Nỗ lực không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa

GD&TĐ - Hiện tại, các trường đang tích cực rà soát, bổ sung trang thiết bị cơ sở vật chất, cung ứng đủ sách cho học trò trước khai giảng năm học 2023-2024.

Ban Giám hiệu Trường THCS Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) trao tặng sách giáo khoa cho các em học sinh khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới 2023-2024.
Ban Giám hiệu Trường THCS Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) trao tặng sách giáo khoa cho các em học sinh khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới 2023-2024.

Nâng cấp hệ thống trang thiết bị

Tại Trường Tiểu học Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), thầy Nguyễn Ngọc Chính – Phó Hiệu trưởng cho biết, năm học tới nhà trường có tổng số 967 học sinh, giảm 50 em. Chỉ tiêu lớp 1 là 200 học sinh chia làm 5 lớp.

Nhà trường đang có tổng số 32 giáo viên; trong đó có 3 cô giáo hợp đồng (văn hóa), 7 giáo viên chuyên biệt dạy các môn Âm nhạc, Thể dục, Tin học, Mỹ thuật. Môn Ngoại ngữ bắt buộc được bố trí dạy 4 tiết/tuần.

Học sinh trong giờ đọc sách tại Thư viện.

Học sinh trong giờ đọc sách tại Thư viện.

Công tác đón học sinh lớp 1 làm quen với trường mới, thầy cô mới, bạn mới được thực hiện theo đúng kế hoạch. Các giáo viên chủ nhiệm khối 1 đều được chọn lựa là những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm tốt.

Ngoài ra, nhà trường rất chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, nhất là các đợt tập huấn về SGK của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như của các NXB sách. Phòng GD&ĐT Thanh Trì đã mời tác giả chủ biên viết các bộ sách về tập huấn trực tiếp cho thầy cô.

Phòng Tin học của Trường Tiểu học Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) có đầy đủ trang thiết bị và bảo dưỡng định kỳ.

Phòng Tin học của Trường Tiểu học Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) có đầy đủ trang thiết bị và bảo dưỡng định kỳ.

"Hiện tại, sách đang phát đến tay học sinh các khối để em nào cũng có đủ sách trước khai giảng. Riêng khối 4 năm nay bắt đầu học theo chương trình GDPT 2018 có 5 lớp với 186 học sinh. Trường tập trung nhân sự và chọn những giáo viên có kinh nghiệm dạy học cho khối 4, 5" - thầy Chính nói.

Đồng thời, lãnh đạo Trường Tiểu học Tam Hiệp cũng khẳng định, việc tập huấn giúp giáo viên nhận thức được về nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như những điểm mới so với SGK cũ. Tại buổi tập huấn cũng đưa ra kế hoạch bài dạy cụ thể để báo cáo viên và giáo viên trực tiếp trao đổi.

Hỗ trợ sách cho trò nghèo

Thư viện rộng rãi, khang trang tại Trường Tiểu học Tam Hiệp.

Thư viện rộng rãi, khang trang tại Trường Tiểu học Tam Hiệp.

Để thực hiện tốt kế hoạch năm học cũng như chương trình GDPT 2018, các trường cũng đặc biệt chú trọng về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Thầy Nguyễn Ngọc Chính cho hay, Trường Tiểu học Tam Hiệp hiện đã đưa vào sử dụng khu nhà C rộng rãi, khang trang dành cho các môn chuyên biệt. Trong đó có 2 phòng Tin học, 2 phòng Tiếng Anh, 1 phòng Mỹ thuật, 1 phòng Âm nhạc, Thư viện rộng gồm phòng đọc của giáo viên, học sinh và kho sách) với đầy đủ trang thiết bị.

Cô Đào Thị Phượng trao thưởng cho em Nguyễn Đỗ Quyền Linh - dù bị khuyết tật từ nhỏ nhưng vẫn nỗ lực để giành giải tại cuộc thi VioEdu cấp huyện hai năm liền và đạt huy chương Đấu trường Toán học.

Cô Đào Thị Phượng trao thưởng cho em Nguyễn Đỗ Quyền Linh - dù bị khuyết tật từ nhỏ nhưng vẫn nỗ lực để giành giải tại cuộc thi VioEdu cấp huyện hai năm liền và đạt huy chương Đấu trường Toán học.

Với phương châm "không để học sinh nào không có sách đi học", cô Đào Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường THCS Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã hoàn tất công tác cung ứng sách các loại cho học sinh ngay trước khai giảng năm học mới.

Đặc biệt, ngày 28/8 vừa qua, nhà trường đã trao Huy chương Vàng, Bạc, Đồng cho các em đạt giải VioEdu năm học 2022-2023; tặng sách giáo khoa cho học sinh khuyết tật, những em có hoàn cảnh khó khăn trước khi bước vào năm học 2023-2024.

Cũng theo cô Phượng, năm học này trường có tổng số 103 CBGVNV với trên 2.100 học sinh ở 47 lớp.

Năm học vừa qua, ở học kỳ 1 để triển khai dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh), trường vẫn phải bố trí giáo viên dạy theo phân môn. Sang học kỳ 2, các cô được bồi dưỡng có chứng chỉ nên đã đảm bảo và dạy kết hợp 1 cô có thể dạy 3 phân môn.

Bên cạnh đó, nhà trường vẫn còn một số vướng mắc như ở môn Nghệ thuật do Mỹ thuật và Âm nhạc rất khó khăn khi tuyển người. Lý do bởi lương thấp, giáo viên bộ môn này nhiều năm nay không thi viên chức nên nhiều người bỏ việc.

Vì vậy, cô Đào Thị Phượng bày tỏ mong muốn với các cấp quản lý nên bố trí vị trí việc làm và thi viên chức cho giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật để các cô yên tâm công tác.

Với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, Trường THCS Tả Thanh Oai được công nhận là trường hạng 1 và xuất sắc nhiều năm, 2 năm liền nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố. Để chào đón năm học mới 2023-2024, nhà trường đã và đang tập trung nhiều nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ngay từ lớp 6 đầu cấp. Đồng thời củng cố chất lượng học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.