Hỗ trợ người tị nạn - cầu nối tri thức giữa Ba Lan và Ukraine

GD&TĐ - Hơn 2,5 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước trong hai tuần từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tình nguyện viên người Ba Lan (phải) hỗ trợ người tị nạn Ukraine (trái).
Tình nguyện viên người Ba Lan (phải) hỗ trợ người tị nạn Ukraine (trái).

Hầu hết trong số họ, gần 1,5 triệu người đã vượt qua Ba Lan, quốc gia có đường biên giới chung dài hơn 500 km, và là một thành viên của Liên minh châu Âu.

Ngay sau khi chiến dịch quân sự của Nga nổ ra, Chính phủ Ba Lan đã nhất trí thông qua dự luật hỗ trợ người tị nạn Ukraine. Quốc gia này cho phép người dân Ukraine di chuyển vào Ba Lan qua 8 điểm biên giới bằng tàu hoả, ô tô hoặc đi bộ.

Hầu hết người tị nạn là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Ước tính, khoảng 600.000 người tị nạn là trẻ em trong độ tuổi đi học.

Chính phủ Ba Lan cho biết sinh viên Ukraine có thể tiếp tục học tại các trường phổ thông, đại học tại Ba Lan. Giáo viên giảng dạy tiếng Ukraine có thể được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, những người sử dụng tiếng Ba Lan có thể làm giáo viên hỗ trợ học sinh, sinh viên không biết tiếng Ba Lan. Các trường phổ thông mở lớp học đặc biệt để giáo dục trẻ em Ukraine không bị gián đoạn. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ giới hạn cho công dân Ukraine, không dành cho công dân quốc gia khác trong đó có sinh viên quốc tế.

Tiếp nhận 1,5 triệu người tị nạn trong 2 tuần là thách thức chưa từng thấy ở các quốc gia châu Âu trong những năm qua. Trước bối cảnh này, các trường đại học Ba Lan tích cực tham gia giúp đỡ tiếp nhận và hỗ trợ người tị nạn từ Ukraine.

Ký túc xá sinh viên, nhà thi đấu thể thao, trung tâm văn hoá, câu lạc bộ trong các cơ sở giáo dục đại học được sử dụng làm nhà ở tạm thời. Hàng nghìn sinh viên Ba Lan đăng kí làm tình nguyện viên.

Đơn cử, sinh viên Trường Đại học Y Gdansk đã thành lập câu lạc bộ “Nữ hộ sinh cho Ukraine” sau khi nhận thấy nhiều người tị nạn là phụ nữ mang thai. Trường đại học còn kêu gọi quỹ hỗ trợ dành cho phụ nữ Ukraine trước và sau khi sinh, các bà mẹ có con nhỏ.

GS Jerzy Lis, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ AGH, điều phối các vấn đề liên quan đến khủng hoảng ở Ukraine, bày tỏ: Trong thế kỷ 21, chưa bao giờ các trường đại học Ba Lan phải đối mặt với thách thức lớn như vậy. Nhưng chưa bao giờ sự hợp tác giữa giảng viên, sinh viên lại chặt chẽ đến thế.

Ukraine hiện là quốc gia có số lượng sinh viên quốc tế lớn nhất tại Ba Lan. Thời gian này, các em cũng tích cực tham gia vào quá trình viện trợ. Một nhóm sinh viên lái xe đến các điểm qua biên giới làm thông dịch viên, giúp tìm phương tiện đi lại hoặc chỗ ở cho những người tị nạn không có người quen ở Ba Lan. Những người khác làm việc tình nguyện trong các bệnh viện tiếp nhận người tị nạn.

Ngoài ra, để phản đối cuộc chiến của Nga tại Ukraine, Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Ba Lan thông báo cắt đứt mọi liên lạc với các cơ sở đối tác tại Nga, rút các nhà khoa học Ba Lan khỏi các tổ chức khoa học chung.

Một số chuyên gia giáo dục nhận định việc tiếp nhận học sinh, sinh viên, nhân viên giáo dục từ Ukraine có thể mang lại những thay đổi đối với giáo dục đại học Ba Lan. Thời gian tới, du học sinh Ukraine đến Ba Lan học đại học và sau đại học sẽ tăng cao.

Điều này cũng có thể tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các cơ sở giáo dục, nghiên cứu giữa hai quốc gia.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.