Nỗ lực 'giữ chân' giáo viên mầm non

GD&TĐ - Theo tính toán, từ nay đến năm 2026 cần bù đắp, bổ sung là hơn 106.000 GV các cấp học; trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất, với 44.000 người.

Một buổi học ngoài trời của cô – trò Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình).
Một buổi học ngoài trời của cô – trò Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình).

Trong số hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục, số giáo viên mầm non là trên 6.300 người. Điều này đặt ra bài toán, làm thế nào để “giữ chân” giáo viên mầm non.

Nhiều áp lực

Theo bà Dương Minh Ánh – đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, tình trạng thiếu giáo viên được đề cập đến tại các kỳ họp trước và tại kỳ họp 4. Đây là vấn đề bức thiết. Số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch Covid-19 đã làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên mầm non.

“Tôi đánh giá cao Chính phủ đã bổ sung 65.000 chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương để triển khai nhiệm vụ năm học mới. Tuy nhiên, số chỉ tiêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về đội ngũ ở các địa phương, đặc biệt là đô thị lớn, có dân số đông như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh” – bà Dương Minh Ánh trao đổi.

Theo đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, qua khảo sát tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non tại địa phương cho thấy, có tình trạng khó tuyển giáo viên mầm non. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có lực lượng giáo viên đang làm hợp đồng tại các cơ sở giáo dục hoặc sinh viên đã được đào tạo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định mới của Luật Giáo dục 2019. Do vậy, đối tượng này không đủ điều kiện tuyển dụng.

TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, mức lương hiện tại của nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, đặc biệt với giáo viên mới vào nghề. Khi đối sánh với lĩnh vực lao động khác với mức lương cao hơn, cơ hội kiếm việc lại dễ dàng hơn, sức ép ít hơn sẽ tác động trực tiếp đến sự gắn bó với nghề của giáo viên. Do đó, cần đảm bảo nhu cầu tối thiểu trong đời sống, nhà giáo mới thực sự an tâm, cống hiến và gắn bó với nghề được.

“Áp lực nghề nghiệp của các nhà giáo rất nặng nề. Đặc biệt ở giáo viên mầm non và tiểu học. Áp lực đầu tiên đến từ chính đặc trưng công việc. Giáo viên mầm non có khi phải làm việc đến 12 tiếng/ngày”- TS Hoàng Trung Học nhìn nhận và cho rằng, đối với nhóm giáo viên trẻ, mới vào nghề, họ có thể không gặp vấn đề về khả năng thích ứng nhưng lại gặp áp lực về chuyện “cơm áo gạo tiền”. Đặc biệt, ở người trẻ tuổi, khi nhu cầu vật chất có xu hướng gia tăng nhưng phải làm một loạt công việc áp lực, phức tạp với mức lương không đảm bảo có thể sẽ lựa chọn bỏ nghề.

Cô – trò Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam).

Cô – trò Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam).

Nỗ lực “giữ chân”

Cũng theo TS Hoàng Trung Học, ngày nay, nhận thức của phụ huynh về vai trò, vị thế của người thầy rất khác xưa. Đôi khi phụ huynh, dư luận không dành cho giáo viên sự trân trọng ở mức cần thiết.

“Khi sàng lọc bằng trắc nghiệm, chúng tôi thấy, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc. 35-40% có dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc, và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm” - TS Hoàng Trung Học viện dẫn và cho biết: Tỷ lệ này đặc biệt cao ở giáo viên mầm non, sau đó lần lượt đến giáo viên tiểu học, THCS và cuối cùng là THPT.

Để “giữ chân” giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non, TS Hoàng Trung Học nhìn nhận, cần có giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài. Gốc rễ là giải quyết vấn đề thu nhập. Họ phải đảm bảo được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Nếu không, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm.

Ngoài ra, cần ghi nhận, dành cho thầy cô sự trân quý để họ có động lực cống hiến. Bản thân mỗi nhà giáo và nhà trường cũng phải làm công tác tư tưởng để sốc lại tinh thần, thay đổi tư duy làm giáo dục trong giai đoạn mới, ứng phó với những thách thức và khó khăn mới. Có nhận thức đúng những thách thức nghề nghiệp, có kỹ năng ứng phó, nhà giáo mới làm tốt công tác giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị, sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới của Quốc hội. Thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương. Đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét để bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương. Trong khi chờ xây dựng Luật Nhà giáo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để an tâm công tác và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường (ngày 27/10) - Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non là 35%. Tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở. Nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ