Từng bước tháo gỡ đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công tác mua sắm, đầu tư trang thiết bị dạy học Chương trình GDPT 2018 tại một số địa phương đang gặp khó về thủ tục và tài chính.

Thầy trò tỉnh Đồng Tháp trong giờ thực hành, thí nghiệm.
Thầy trò tỉnh Đồng Tháp trong giờ thực hành, thí nghiệm.

Nhà trường, ngành Giáo dục đang cần giải pháp tháo gỡ để đảm bảo việc dạy học.

Gặp khó về thủ tục

Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được triển khai ở lớp 3, 7 và lớp 10. Một trong những vấn đề được quan tâm là công tác mua sắm, đầu tư trang thiết bị phục vụ chương trình mới. Khó khăn phát sinh khi một số địa phương vướng vấn đề kinh phí, đấu thầu, giải ngân…

“Không tháo gỡ thì giáo viên gặp khó trong việc tiếp cận tài liệu và dụng cụ hỗ trợ bài giảng; mà làm thì không biết thế nào cho đúng. Do đó, rất cần cơ quan, bộ, ngành hướng dẫn và tháo gỡ; nhất là thực hiện công tác đấu thầu, chọn giá, thẩm định giá… hiện giờ vẫn khá rối”, một lãnh đạo sở GD&ĐT cho biết.

Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 11/2022, việc giải ngân mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học chỉ đạt khoảng 50%. Theo đại diện sở GD&ĐT, do một số thay đổi về chính sách, đến tháng 6/2022 đơn vị mới ghi vốn mua sắm. Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT, thông tin ngoài ra, tỉnh còn có khó khăn về việc thuê đơn vị thẩm định giá, nhà thầu... Theo kế hoạch, đến quý I/2023, tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành việc mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học.

Để chủ động thực hiện việc dạy và học theo lộ trình và Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, hướng dẫn phòng GD&ĐT huyện, thành phố khuyến khích cán bộ, giáo viên khai thác, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học sẵn có và tự làm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy hiệu quả, tiết kiệm.

Mỗi năm học, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức hội thi làm thiết bị đồ dùng dạy học dành cho giáo viên. Các trường kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học, xây dựng nguồn, kho học liệu trực tuyến gồm tài liệu sách giáo khoa trực tuyến, bài giảng trực tuyến…

Tương tự, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của tỉnh Cà Mau hiện nay chưa đáp ứng kịp thời, đặc biệt là thiếu phòng học để dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho học sinh; nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu. Thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 mới được trang bị khối lớp 1, lớp 2, lớp 6 mỗi điểm trường 1 bộ; các khối lớp khác áp dụng chương trình mới chờ được đầu tư.

Giáo viên tiểu học TP Cần Thơ tham gia làm đồ dùng học tập tự làm.

Giáo viên tiểu học TP Cần Thơ tham gia làm đồ dùng học tập tự làm.

Từng bước tháo gỡ

Để tháo gỡ khó khăn về trang thiết bị dạy học, các địa phương đang tập trung nguồn lực huy động từ tỉnh, huyện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh phí xã hội hóa...

Việc đầu tư cơ sở vật chất được Sở GD&ĐT Đồng Tháp cùng các ngành liên quan thực hiện theo lộ trình, mỗi năm đều có hạng mục đầu tư phục vụ cho công tác dạy và học. Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, hướng dẫn phòng GD&ĐT huyện, thành phố, đơn vị trường tiến hành rà soát, thống kê thiết bị dạy học hiện hành để cấp bổ sung. Đối với các khối lớp tiểu học, thực hiện Chương trình GDPT 2018, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí trang bị thiết bị dạy học cho khối lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Từ năm 2020, khối lớp 1 được cấp trang thiết bị dạy học tối thiểu với tổng số tiền 15 tỷ đồng và tiếp tục được cấp bổ sung số tiền 30 tỷ đồng; khối lớp 2 cũng được cấp trang thiết bị dạy học tối thiểu với số tiền là 34 tỷ đồng. Sở GD&ĐT đang đánh giá thực trạng và nhu cầu để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3 phục vụ năm học 2022 - 2023.

Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã tiến hành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật 3 gói thầu thuộc kế hoạch mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường. Ba gói thầu sử dụng vốn xổ số kiến thiết, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng. Trong đó, gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 (giá dự toán 36,581 tỷ đồng); gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 (giá dự toán 34,751 tỷ đồng); gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 (giá dự toán 29,326 tỷ đồng).

Tỉnh Cà Mau cũng tập trung thực hiện Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh triển khai 11 gói thầu, kinh phí 297,113 tỷ đồng (trong đó có thiết bị lớp 2 và thiết bị lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018); đồng thời, tiến tới đầu tư phòng thí nghiệm thực hành theo hướng hiện đại, tiết kiệm.

Sở GD&ÐT đã mua sắm thiết bị thực hành (thiết bị ảo) 30 bộ cho 32 trường trực thuộc (triển khai thí điểm); tiếp tục lập hồ sơ triển khai dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học kinh phí 254,750 tỷ đồng (trong đó có mua bổ sung thiết bị lớp 1, lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018).

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau, từ năm 2023, UBND tỉnh, ngành Giáo dục tiến hành rà soát, điều chỉnh Đề án “Mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025” cho phù hợp với thực tế để tiếp tục triển khai mua sắm trang thiết bị. Sở cũng đề xuất Bộ GD&ĐT hỗ trợ kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Một trong những khó khăn của tỉnh Cà Mau là quy trình mua sắm vốn đầu tư công mất nhiều thời gian. Trang thiết bị dạy và học theo chương trình mới có nhiều đầu danh mục nên thời gian thực hiện hợp đồng mua sắm kéo dài. Một khó khăn phát sinh nữa là việc tìm đơn vị tư vấn thẩm định giá để lập hồ sơ mua sắm theo quy định...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ