Cảnh báo bệnh điếc đột ngột

GD&TĐ - Điếc đột ngột là hiện tượng mất sức nghe xảy ra một cách đột ngột và diễn biến nhanh trong vòng vài giờ đến vài ngày. Người bệnh thường phát hiện ra tình trạng này vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy. Đáng báo động là bệnh đang có chiều hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Đo thính lực cho bệnh nhân tại BVĐK Đồng Nai
Đo thính lực cho bệnh nhân tại BVĐK Đồng Nai
Bệnh không rõ nguyên nhân
BS. Nguyễn Đăng Lộng, Khoa Tai - mũi - họng, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai cho biết, trung bình cứ 100.000 người dân sẽ có 20 người bị mắc chứng điếc đột ngột. Có những trường hợp bị điếc đột ngột nhưng không rõ nguyên nhân. 
Chị N.P., ngụ tại TP. Biên Hòa cho biết: “Sau một đêm ngủ dậy, tôi thấy một bên tai mình ù dữ dội, khó chịu vô cùng, có khi nghe được, có khi không. Thấy vậy, tôi đến bệnh viện khám ngay thì được bác sĩ chẩn đoán là điếc đột ngột”.
Ngày 7-8 vừa qua, bà Lưu Kim H., ngụ tại xã Hiệp Hòa, TP. Đồng Nai đã nhập viện trong tình trạng một bên tai không nghe được. Các bác sĩ đã chẩn đoán bà Hương bị điếc đột ngột. Sau 10 ngày điều trị tại BVĐK Đồng Nai, một bên tai của bà Hương đã nghe thấy rõ.

Theo BS. Lộng, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận và chữa trị cho vài bệnh nhân bị điếc đột ngột. Điếc đột ngột thường không rõ nguyên nhân hoặc kết hợp từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân phổ biến của điếc đột ngột là do vi rút (bệnh nhân mắc các bệnh như: quai bị, sởi, rubella…). Hoặc bệnh nhân bị thiếu máu tai trong (mạch máu nuôi dưỡng tai trong bị tắc) gây nên tình trạng điếc đột ngột. Do tai rất nhạy cảm với tuần hoàn của máu nên chỉ cần một biến đổi có thể dẫn đến triệu chứng ù tai, nghe kém. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân không xác định được nguyên nhân mắc bệnh cụ thể.

Bệnh điếc đột ngột hiện nay không chỉ xảy ra ở người già mà ngày càng trẻ hóa, nhất là ở thành phố hoặc công nhân làm trong các nhà máy có tiếng ồn lớn mà không đeo bảo hộ lao động. Phần đông người ở lứa tuổi lao động rơi vào tình trạng điếc đột ngột do ô nhiễm tiếng ồn. Những người ở độ tuổi trung niên, độ tuổi lao động, chịu nhiều áp lực công việc thường bị nhiều nhất. Đối với trẻ em thì không xác định được nguy cơ. Còn đối với người già, đặc biệt là những người cao huyết áp, tiểu đường, có bệnh lâu dài sẽ dễ bị điếc đột ngột nhất. 
Nên đi khám trong 72 giờ đầu
Theo BS. Lộng, việc điều trị điếc đột ngột đều có phác đồ điều trị. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi bệnh nhân đến bệnh viện muộn. Bệnh này diễn tiến rất nhanh, bệnh nhân sẽ giảm thính lực dần dần và xuất hiện những triệu chứng như: ù tai, chóng mặt, nghe kém. “Điều đáng tiếc là có nhiều người chỉ nghe kém một bên tai, không xuất hiện các dấu hiệu: ù tai, chóng mặt… nên họ chủ quan, không đến bệnh viện sớm”, BS. Lộng chia sẻ.
Trong hơn 10 năm làm việc tại BVĐK Đồng Nai, BS. Lộng đã gặp nhiều trường hợp đáng tiếc khi bệnh nhân bị điếc đột ngột dẫn đến điếc vĩnh viễn. BS. Lộng kể: cách đây vài tháng, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ khoảng 30 tuổi. Trước đó một thời gian, bệnh nhân này xuất hiện tình trạng nghe kém một bên tai, bên còn lại vẫn nghe được bình thường. Thay vì vào bệnh viện khám chữa trị ngay, bệnh nhân này lại để vậy vì hy vọng bệnh sẽ “tự khỏi”. Phải gần 1 tháng sau, tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân mới nhập viện chữa trị. Sau một thời gian chữa trị, bệnh nhân chỉ cải thiện phần nào. 
“Có nhiều bệnh nhân để tình trạng điếc đột ngột kéo quá dài, từ 1 tháng trở lên mới nhập viện chữa trị thì việc chữa trị không còn đáp ứng. Khi thấy các triệu chứng: ù tai, chóng mặt, nghe kém (dù chỉ 1 bên tai), bệnh nhân nên đến bệnh viện có các khoa về tai - mũi - họng để điều trị sớm trong 72 giờ đầu. Nếu để càng lâu thì kết quả điều trị ngày càng giảm dần. Khi thấy ù tai, người bệnh có thể lấy điện thoại để thử khả năng nghe của mình bằng cách nghe cả 2 bên tai để phát hiện sớm bệnh. Nhưng tốt nhất là bệnh nhân nên đi khám càng sớm càng tốt, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và đo thính lực để có chẩn đoán và điều trị”, BS. Lộng khuyến cáo.
Hiện nay, Khoa Tai - mũi - họng ở các bệnh viện đều có thể điều trị bệnh điếc đột ngột. Đây cũng là bệnh nằm trong diện điều trị theo quy định của bảo hiểm y tế. 
Theo Lao động Đồng Nai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ