Ninh Thuận: Cô học trò viết thư nơi cửa chùa

GD&TĐ - Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Nguyễn Thị Cẩm Vân phải nương vào cửa chùa để sống. Vân bảo “Phận mồ côi buồn lắm”. Trong Cuộc thi viết thư Quốc tế (UPU) lần thứ 48 và 49, em đã 2 lần đạt giải “Cây bút triển vọng”.

Những lúc rảnh, Cẩm Vân thường viết chuyện, thơ...	Ảnh: Duy Quan
Những lúc rảnh, Cẩm Vân thường viết chuyện, thơ... Ảnh: Duy Quan

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021, Cẩm Vân được tuyển thẳng vào Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Phan Rang – Tháp Chàm. Hiện, em đang là học sinh lớp 10D4 của trường.

Phận mồ côi buồn lắm!

Dáng người nhỏ, đôi mắt sáng, Cẩm Vân rất ít nói, khiêm tốn. Mỗi khi nhắc đến chuyện gia đình, Cẩm Vân lại ngậm ngùi. Lúc đó, đôi mắt em lại chớp liên tục, như muốn ngăn nước mắt rơi. 

Cách đây 14 năm (năm 2006), khi Cẩm Vân vừa tròn 1 tuổi, thì cha không may bị tai nạn giao thông qua đời. Cú sốc tinh thần chưa dừng lại, đến năm 2011 mẹ Vân bị bệnh nặng cũng qua đời. Không còn chỗ nương tựa, bà ngoại đã đón Cẩm Vân về nuôi tại Đồng Nai.

Sau đó đến năm 2012, bà ngoại đưa Cẩm Vân về Ninh Thuận gửi tại chùa Đông Nhạc (phường Đông Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm). Từ đó, cuộc sống của em chỉ một mình ở nơi xa. Ngôi chùa trở thành nơi để em nương tựa và bình tâm sau những biến cố cuộc đời em.

“Phận mồ côi buồn lắm! Nhưng em có thầy cô, bạn bè luôn quan tâm, động viên. Ở trong chùa em hoàn thiện bản thân và cuộc sống trở nên bớt áp lực hơn”, Cẩm Vân chia sẻ.

Với em, những khó khăn, gian nan đó cũng chính là cách để em rèn luyện bản thân, vươn lên bằng chính sức lực của mình. Để không phụ lòng mong mỏi của bà ngoại, thầy cô, em luôn cố gắng học tập. Suốt 4 năm học tại Trường THCS Đông Hải, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến. 

Lối viết giàu cảm xúc, dùng từ sáng tạo

Trong Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 (năm học 2018 – 2019) và lần thứ 49 (2019 – 2020), Cẩm Vân đã xuất sắc đạt Giải “Cây bút triển vọng”. Vân cho biết, em rất bất ngờ khi bức thư của mình đã vượt qua gần 600.000 bài dự thi trên cả nước để giành giải thưởng. 

Với Vân, đề tài “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống” là một câu hỏi khó. Ban đầu, em lúng túng không biết phải thể hiện bức thư của mình như thế nào cho thật ấn tượng và ý nghĩa. Nhờ sự gợi ý của thầy, cô giáo nên em viết về một vấn đề đang được nhiều người quan tâm. 

“Khi đó, dịch bệnh Covid – 19 đang hoành hành khắp thế giới. Em nghĩ đến ý tưởng viết một bức thư về tình thương, tình người trong đại dịch”, Cẩm Vân nói.

Cô giáo Lê Ngọc Diệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hải, nhận xét: “Cẩm Vân là một học sinh cá tính. Em chăm chỉ học tập, luôn hòa đồng với bạn bè, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường lớp. Riêng môn Văn, Cẩm Vân nổi bật với lối viết giàu cảm xúc, cách dùng từ sáng tạo, sắp xếp ý hợp lý. Cẩm Vân luôn chuẩn bị bài rất kỹ trước khi lên lớp, chăm nghe giảng bài”.

“Điều khiến tôi ấn tượng là từ khi Cẩm Vân mới vào trường, tuy còn nhỏ tuổi nhưng em rất biết lắng nghe, tích cực ghi chép. Trong mỗi giờ học, Cẩm Vân luôn sẵn sàng giấy, bút chủ động ghi lại những ý hay, để viết văn, viết chuyện hoặc làm thơ”, cô Diệp nói thêm.

Không chỉ nỗ lực trong học tập, Cẩm Vân còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của trường, lớp. Em luôn giúp đỡ các học sinh yếu kém, vươn lên trong học tập. 

Cô giáo Lê Ngọc Diệp và Cẩm Vân chụp hình lưu niệm. Ảnh: Duy Quan
Cô giáo Lê Ngọc Diệp và Cẩm Vân chụp hình lưu niệm. Ảnh: Duy Quan

Trò chuyện với những bộ óc tuyệt vời

Khi cả cha mẹ qua đời, Cẩm Vân không tin đó là sự thật. Lúc đó em mới tròn 6 tuổi. Vượt qua sự ngặt nghèo của cuộc sống, Vân luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến. Cô học trò còn nổi bật với nhiều thành tích như danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, giải Nhất cấp tỉnh về Đại sứ văn hóa đọc...

Chia sẻ bí quyết, Cẩm Vân cho biết: “Để giữ gìn sức khỏe, em không ngồi học quá lâu. Em sắp xếp thời gian để vừa học vừa nghỉ ngơi. Để rèn viết văn tốt những lúc rảnh em thường viết chuyện, làm thơ… Chủ đề của em chủ yếu là về thầy, cô giáo và bạn bè”.

“Mới đây, em cho ra “lò” quyển tự truyện Người gieo sách và thông điệp của tri thức. Trong cuốn tự truyện có nhiều nội dung để mọi người hào hứng hơn với việc đọc sách. Đây cũng là cuốn tự truyện em đã tâm huyết trong nhiều ngày”, Cẩm Vân nói.

Cuốn tự truyện có đoạn viết: “…Anh buồn ư? Tìm sách đọc đi! Sách sẽ giúp anh hóa giải. Chị vui ư? Tìm sách đọc đi! Sách sẽ nhân rộng niềm vui. Bạn đang thắc mắc về một vấn đề nào đó? Đang có lỗ hổng kiến thức hoặc muốn tìm tòi, khám phá điều gì đó? Tìm sách đọc đi! Hãy tin tôi, vì sách là nơi tái sinh của những người vĩ đại, khi anh đọc sách cũng là khi anh trò chuyện với những bộ óc tuyệt với đó…”.

Khi hỏi về dự định tương lai, Cẩm Vân chia sẻ: “Em muốn học ngành tâm lý. Vì năm em học lớp 7 thì đứa em gái trong gia đình đã không chịu nổi cú sốc bố, mẹ dẫn đến trầm cảm rồi tự tử”.

Nói đến đây, Cẩm Vân nghẹn ngào. Em muốn theo ngành tâm lý học để có thể tư vấn tâm lý cho những người đang phải chịu nhiều áp lực, hay những người bị trầm cảm, để họ có thể giải toả, vững tin bước tiếp trên hành trình của cuộc sống. Đặc biệt, để họ không phải nghĩ đến cái chết như em gái của em.

Cuộc đời khắc nghiệt đã cướp đi của em những người thân yêu nhất. Nhưng với ý chí và nghị lực, Cẩm Vân đã biến nỗi đau thành sức mạnh, vững bước tiến vào tương lai.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức với đề tài: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống”, được phát động và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 12/2019 - 3/2020. Ban Tổ chức đã nhận được gần 600.000 bức thư dự thi của học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Vượt qua nhiều vòng chấm chọn, 100 bức thư xuất sắc nhất đã được trao giải với 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích cùng với 61 giải Cây bút triển vọng, 5 giải dành cho học sinh khiếm thị và 9 giải tập thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ