Bắt đầu từ giờ học hạnh phúc

GD&TĐ - 21 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Dương Thị Duyên, GV Âm nhạc Trường Tiểu học Thượng Giáo (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) luôn trăn trở làm sao để mang đến cho HS những giờ học sinh động, mới mẻ. Nhờ vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học mới, cô đã tạo được hứng thú học tập cho các em học sinh vùng cao. 

HS Trường Tiểu học Thượng Giáo. Ảnh: Lê Đăng
HS Trường Tiểu học Thượng Giáo. Ảnh: Lê Đăng

Giờ học sôi động

Giờ học nhạc của cô giáo Duyên luôn sôi động bởi sự vui tươi của cô và trò. Trong giờ học, cô Duyên thường tổ chức cho HS tham gia trò chơi như: Nghe giai điệu đoán tên bài hát, trò chơi truyền nhiệt, bốc thăm tên bài hát để đọc nhạc…

Giờ học không nhàm chán mà trở nên sôi động. Những ánh mắt thơ ngây, trong sáng của các em nhỏ cùng cô giáo đồng thanh hát với nhiều cung bậc thật trong trẻo, hồn nhiên vang xa. Theo cô Duyên, đây cũng là cơ hội để cô và trò cùng giao lưu, gần gũi và thân thiện.

Khi hỏi quan niệm thế nào là trường học hạnh phúc, cô Duyên cho biết: Trường học hạnh phúc cũng sẽ bắt đầu từ những giờ học hạnh phúc. Mặc dù, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, nhiều điểm trường chưa được kết nối mạng Internet nên giáo viên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác các kiến thức phục vụ giảng dạy, song, điều quan trọng nhất là học sinh được đến trường, được học tập và cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến lớp.

Âm nhạc mang lại cho trẻ điều thiện

Cô giáo Dương Thị Duyên.
Ảnh: NVCC

Đối với cô Duyên, tuổi ấu thơ không thể thiếu âm nhạc cũng như không thể thiếu trò chơi và truyện cổ tích. Âm nhạc dẫn dắt trẻ đi vào thế giới của điều thiện, tạo được sự đồng cảm. Học sinh tiểu học như những hạt giống quý, nếu biết khơi dậy khát khao tìm hiểu, các em sẽ sáng tạo không ngừng. Bí quyết của cô Duyên không gì khác ngoài phương châm “coi học trò như con em mình”.

Năm đầu tiên học lớp 1, trẻ vùng cao rất bỡ ngỡ. Để uốn nắn nền nếp, các thầy cô không chỉ dạy các em kiến thức, mà còn dạy cách thưa gửi, chào hỏi, biết sẻ chia với các bạn, biết cảm ơn, xin lỗi khi ở trường và lúc ở nhà.

Cô Duyên tâm sự: Dạy âm nhạc ở vùng cao là vấn đề không hề dễ dàng. Phương tiện công nghệ hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, cô giáo phải đến tận các điểm trường, dạy các em biết nhận biết từng nốt nhạc. Khi các em biết thế nào là âm nhạc cách mạng, những bài dân ca của chính nơi mình sinh ra… với cô, đó là niềm hạnh phúc.

Mặc dù phải chịu những áp lực trong nghề, cô giáo Duyên luôn mong muốn được thay đổi, để xây dựng được một lớp học hạnh phúc. Cô khao khát trở thành một giáo viên khiến học sinh thích mà học chứ không phải sợ mà học như trước kia.

Điều quan trọng nhất mà cô Duyên nhận ra là: “Khi bản thân mỗi giáo viên thay đổi, học sinh sẽ thay đổi và nền giáo dục mới thay đổi. Bởi khi giáo viên hạnh phúc, học sinh mới hạnh phúc và trường học trở thành trường học hạnh phúc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.