Nỗ lực bảo đảm quyền được học tập của trẻ em trong đại dịch

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Giáo dục đã nỗ lực để bảo đảm trẻ em quyền được học tập - một trong những quyền cơ bản nhất được quy định trong Công ước của Liên hiệp quốc.

HS hoàn cảnh khó khăn Trường THCS-THPT Ngô Văn Nhạc, huyện Cái Bè (Tiền Giang) được hỗ trợ điện thoại thông minh học trực tuyến. Ảnh: Quốc Ngữ
HS hoàn cảnh khó khăn Trường THCS-THPT Ngô Văn Nhạc, huyện Cái Bè (Tiền Giang) được hỗ trợ điện thoại thông minh học trực tuyến. Ảnh: Quốc Ngữ

Học sinh - đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch

Nhiều khó khăn ngành Giáo dục phải đối mặt thời gian qua trong điều kiện dịch bệnh được ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng sở GD&ĐT Đồng Tháp chia sẻ. Một trong số đó là việc rất nhiều trường học không thể mở cửa vì phòng chống dịch. Toàn bộ hoạt động dạy và học phải điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh.

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm học 2021-2022, dạy học trực tuyến từ lớp 5 đến lớp 12 trong điều kiện gần 20 nghìn học sinh chưa có thiết bị. Giáo viên tuy đã có kinh nghiệm dạy học trực tuyến từ năm 2020 nhưng vẫn còn không ít hạn chế…

Nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly tập trung - nhất là trong đợt cao điểm người dân rời các địa phương vùng Đông Nam bộ về quê từ đầu tháng 10/2021 ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Có thể nói, “quy trình” truyền thống của việc kết thúc năm học và bắt đấu năm học mới của các cơ sở giáo dục xem như bị “phá vỡ”, “thay đổi” hoàn toàn” – ông Bùi Quý Khiêm nhận định.

Với học sinh, theo Chánh Văn phòng sở GD&ĐT Đồng Tháp, các em tạm thời mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần. Việc đóng cửa các cơ sở giáo dục - dù chỉ là tạm thời do nguyên nhân bất khả kháng - còn ảnh hưởng nặng nề hơn đến nhóm học sinh trước đại dịch vốn đã gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục; hoặc những trẻ có nguy cơ không thể đến trường vì nhiều lý do (học sinh khuyết tật, học sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, con em trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm vì dịch,…).

Trong điều kiện giãn cách xã hội, trường học đóng cửa thì việc học trực tuyến thông qua Internet là biện pháp quan trọng - nếu không muốn nói là biện pháp duy nhất - được các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện để duy trì hoạt động dạy học. Tuy nhiên, với điều kiện của một địa phương mà kinh tế phát triển chưa cao như Đồng Tháp thì đây là một bài toán không thể dễ dàng có lời giải ngay.

Các biểu hiện về bất bình đẳng trong giáo dục đã xuất hiện. Học sinh chưa được tham gia học trực tuyến vì thiếu thiết bị; hạn tầng kỹ thuật đường truyền Internet ở một số địa bàn chưa đảm bảo, làm gián đoạn việc học tập của học sinh;…. Bên cạnh đó, dù cho toàn bộ học sinh có thiết bị học trực tuyến thì mức độ tương tác giữa thầy và trò cũng không thể đạt hiệu quả cao nhất như khi dạy học trực tiếp.

Ủng hộ Chương trình Sóng và máy tính cho em tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc Ngữ
Ủng hộ Chương trình Sóng và máy tính cho em tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quốc Ngữ

Nỗ lực bảo đảm công bằng giáo dục

Trong điều kiện tác động của Cách mạng 4.0, dù học trực tuyến chưa thể thay thế ngay học trực tiếp nhưng rõ ràng đây là xu thế của giáo dục hiện đại nên tỉnh Đồng Tháp xác định bằng mọi cách phải đảm bảo tất cả học sinh được tham gia học trực tuyến.

Số thiết bị còn thiếu đã được ngành Giáo dục tính toán, cân đối và giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, từng cơ sở giáo dục thực hiện.

Trước mắt, để đảm bảo cho tất cả học sinh được tham gia học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị linh hoạt thực hiện bằng một số biện pháp: Bố trí thời khóa biểu học trực tuyến xen kẽ giữa các lớp, khối lớp trong trường để học sinh có thể mượn thiết bị của anh, chị, em hoặc bạn bè để học;

Bố trí học sinh chưa có thiết bị cùng tham gia học theo nhóm nhỏ phù hợp với địa bàn cư trú; ở các cơ sở giáo dục thuộc địa phương đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch, bố trí học sinh chưa có thiết bị vào phòng máy tính của trường để học theo nhóm;

Liên hệ Bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn có phòng Internet ưu tiên cho học sinh mượn học trực tuyến trong giờ làm việc; đề nghị UBND địa phương xem xét cho phép các điểm Internet hoạt động và chỉ cho học sinh thuê với giá phù hợp để học trực tuyến.

Sau hơn 1 tháng triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, toàn tỉnh đã vận động được trên 12 tỷ đồng, hơn 9.000 thiết bị (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để bàn), cùng với nỗ lực của gia đình (tự trang bị), đến cuối tháng 10/2021 tất cả học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 có thiết bị học trực tuyến. Việc số học sinh, học viên có đủ thiết bị học trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến, góp phần thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đối với việc trở lại trường học trực tiếp của học sinh, ông Bùi Quý Khiêm cho biết, sở GD&ĐT sẽ nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đối chiếu với cấp độ dịch bệnh của từng địa phương để tham mưu UBND tỉnh xem xét triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất...

Tại Đồng Nai, theo Phó giám đốc sở GD&ĐT Đỗ Huy Khánh, bên cạnh triển khai hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, sở GD&ĐT đã chủ động trong phối hợp huy động các nguồn lực để chăm sóc trẻ em, học sinh bị thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo đó, hỗ trợ trên 1.000 trường hợp cán bộ, giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1, bị tử vong vì Covid-19 từ nguồn quỹ Tấm lòng vàng của ngành và nguồn chi từ Liên đoàn Lao động tỉnh với số tiền 1,4 tỷ đồng (mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 5 triệu đồng). Vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ, chia sẻ khó khăn nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, tâm lý cho học sinh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là trên trên 900 triệu đồng (ủng hộ tiền, sữa,…,). Đã hỗ trợ 10 tấn rau củ quả, gần 1 tấn gạo cho học sinh vùng bị phong tỏa,… Tổng trị giá trên 2,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các phòng GD&ĐT, các trường THPT và các đơn vị trực thuộc Sở cũng đã chủ động phối hợp vận động, quyên góp thực phẩm, sách giáo khoa và đồ dung học tập cũ và mới… để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở trọ, đi cách ly hoặc ở bệnh viện dã chiến…

Đầu tháng 10/2021, sở GD&ĐT Đồng Nai đã phối hợp trao trên 1,8 tỷ đồng hỗ trợ 116 trẻ em, học sinh dưới 18 tuổi bị mồ côi cha, mẹ do bị nhiễm Covid-19; tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai rà soát và hỗ trợ trẻ em học sinh khó khăn từ nguồn kinh phí của quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn trong hỗ trợ, chăm sóc, tặng quà động viên các trẻ em, học sinh bị thiệt thòi do dịch bệnh Covid-1 9, đặc biệt là trẻ em, học sinh mồ côi do mẹ mất vì Covid -19...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.