Chủ động đổi mới sáng tạo
Sau một năm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) cho biết, học sinh hoàn thành chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với lớp 1.
Quá trình dạy – học, cô – trò không gặp trở ngại gì lớn. Những khó khăn bước đầu đã được cô khắc phục qua từng tiết học.
“Khi mới vào lớp 1, các em như tờ giấy trắng. Vì thế, tôi phải hướng dẫn các em từ nhận biết mặt chữ cái, cách đánh vần, phát âm… cho đến phát triển kỹ năng học tập và kỹ năng sống. Kết thúc năm học, các em đã đọc thông viết thạo và đạt Chuẩn kiến thức, kỹ năng “đầu ra” đối với học sinh lớp 1” – cô Bình cho biết.
Từ thực tế giảng dạy, cô Bình cho hay, dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tư duy, nhận thức, chủ động, sáng tạo trong dạy – học.
“Chẳng hạn, khi dạy học sinh nhận diện về một số hình khối như: Hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình tròn… Ngoài kiến thức, hình minh hoạ trong sách giáo khoa, tôi thường mang đến lớp những vật dụng có hình khối như trên để các em quan sát trực quan, và biết vận dụng kiến thức vào thực tế” – cô Bình diễn giải, đồng thời “chốt” lại: Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Theo GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi Chương trình chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực thì đương nhiên giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Từ chỗ đã quen với việc dạy học cung cấp kiến thức, nay chuyển sang dạy học kiến thức ấy để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực - nguyên lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học.
Theo đó, để học sinh nắm bắt được kiến thức tốt nhất, nguyên tắc đầu tiên là: Giáo viên dạy học phân hóa theo đối tượng. Nghĩa là, giáo viên phải dạy học phù hợp theo từng đối tượng học sinh;
Tiếp đến, dạy học biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn. Tức là các em phải được thực hành, xóa bỏ rào cản tâm lý chán học. Ngoài ra, để học sinh khắc phục được rào cản về tâm lý, trong kiểm tra, đánh giá, giáo viên không nên tạo ra áp lực về điểm số mà nên sử dụng đánh giá bằng nhận xét, cho học sinh tự đánh giá mình và đánh giá lẫn nhau…
Trường sư phạm vào cuộc
Về phía các cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. TS Cao Bá Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Vì vậy, ngay từ khi chương trình được ban hành, nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học để đáp ứng yêu cầu đổi mới của thực tiễn.
Ngoài ra, Trường còn nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông mới và đã xây dựng một số chương trình mới như: Ngành Sư phạm Công nghệ. Trong thời gian tới, nhà trường dự kiến sẽ mở thêm các ngành như: Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch Sử - Địa lí.
“Với sinh viên tốt nghiệp năm 2021, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng 3 mô-đun thực hiện Chương trình GDPT mới, đó là: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/ THCS/ THPT; Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/ THCS/ THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Việc chủ động bồi dưỡng cho sinh viên năm cuối sẽ giúp sinh viên dễ dàng hòa nhập với thực tế đổi mới giáo dục hiện nay. Đồng thời, đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể dạy được chương trình mới mà không cần bồi dưỡng lại” - TS Cao Bá Cường nhấn mạnh.
TS Cao Bá Cường cho biết, đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số, các giảng viên đã chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy thể hiện qua việc đổi mới nội dung, kịch bản dạy – học của từng môn học đến cách thức tương tác với sinh viên. Không những thế, nhiều giảng viên đã vận dụng công nghệ rất sáng tạo, qua đó tạo sự hứng thú, hấp dẫn cho môn học.
Theo PGS.TS Trương Minh Đức – Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), thay đổi tư duy và phương pháp trong quản lý và tổ chức dạy học không phải mới hoàn toàn, cũng không phải xóa bỏ những gì đang có. Mà đó là sự kế thừa, kết hợp những xu hướng mới của giáo dục trên thế giới.
Chẳng hạn, đối với việc tổ chức dạy - học, giáo viên sẽ sử dụng, tổ chức dạy học trên nền tảng các phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học vốn có; đồng thời kết hợp thêm các phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại mới.
Qua đó, tổ chức các hoạt động dạy - học, hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đảm bảo yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để chuẩn bị cho vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai việc tập huấn cho giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các cấp.