Theo SCMP, Katrina Rozga, chuyên viên trị liệu hành vi tại Trung tâm Phát triển Gia đình Jadis Blurton ở Trung Quốc cho rằng mọi người thường không bao giờ muốn mình phải trải qua những nỗi buồn. Tuy nhiên, nó là một phần tự nhiên và cần thiết của cuộc sống để con trẻ trưởng thành, trở thành một người lớn hạnh phúc và khỏe mạnh.
Nỗi buồn có ích cho sức khỏe nhờ cơ chế phản xạ dây chuyền. Tâm trạng buồn đến mức nào đó sẽ phát tín hiệu phản hồi trên não bộ khiến hệ thần kinh xúc tác phóng thích nhiều loại nội tiết tố làm nhẹ nỗi buồn, giảm đau, an thần... Buồn đến mức phải khóc là một hình thức giải độc cho cơ thể bằng cách xử lý chất phế thải trong não bộ từ hoạt động tư duy. Người hay khóc thường dễ chịu đựng áp lực nhờ biết cách giải tỏa đúng lúc trước khi chuyện trở nên trầm trọng hơn.
Theo nghiên cứu từ Học viện Nhi khoa Mỹ, hội chứng trầm cảm khác với tâm trạng buồn bã. Trầm cảm là một tình trạng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng cần được chuyên gia kiểm tra và theo dõi thường xuyên. Trong khi đó, nỗi buồn là một phản ứng hoàn toàn bình thường đối với các sự kiện không vui trong cuộc sống.
Sự buồn bã được coi là trạng thái cảm xúc không thể thiếu giúp con người thích ứng và đối mặt được với nhiều nghịch cảnh. |
Trong nghiên cứu về sự mất mát của Naomi Eisenberger và Matthew Lieberman, nỗi đau về thể xác giúp con người không tiếp cận với những tác nhân gây nguy hiểm. Nỗi buồn cũng như vậy và có thêm chức năng thúc đẩy họ tái hợp khi mối quan hệ còn có thể hàn gắn.
Tương tự, tiến sĩ Mike Shooter, cựu Chủ tịch Trường Tâm thần học Hoàng gia, Anh, cho rằng nghịch cảnh cũng có mặt tốt của nó. Ngay cả khi có cuộc sống sung túc, bạn cũng không thể hoàn toàn thoát khỏi cảm giác buồn bã. Việc theo đuổi không ngừng nghỉ cuộc sống đầy đủ vật chất sẽ không cân bằng được cảm giác thỏa mãn về mặt tinh thần.
Khi mải mê theo đuổi hạnh phúc, con người ta quên rằng niềm vui và tâm trạng phấn khởi là những cảm xúc không bền vững. Trong khi đó, đau khổ, thất vọng và thất bại là những điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống mỗi người.
"Những tâm trạng tiêu cực này giúp cho con người biết cảm kích và quý trọng khoảnh khắc hạnh phúc hơn. Chúng dạy cho ta biết đồng cảm, biết ứng xử chuẩn mực trong quan hệ xã hội và quan trọng nhất là biết cách đối mặt với nghịch cảnh", ông nói.