Ngay khi NSƯT Thành Lộc đăng trên trang cá nhân lời xin lỗi vì sơ suất về đạo cụ trong kịch Thiên Đăng mà khán giả phát hiện và gửi riêng đã không chỉ nhận được sự đồng tình của dư luận mà nhiều người còn bày tỏ sự cảm kích.
Nghệ sĩ này đã bày tỏ sự “tiếc và hối hận” khi để sót những sơ suất về chuyên môn “thật tệ này”. Anh đặc biệt gửi lời cảm ơn đến sự phát hiện, góp ý đó cũng như nhấn mạnh kịch Thiên Đăng “không dám coi thường khán giả”…
Vì vậy, dù là người mắc lỗi nhưng Thành Lộc vẫn nhận được những chia sẻ từ công chúng, có người còn bày tỏ sự cảm động và gọi đó là “nghĩa cử cao đẹp đáng trân trọng”.
Thực ra, sơ suất của kịch Thiên Đăng không phải là trường hợp duy nhất khi ở nhiều đơn vị nghệ thuật khác vẫn xảy ra. Những đạo cụ, hóa trang không ăn nhập, kệch cỡm với bối cảnh vở diễn hiện diện thường xuyên trên nhiều sàn diễn, nhất là với các vở diễn khai thác đề tài lịch sử, truyện dân gian...
Có thể điểm lại như tóc nhuộm vàng, ngón tay sơn hồng mà vào vai thôn nữ lam lũ, nghèo khổ; để nguyên tay đeo nhẫn mặt đá to đùng vào vai tướng soái thời xưa; nam diễn viên đội búi củ tỏi, nữ đội vòng vấn giả nhưng vẫn để chân tóc lia xia ra vành khăn…
Sự cẩu thả, tạm bợ về đạo cụ cũng là câu chuyện rất đỗi quen thuộc, nhiều khi được chuẩn bị quấy quá theo kiểu có sao dùng vậy. Cứ vai diễn ẩn dật, thích khách liền mang chiếc nón rộng vành của ngoại quốc chứ không phải của người Việt. Áo mão cho các vai vua chúa, hoàng hậu, công chúa, quan tướng… thì lộn xộn, mặc diễn thể hiện ở triều đại nào cũng được.
Ấy vậy nhưng khi có góp ý của công chúng không mấy chủ quản đơn vị nghệ thuật, ê-kíp sáng tạo lắng nghe, trái lại họ có thái độ ứng xử kém duyên: Hoặc lơ đi chẳng lời hồi đáp hoặc cạch chơi với người góp ý.
Thậm chí có cả trường hợp quay ra tranh cãi theo kiểu chợ búa chứ không hề có được những đối thoại lịch sự để cùng hợp tác và tìm lời giải cho những điều chưa thỏa đáng.
Và cần nhắc thêm về câu chuyện của NSƯT Thành Lộc, khán giả phát hiện, gửi riêng nên anh cũng có thể lặng lẽ sửa những sai sót ấy, chỉ cần thông báo, nói lời cảm ơn đến riêng khán giả đó. Vậy mà anh vẫn công khai sự việc lên trang cá nhân của mình cùng lời xin lỗi từ đáy lòng của người tận tâm với nghề.
Phải chăng, đó cũng chính là lời nhắc của anh với diễn viên hãy chỉn chu trong từng vai diễn và nhấn mạnh về vai trò của khán giả - không chỉ là bệ phóng, mà còn luôn giám sát sự nghiêm túc với nghề của nghệ sĩ. Quả là một hành xử chuyên nghiệp rất đáng được học tập, không chỉ với sân khấu mà với nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác.
Chắc chắn rằng, khi những “chủ trò” dám thẳng thắn đáp từ trước góp ý tử tế, vun vén như thế của công chúng chính là hai bên cùng hợp sức để đem về những quả ngọt cho bước đường tương lai của nghệ thuật nước nhà!