Truyền cảm hứng, tinh thần dấn thân cho tuổi trẻ từ sân khấu kịch

GD&TĐ - Không phải ngẫu nhiên Nhà hát Tuổi trẻ lên kế hoạch biểu diễn vở kịch về anh hùng Lý Tự Trọng, mang tên 'Sống mãi tuổi 17' đúng ngày Quốc khánh 2/9.

Vở kịch 'Sống mãi tuổi 17' thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ. Ảnh: Bình Thanh.
Vở kịch 'Sống mãi tuổi 17' thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ. Ảnh: Bình Thanh.

Không phải ngẫu nhiên Nhà hát Tuổi trẻ lên kế hoạch biểu diễn vở kịch về anh hùng Lý Tự Trọng, mang tên “Sống mãi tuổi 17” (tác giả Lưu Quang Vũ) đúng ngày Quốc khánh 2/9. Và, dù là đợt nghỉ lễ dài ngày nhưng vở kịch vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả, nhất là các bạn trẻ.

Bản dựng “Sống mãi tuổi 17” của đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến ra mắt từ năm ngoái nên đến nay đã có khá nhiều suất diễn. Nhất là dịp cuối năm 2022, vở kịch được công diễn phục vụ 980 đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII.

“Sống mãi tuổi 17” kể về người đoàn viên đầu tiên với tấm thẻ đoàn số 1 - Lý Tự Trọng - xảy ra cách đây gần 100 năm song khi được tái hiện trên sân khấu dường như vẫn thuộc về hôm nay.

Vở kịch được mở ra bằng khung cảnh người đồng chí tiễn chân Lý Tự Trọng trở về nước hoạt động cách mạng. Nối tiếp đó là cuộc gặp gỡ của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi này với người thủy thủ già Gienu rồi được mắt thấy tai nghe những cảnh đời nghèo khổ ngay trên quê hương yêu dấu như người hát xẩm, người công nhân bị thôi việc tên Sáu Huỳnh, má Hai, chị em nhà Chín Cưỡng… Đám tay sai như đội xếp tây, cò Lơgơrăng, tên mật thám; tay anh chị Bảy thẹo… anh cũng đều chạm mặt.

Diễn viên Quang Trọng vào vai Lý Tự Trọng. Ảnh: Bình Thanh.

Diễn viên Quang Trọng vào vai Lý Tự Trọng. Ảnh: Bình Thanh.

Hay như khi mang tên Nhỏ, hoạt động ở khu lao động sát bến cảng, làm cu li nhặt than để vừa sâu rộng công tác tuyên truyền thành lập những tiểu tổ đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Sài Gòn; làm liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương ở Sài Gòn, Chợ Lớn, nắm chắc đầu mối liên lạc với các chi bộ trong thành… là những cọ xát, gặp gỡ, kết nối của Lý Tự Trọng với các đồng chí của mình như Thiết, Lăng, Phương… Cả lúc anh bị bắt giam, đối diện với sự tra tấn dã man của xếp bót, chánh mật thám…

Ở bất kỳ mối quan hệ, tình huống, biến cố nào thì dù mới tuổi 16, 17 nhưng người thanh niên này luôn ngời sáng tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất. Tinh thần ấy lan tỏa đến những người thanh niên yêu nước khác, thậm chí còn có thể giác ngộ lý tưởng, giúp người khác nhận ra con đường đúng đắn để lựa chọn, thay đổi. Với kẻ thù, tinh thần ấy khiến chúng khiếp sợ…

Có thể thấy, bản dựng của đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến rất gọn ghẽ, logic và khá hiện đại. Diễn xuất của các nghệ sĩ như Quang Trọng (Lý Tự Trọng), Nguyệt Hằng (má Hai), Thanh Sơn (Bảy Sẹo), Lệ Quyên (Phương)… tròn vai. Vì vậy, dù khắc họa chân dung của một chiến sĩ cách mạng song vở diễn không bị rơi vào hô khẩu hiệu, cứng nhắc.

Trái lại, vở kịch khá hấp dẫn đôi khi có giây phút thư giãn với tình huống hài hước hay lắng sâu trong những câu hát được phổ từ thơ trong kịch bản: “Mênh mông là giữa đại dương/ Con tàu vẫn nhận ra đường tàu đi/ Mịt mùng là giữa đêm khuya/ Mà ta vẫn thấy hướng quê trước tầu…”, thể hiện chủ đề mang tính thời đại.

Đó là lý tưởng cách mạng trong mỗi người, nhất là với người trẻ cần được soi sáng. Nếu năm xưa, họ kiên định đi theo con đường cách mạng cùng lý tưởng chiến đấu cho nền độc lập, tự do, hòa bình của đất nước thì nay vẫn là lý tưởng cách mạng ấy vừa để bảo vệ nền hòa bình vừa dựng xây Tổ quốc ngày càng hùng cường.

Là một trong những thanh niên điển hình tiên tiến được thưởng thức vở kịch, bạn Giàng A La ở Pà Khôn, xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình chia sẻ: “Trước kia tôi hiểu về đoàn nhưng còn chưa thực sự sâu sắc về vấn đề dấn thân cho lý tưởng cách mạng.

Sau khi xem vở kịch tôi rất xúc động và cảm thấy mình được mở mang, hiểu hơn vai trò của mình cần làm gì và tuyên truyền thế nào đến với các bạn thanh niên. Tôi cũng vô cùng khâm phục thế hệ đi trước trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần dấn thân cùng lòng yêu nước nồng nàn…”

Còn với bạn Phan Vũ Thùy Trang (Quảng Nam) cho biết, cái tên Lý Tự Trọng đã quá quen với mỗi đoàn viên thanh niên. “Nhưng để chuyển tải cảm xúc một cách trực tiếp qua vở kịch thì là lần đầu tiên tôi được thưởng thức.

Qua diễn đạt bằng lời thoại, diễn xuất của các diễn viên tôi rất xúc động và cảm thấy tự hào vì đã có một thế hệ đi trước vô cùng dũng cảm, ưu tú. Họ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục có những cống hiến, khát vọng để có lẽ sống của một người thanh niên”, Thùy Trang nói.

Riêng với cô gái Huỳnh Nguyễn Ngọc Linh lại có ấn tượng đặc biệt: “Vở kịch nói về anh Lý Tự Trọng hoạt động cách mạng và hy sinh ở tuổi 17. Năm nay em cũng 17 tuổi nên em rất xúc động vì thấy những thế hệ đi trước để lại nhiều điều mà chúng em là thế hệ đi sau thật khâm phục, ngưỡng mộ. Qua vở kịch em cũng được truyền thêm động lực, truyền lửa niềm tin vào sức mạnh của thế hệ trẻ trong tương lai”.

“Ngày hôm nay rất nhiều bạn trẻ trong chúng ta vẫn còn trăn trở trong hành trình nhận diện mục đích và lý tưởng sống đúng đắn cho riêng mình. Vở diễn được dàn dựng và biểu diễn, nhất là vào những dịp kỷ niệm như ngày Quốc khánh 2/9 có ý nghĩa đặc biệt cùng mục đích truyền cảm hứng, lý tưởng và ý chí quyết tâm, không lùi bước trước khó khăn, sẵn sàng gánh vác sứ mệnh và trọng trách của thế hệ thanh niên Việt Nam trước Tổ quốc hôm nay và mai sau” - Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ