Niềm vui 'cháy'... vé

GD&TĐ - Chưa đầy một tuần, 3 suất sáng đèn vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' tại rạp Công nhân gần như... 'cháy' vé.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Không truyền thông rầm rộ, có chăng chỉ là tạo sự kiện trên fanpage Ơ kìa Hà Nội, lan tỏa thông tin trên trang cá nhân nghệ sĩ: Chiều Xuân, Kim Oanh, Hoàng Tùng, Nguyễn Hoàng Điệp... vậy nhưng chưa đầy một tuần, 3 suất sáng đèn vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (12, 13, 14/1) tại rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội) gần như... “cháy” vé.

Nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp mừng vui “khẽ khàng” nhắn nhủ trên trang cá nhân: “Hôm trước có mấy bạn than phiền vì mình không chịu chi tiền quảng cáo mà cứ đòi bán tay bo từng đó vé xem kịch trong 11 ngày thì chắc chắn sẽ toi đời... ai cũng thương xót mình vì phi vụ “đầu tư” ơ kìa quá đà này... Mà giờ mới được 6 ngày, thì chả hiểu như nào lại đâm ra cháy vé... Chỉ dám nhắn các bạn là... ghế còn cực ít…”.

Nhà sản xuất vui, khán giả cũng vui. Đây là niềm vui lớn đối với những người yêu mến sân khấu – lĩnh vực mà bấy nay khi nhắc đến luôn là nỗi lo thường trực: Khó bán vé.

Thực ra, khi ê-kíp sản xuất bắt đầu thông tin về 3 đêm công diễn đã có không ít lo ngại, thậm chí cho rằng để kín rạp công nhân với gần 800 chỗ đã là mừng chứ đừng nghĩ đến 3 đêm.

Vậy nhưng, không chỉ một đêm mà giờ gần như kín cả 3 đêm, theo hình thức: Khán giả phải đặt chỗ online, trả tiền, trong vòng 72 giờ mới được ban tổ chức xác nhận.

Việc đặt chỗ này thực ra không có cơ sở gì rõ ràng khi tất tần tật thông tin ít ỏi nhất có thể về vở diễn gói gọn trên fanpage. Những tạo hình nhân vật hay việc hé lộ một vài hình ảnh cho đêm diễn, kiểu câu view như các đại nhạc hội quốc tế truyền thông, là con số 0.

Trong khi giá vé để vào cửa rạp thưởng thức vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” so với mặt bằng chung của sân khấu kịch phải nói là cao, từ 350 – 800 nghìn đồng/vé, mức mơ ước đối với nhiều nhà hát, nhất là sân khấu kịch hát dân tộc.

Vậy điều gì mà Ơ kìa có thể khiến khán giả bỏ tiền túi để đặt chỗ trước cùng sự hào hứng đón chờ ngày công diễn? Vì danh tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ? Vì sự tò mò về một kịch bản nổi tiếng nay đạo diễn Nhật Bản dàn dựng có gì mới? Dàn nghệ sĩ mới toanh sẽ hóa thân thế nào?...

Những lý do đó đều có cả nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là niềm tin vào nhà sản xuất khi bước vào cuộc chơi là chốt hạ: “Mình lần này trót hứa với anh em ê-kíp là chỉ cần diễn hay, mình nhất định tất tay đốt lửa cho vé nhất định cháy... bừng bừng...”.

Niềm vui còn là từ hình dung lượng khán giả trẻ sẽ chiếm số đông khi sự kiện dành ưu đãi lớn cho học sinh, sinh viên. Đây là cách hay trong việc huy động người trẻ đến rạp để “nuôi nguồn” tương lai. Nhưng, để thực sự bền vững, rất cần những tác phẩm hay từ nhà sản xuất giỏi cho sân khấu tưng bừng thường xuyên thì mới đủ sức thắp lửa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.