Nhiều đứa trẻ đang học lớp 3 - lớp 4, bố mẹ đã bắt nghỉ học để đi làm. Trẻ con ở nông thôn ngày đó, ngoài việc nấu cơm, rửa bát, quyét nhà, băm bèo thái rau, chăn trâu cắt cỏ, có nhiều em phải lao động như người lớn.
Bố mẹ tôi sinh được sáu người con, nhưng có tới năm người là gái. Anh tôi là con cả, học rất giỏi nên vào năm 1969 đã được đi học ở nước ngoài.
Chị gái thứ hai của tôi học hết lớp bảy thì đi lấy chồng, còn chị thứ ba đi thanh niên xung phong vì lúc đó nhà tôi không có con trai đi bộ đội. Nhà đã thiếu người làm, lại toàn con gái, nên bố mẹ tôi rất vất vả. Nhưng, thay vì bắt con nghỉ học ở nhà đi làm hoặc lấy chồng sớm thì bố mẹ tôi lại động viên và tạo mọi điều kiện để chị em tôi được đi học.
Năm tôi vào học lớp 8, cả xã có vài đứa được đi học, nhưng chỉ có tôi và một bạn tên V là con gái. Hàng ngày chúng tôi phải đi bộ gần 8 cây số để tới trường. Những hôm trời nắng đi học rất vất vả, nhưng tôi sợ nhất là những ngày mưa bão và mùa đông giá rét.
Vì đường xa nên hơn 5 giờ sáng chúng tôi đã phải đi học, đã thế lại đi qua toàn cánh đồng nên chúng tôi rất sợ. Mới đi học được khoảng một tháng thì bạn V bỏ học. Tôi sợ phải đi bộ một mình nên cũng bỏ học luôn. Thấy vậy, bố không cho tôi bỏ học, và từ hôm đó hàng ngày bố đưa tôi đến trường.
Sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 4 giờ là bố gọi tôi dậy học bài. Mẹ tôi cũng dậy theo luôn. Mẹ dậy đun nước và hâm lại bát cơm đã xới để dành từ tối hôm trước. Mẹ vẩy một ít nước vào bát cơm, hâm nóng lên và chia cho ba chị em tôi ăn để đi học.
Còn bố mẹ thì nhịn đói, mặc dù phải đi làm rất vất vả. Khoảng hơn 5 giờ sáng bố bắt đầu đưa tôi đến trường. Trên tay bố bao giờ cũng xách theo một cái “đèn chai” (đèn chai là đèn tự làm, có quai xách, bóng là một cái chai lớn đã mài bớt phần đầu và đít chai. Đèn chai ra gió rất khó bị tắt). Đi được khoảng nửa đường, tới chợ An Bình là bố dừng lại. Bố đứng lại một lúc nhìn theo tôi, còn tôi cũng vừa đi vừa quay lại nhìn bố. Khi nào không thấy bóng của bố nữa là tôi vừa đi vừa chạy tới trường.
Khi được bố đưa đi học, tôi không còn sợ nữa, nhưng thấy bố vất vả quá nên tôi lại đòi bỏ học. Bố nhất quyết không đồng ý và còn động viên: “Cố lên con, sang năm bố sẽ mua xe cho con đi học”. Và thế là, bố đã đưa tôi đi học suốt năm lớp 8.
Năm tôi vào học lớp 9, anh trai tôi về nước và mua cho tôi một chiếc xe đạp. Từ đó hàng sáng bố không phải đưa tôi đến trường nữa, nhưng hôm nào tôi học chiều về muộn, bố vẫn cầm đèn đi đón tôi.
Tôi nhớ, có một lần chúng tôi tan học rất muộn, tôi cố gắng đạp xe theo bọn con trai, nhưng không may xe tôi lại bị tuột xích. Tôi xuống xe để lắp lại xích, nhưng vì trời tối và vì rất sợ nên loay hoay mãi không lắp được xích xe. Tôi bật khóc và ước gì có bố ở bên cạnh.
Bỗng nhiên tôi thấy có ánh đèn và nghe thấy giọng bố: “T. phải không con?”. Tôi khóc càng to và chạy tới ôm chầm lấy bố. Bố nói: “Nín đi con, có bố đây rồi”.
Sau khi lắp lại xích xe, hai bố con tôi dắt bộ về nhà, vì tôi nhỏ người không chở được bố, còn bố thì lại không biết đi xe.
Hồi bố đưa tôi đi học, rất nhiều người ở làng tò mò đặt câu hỏi: “Tại sao cái ông này sáng nào cũng đi đâu về sớm thế?”. Sau này biết được lý do, họ rất cảm phục bố tôi. Thế rồi tôi cũng học hết cấp ba và thi vào Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.
Trong thời gian chờ kết quả thi, hai bố con tôi vẫn cùng nhau đi làm. Hôm nghe tin đậu đại học, tôi và bố đang đi làm ở trường cấp 1 gần nhà. Một đứa bạn chạy đến nói với tôi: “Đậu đại học rồi. Về xuống Cầu Nguyễn lấy giấy báo đi T.”.
Tôi bỏ cuốc xuống và ngẩng lên nhìn bố. Tôi thấy bố đứng chống cuốc và lặng đi nhìn tôi. Hai bố con cứ thế nhìn nhau, được một lúc bố mới nói: “Thôi về lấy giấy báo đi con”. Chỉ chờ câu nói của bố xong là tôi chạy vụt đi. Tôi biết là bố tôi mừng lắm.
Năm 1979, tôi vào học tại Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Học xong tôi được Bộ phân vào công tác tại một trường đại học ở miền Trung. Vì điều kiện xa xôi, sau đó lại phải lo cho gia đình và các con nên tôi ít có điều kiện về thăm và chăm sóc bố mẹ.
Bây giờ bố mẹ tôi không còn nữa, tôi cũng sắp nghỉ hưu, nhưng hình ảnh bố cầm đèn đưa tôi đi học vào mỗi buổi sáng và đón tôi mỗi khi tôi về muộn luôn ngự trị trong trái tim tôi.
Bố ơi, con chưa kịp nói lời cảm ơn bố, nhưng với con, bố luôn là một người nông dân có cái nhìn tiến bộ nhất, một người bố vĩ đại nhất. Con biết ơn bố nhiều lắm.