Tránh tình trạng mua phải sách giả
Theo khảo sát của Báo GD&TĐ, tại Thanh Hóa khi chuẩn bị cho năm học mới, nhiều cửa hàng, hiệu sách... bày bán rất nhiều loại sách tham khảo phục vụ học sinh.
Nếu phụ huynh nào mua sắm cho con mình đủ các loại sách tham khảo, thì phải bỏ ra cả tiền triệu. Trong khi đó, ở thời điểm này tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến điều kiện kinh tế của nhiều gia đình gặp khó khăn.
Thực tế cho thấy hiện nay tình trạng SGK, sách tham khảo giả, in lậu, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường không phải là ít. Trong khi đó, tâm lý phụ huynh học sinh thì cứ muốn mua sắm cho con, em mình đầy đủ các loại sách tham khảo, để mong sao con mình học thật tốt.
Vì thế, nhiều người không biết nên chọn loại sách nào cho phù hợp, mà cứ thấy cửa hàng, hiệu sách giới thiệu và nghe “bùi tai” là sẵn sàng chi tiền.
Chị Hoàng Thị Thiết, ở TP Thanh Hóa, tâm sự: “Con gái tôi năm nay vào lớp 6. Khi nghe nhà trường thông báo đăng ký mua SGK cho con, tôi tham khảo nhiều bạn bè đã có con học trước.
Do đó, tôi quyết định đăng ký mua SGK cho con mình ở trường, vì thực tế chúng tôi cũng không thể hiểu hết được vấn đề sách giả, sách in lậu như thế nào.
Quan điểm của tôi là cứ theo hướng dẫn của nhà trường mà đăng ký mua sách cho con mình học, chứ mình không biết đường nào mà lựa chọn. Còn việc mua sách tham khảo, tôi sẽ chờ đến khi con mình vào năm học, nếu cháu cần mua cuốn nào, mình sẽ mua cho con cuốn đó thôi”.
Ông Lê Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, TP Thanh Hóa, cho biết: Nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm khuyến nghị phụ huynh sau khi lựa chọn, nên tập trung đăng ký mua SGK cho thông qua nhà trường, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc mua không đúng chủng loại.
Bởi lẽ, nếu phụ huynh không nắm vững, thì rất dễ bị mua nhầm, vì SGK bây giờ theo chủng loại, chứ không theo bộ như trước kia.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng không thực hiện giới thiệu hay bán sách tham khảo cho học sinh. Vì thực tế, hiện nay có rất nhiều loại sách tham khảo, mà chính nhà trường cũng không thể thống kê hết được.
“Nhà trường không yêu cầu giới thiệu hay động viên phụ huynh mua sách bài tập, sách bổ trợ hay sách tham khảo cho học sinh.
Duy nhất môn tiếng Anh, thì nhà trường đề nghị mua kèm sách bài tập, để các con có sách về nhà làm bài khi giáo viên giao. Còn lại, các môn khác, nếu phụ huynh nào cần mua, thì tự đến các hiệu sách tìm hiểu và mua cho học sinh”, ông Hải chia sẻ.
Yêu cầu các trường không bán kèm sách tham khảo
Ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho hay: Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và thay SGK, Sở ban hành công văn gửi về các Phòng GD&ĐT yêu cầu thông báo cho các trường tổng hợp, đăng kí số lượng SGK gửi về phòng GD&ĐT. Sau đó, Phòng tổng hợp gửi về Sở GD&ĐT.
Sở GD&ĐT tổng hợp số liệu chuyển cho các đơn vị phát hành, cung ứng sách có liên quan, để đưa sách về kịp thời, đầy đủ, đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng về các trường.
Ông Lê Huy Nhị - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, lãnh đạo Phòng đã yêu cầu hiệu trưởng các trường rà soát, tham mưu để chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Các nhà trường phải đảm bảo điều kiện tối thiểu để thực hiện các hoạt động giáo dục, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6.
Cũng theo ông Nhị, về việc đảm bảo cung ứng sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 cho năm học 2021- 2022, Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân thực hiện theo tinh thần công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.
“Để tránh tình trạng mua phải sách giả, sách in lậu hoặc mua không đúng chủng loại sách, lãnh đạo Phòng yêu cầu các trường chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh học sinh trong việc mua SGK.
Các nhà trường không được vận động phụ huynh học sinh mua thêm sách tham khảo, hoặc tham gia bán sách tham khảo. Nếu Phòng phát hiện trường nào thực hiện việc này, sẽ xử lý theo quy định”, ông Nhị thông tin.
Theo tìm hiểu của phóng viên GD&TĐ, năm nay giá mỗi bộ SGK lớp 2 là 712.000 đồng/bộ, bao gồm SGK, vở bài tập và bộ đồ dùng học tập.
Do đó, ngoài việc thực hiện theo quy định của ngành, nhà trường cũng quán triệt đối với giáo viên không được giới thiệu hay làm đầu mối để bán sách tham khảo cho học sinh. Còn bộ SGK lớp 6, có giá là 380.000 đồng/bộ, chưa kể sách bài tập, bổ trợ...
Thực tế cho thấy, giá mỗi bộ SGK hiện tại không phải là ít tiền. Trong khi hiện nay toàn xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nên phụ huynh bỏ tiền mua sách cho con cũng cần phải tính toán. Bởi lẽ, trong bộ SGK được Bộ GD&ĐT phát hành đã chứa đựng kiến thức cơ bản của từng khối lớp.
“Sở GD&ĐT yêu cầu các Phòng GD&ĐT quán triệt về các trường không được vận động, giới thiệu hay ép buộc phụ huynh mua sách tham khảo cho học sinh.
Nhà trường có trách nhiệm giải thích cặn kẽ cho phụ huynh hiểu về SGK. Nếu phụ huynh nào muốn mua thêm sách tham khảo cho con, em mình thì tự đến các hiệu sách để mua”, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết thêm.