn đầy hứng khởi và vui vẻ, một giờ học giảm tối đa áp lực học tập.

Cô Hương cho biết, với cách học này, các em thay đổi suy nghĩ về môn học, học không phải để thi, để qua bài kiểm tra mà học vì tình yêu với môn học. Vì thế, để tạo hứng thú và gạt những mệt mỏi của học sinh, khi bước vào lớp, giáo viên luôn mang một khuôn mặt rạng rỡ, tâm thế tràn đầy hứng khởi và nụ cười.

Để học sinh ở đúng vị thế là chủ thể của hoạt động học tập, giáo viên không làm thay, mà tạo sự tò mò và duy trì hứng thú tìm tòi cho các em. Giáo viên cần linh hoạt trong tổ chức các hình thức cho tiết học. Có tiết học là một diễn đàn, cuộc thi, cũng có tiết là một buổi triển lãm, một cuộc kí kết hợp đồng và các em là đối tác với giáo viên.

Cô Hương bộc bạch: Hình thức của tiết học được thay đổi trong từng hoạt động nhỏ. Ví dụ thay vì một quy trình lên lớp thường bắt đầu bằng một hoạt động kiểm tra bài cũ, cô giáo tổ chức một cách khác, đó là chuyển thể các câu hỏi dưới dạng các trò chơi như “Chiếc nón kì diệu”, “Lật ô chữ”, “Xếp hình”.

Để đảm bảo một tiết dạy theo đúng các bước trong mô hình trường học mới, cô giáo coi việc các em học các tiết học liên tục giống như xem một bộ phim dài tập khi kết thúc một tập thường là một đoạn gợi mở bắt đầu và gây tò mò cho tập sau. Vì thế, hoạt động khởi động cho tiết học sau thường được cô gieo vấn đề vào cuối tiết học trước.

Tình yêu thương - phương pháp giáo dục hiệu quả nhất

Trong giờ dạy thực hành của cô Trần Thu Hương - giáo viên Trường THPT Triệu Quang Phục
Trong giờ dạy thực hành của cô Trần Thu Hương - giáo viên Trường THPT Triệu Quang Phục  

Với quan điểm và suy nghĩ thành công chỉ đến khi các em dám làm và tự mình làm, các thầy cô giáo trong Trường THPT Triệu Quang Phục đã xây dựng rất nhiều tiết học theo phong cách đó.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Nguyệt chia sẻ: Trong những năm gần đây, nhất quán với quan điểm dạy học định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học, tăng cường vận dụng kiến thức vào thực tiễn, công tác giảng dạy trong nhà trường đã có sự chuyển mình tích cực. Điều này được thể hiện trong tất cả các bộ môn, trong từng tiết dạy của các thầy cô giáo.

Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Trường THPT Triệu Quang Phục có cơ sở vật chất khang trang, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho dạy và học như hệ thống máy tính, máy chiếu. Trường còn là ngôi trường đầu tiên của tỉnh Hưng Yên có sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… giúp học sinh rèn luyện sức khỏe sau mỗi giờ học căng thẳng.

Quan niệm rằng, hạnh phúc có được khi các thầy cô giáo quan tâm đến từng học sinh, động viên các em vươn lên trong học tập, bởi vậy, cô hiệu trưởng đã mở lớp học miễn phí để kèm cho những học sinh yếu kém, vận động các thầy cô giáo tham gia cùng. Với tập thể giáo viên trong trường, cô hiệu trưởng luôn tìm cách động viên các thầy cô yên tâm công tác, nâng cao hiệu quả công việc. Cô luôn định hướng cho giáo viên chủ nhiệm rằng, giáo dục bằng tình yêu thương và sự hiểu biết của thầy cô là con đường giáo dục hiệu quả nhất.

Cô Nguyệt chia sẻ: Trường học hạnh phúc là nơi học sinh có một môi trường học tập ý nghĩa. Ở đó, các em được lĩnh hội, trau dồi kiến thức, kỹ năng, được quan tâm, dạy dỗ, chăm sóc chu đáo về sức khỏe, tinh thần, được bồi dưỡng về đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách tốt đẹp. Các thầy, cô giáo được tôn trọng, khích lệ, được cống hiến, tạo điều kiện phát huy tốt nhất năng lực của mình trong quá trình giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.