Triển khai dạy học theo sách giáo khoa mới: Khoa học và không bị động

GD&TĐ - Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát gây tác động lớn, hiện nay việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1, lớp 2 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT mới) đối với các trường học tại TPHCM cơ bản đã xong.

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) họp lấy ý kiến về triển khai SGK mới. Thầy Phạm Trung Hữu (trái) - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại cuộc họp.
Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) họp lấy ý kiến về triển khai SGK mới. Thầy Phạm Trung Hữu (trái) - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại cuộc họp.

Các trường cũng đã nỗ lực tạo điều kiện cho 100% giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 tham gia tập huấn đầy đủ nội dung chương trình SGK mới.

Đảm bảo các điều kiện dạy học

Theo thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), công tác triển khai SGK lớp, 1, lớp 2 tại trường theo đúng lộ trình và hướng dẫn của Sở GD&ĐT TPHCM cũng như Phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh.

Cụ thể, nhà trường đã tạo điều kiện cho 100% một giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 tham gia tập huấn đầy đủ nội dung chương trình sách giáo khoa, kĩ thuật, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh bằng các hình thức học trực tuyến, trực tiếp.

Giáo viên tham gia buổi tập huấn với tinh thần hợp tác, chia sẻ và tiếp thu đầy đủ các nội dung mà báo cáo viên truyền đạt. Đội ngũ giáo viên của trường đủ điều kiện dạy lớp 1, lớp 2 theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT.

“Nhà trường đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ quản lí, giáo viên và trưởng ban phụ huynh học sinh của các lớp để giới thiệu tổng thể về chương trình GDPT mới và giới thiệu chương trình lớp 1, lớp 2 năm học 2021-2022 theo chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, trường tổ chức cho tổ chuyên môn tìm hiểu 5 bộ SGK lớp 1, đồng thời, tổ chức hội thảo, nghiên cứu về Thông tư số 01/2020  ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT…” -   Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai cho biết.

Ngoài ra, theo  thầy Phạm Trung Hữu, việc tổ chức các đợt tập huấn: Thông tư 27/2020 của Bộ GD&ĐT về Quy định đánh giá học sinh tiểu học; Thông tư 28/2020 của Bộ GD&ĐT về Ban hành điều lệ trường tiểu học… cũng được trường triển khai song song với các buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, theo chuyên đề, thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và nghiên cứu SGK, phân tích những điểm phù hợp và chưa phù hợp với đặc điểm học sinh của nhà trường và có ghi nhận vào biên bản sinh hoạt chuyên môn…

"Ban giám hiệu (BGH) họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh triền khai việc thay đổi chương trình SGK theo CTGDPT mới trước, sau đó Giáo viên chủ nhiệm triển khai tin nhắn qua zalo cho phụ huynh lớp mình phụ trách và ghi ý kiến phụ huynh gửi lên BGH . Tiếp theo nhà trường gửi tin nhắn lên ENetViet cho phụ huynh biết" - thầy Phạm Trung Hữu nói về quy trình chuyển thông tin về SGK mới đến phụ huynh.

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai đã tổ chức đánh giá 22 GV dự kiến phân công giảng dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 và những năm về sau đã thực hiện công tác tự bồi dưỡng và tham gia các lớp bồi dưỡng trực tuyến, trực tiếp.

“Trường đã phân công Phó hiệu trưởng xây dựng Kế hoạch về Tổ chức thực hiện Chương trình lớp 1, lớp 2 năm học 2021-2022 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt về chương trình, SGK theo CTGDPT mới đối với lớp 1, lớp 2.

Đồng thời, phân công giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học ở từng môn học. Mỗi giáo viên dựa vào phân môn được phân công tiến hành xây dựng kế hoạch dạy một bài học cụ thể theo kế hoạch. Tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học để giáo viên tiếp cận trước những phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh” - thầy Phạm Trung Hữu thông tin thêm.

Giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) trao đổi tại cuộc họp về SGK mới.

Giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) trao đổi tại cuộc họp về SGK mới.

Giáo viên không ngại dạy chương trình mới

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Hoàng Yến (Giáo viên dạy lớp 2 Trường Tiểu học Âu Dương Lân, Q.8, TPHCM) cho biết cô đã được nghe giới thiệu và tìm hiểu về các bộ SGK lớp 2 theo CTGDPT mới. “Sau khi tìm hiểu các bộ sách tôi thấy dù có thay đổi về một số cấu trúc hình ảnh trong trình bày nhưng các kiến thức và kỹ năng của các bộ sách này cũng nằm trong phạm vi kiến thức, trình độ của giáo viên lớp 2. Do đó, với cá nhân tôi không hề bị động trong việc dạy theo SGK mới” - cô Hoàng Yến chia sẻ

Theo thầy Phạm Trung Hữu,  áp dụng sách mới đối với học sinh lớp 1 cũng không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc ban đầu, nhưng sau 1 năm thực hiện, kết quả đánh giá “Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với học sinh lớp 1, việc tổ chức dạy và học theo chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, học sinh nắm chắc kiến thức, đảm bảo yêu cầu đề ra”.

Ngày 7/4, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 và điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở GD phổ thông từ năm học 2021 - 2022 trên địa bàn TPHCM. Giáo viên thảo luận, nghiên cứu chọn SGK năm học 2020-2021 tại TPHCM.

Theo danh mục SGK lớp 2 được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở GD phổ thông trên địa bàn TP từ năm học 2021-2022, các môn Toán, tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất đều là các đầu sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Riêng môn tiếng Anh lớp 2 có 3 đầu sách được phê duyệt gồm Family and Friends - National Edition (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart Start (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM) và Phonics-Smart (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM).

Đối với khối lớp 6, có 10 môn được phê duyệt 1 đầu sách gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật âm nhạc, Nghệ thuật Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Công nghệ.

Môn tiếng Anh khối lớp 6 có 3 đầu sách được phê duyệt gồm Friends Plus (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart World (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM) và Right-on (Nhà xuất bản Trường ĐH Sư phạm TPHCM).

Môn Giáo dục công dân có 2 đầu sách được phê duyệt đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Về danh sách các trường tiểu học đề nghị điều chỉnh, bổ sung SGK lớp 1 từ năm học 2021-2022, kết quả thống kê cho thấy, môn Giáo dục thể chất dẫn đầu số lượng đơn vị đề xuất điều chỉnh với 65 trường.

Kế đến là môn Âm nhạc với 63 trường, môn Mỹ thuật 57 trường, môn Đạo đức có 54 trường, môn Tự nhiên Xã hội có 53 trường.

Môn Toán có 49 trường, môn tiếng Việt có 42 trường, môn tiếng Anh có 41 trường xin điều chỉnh.

(Theo Phan Nga)

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ