Một vở diễn hay chắc chắn phải bắt nguồn từ một kịch bản tốt, vì thế vai trò của người biên kịch sân khấu là vô cùng quan trọng.
Thực ra, đơn vị nghệ thuật nào cũng biết điều này rồi thường than thở, chẳng có kịch bản tốt bởi chẳng có một biên kịch sân khấu ra hồn nên đời sống sân khấu ảm đạm, buồn tẻ như vậy. Liệu rằng lời than ấy đã đúng chưa khi lâu nay đối tượng biên kịch sân khấu bị bỏ quên?
Muôn điều khó
Ở miền Bắc gần như không có biên kịch sân khấu trẻ chuyên nghiệp. Biên kịch, nếu có thể sống được bằng nghề thì chỉ có biên kịch phim truyền hình do cầu nhiều, lượng phát sóng lớn.
Nếu đứng ở góc độ một vở diễn, kịch bản là khâu quan trọng nhất. Nhưng đối với một đơn vị nghệ thuật thì diễn viên và đạo diễn lại quan trọng hơn.
Dưới góc nhìn của họ, kịch bản là yếu tố đầu tiên để làm nên một vở diễn hay, nhưng suy cho cùng vẫn chỉ là “cái xác” còn đạo diễn và diễn viên mới là người tặng hồn cho cái xác đó, khiến nó có sức sống trên sàn diễn.
Do vậy, nhiều đơn vị nghệ thuật bắt buộc phải coi trọng diễn viên, đạo diễn hơn là biên kịch. Chẳng thế mà, nếu ngày trước vẫn thường thấy, các biên kịch sân khấu nằm trong biên chế của một đơn vị nghệ thuật và viết kịch bản phục vụ cho đơn vị đó, thậm chí “canh tác” sang nơi khác thì giờ đây do khó khăn về tài chính, các nhà hát không còn “nuôi” biên kịch nữa.
Hầu hết, các biên kịch đều sống và làm việc tự do. Điều này có nghĩa, họ không có cơ quan đoàn thể, không có khoản thu ổn định hàng tháng, hàng năm, không chế độ bảo hiểm. Họ hoàn toàn sống bằng việc bán chữ.
Biên kịch sân khấu, nếu muốn gắn bó với nghề bền bỉ cần phải có một nguồn thu nhập ổn định để sống qua ngày. Điều đó có nghĩa, họ phải đi làm một công việc ổn định khác, rồi dành chút thời gian rảnh rỗi cho niềm đam mê viết kịch bản sân khấu.
Liệu có công việc nào mang lại thu nhập ổn định mà vẫn có nhiều thời gian để ai đó ngồi viết kịch bản sân khấu hay không? Câu trả lời là, các tác giả tốt nghiệp Khoa Biên kịch sân khấu Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh hiện nay đang kiếm sống bằng những công việc liên quan đến văn hóa, sân khấu và rất ít có thời gian để ngồi viết kịch bản sân khấu.
Đấy là chưa kể, nếu có thời gian thì một người làm việc tự do, lấy tư cách gì để đi thực tế sáng tác? Ví dụ, một nhà báo sẽ có thẻ nhà báo. Khi cần thông tin để viết về một vấn đề nào đó, họ chỉ cần trình thẻ thì những người có trách nhiệm sẽ cung cấp thông tin, tạo điều kiện để họ tìm hiểu về vấn đề mà họ đang muốn viết.
Nhưng, một biên kịch có thể đến một bệnh viện nào đó và giới thiệu: “Tôi là biên kịch tự do, tôi muốn đi thực tế sáng tác để viết kịch bản sân khấu về lĩnh vực y tế?”. Hay họ có thể đến một trường học nào đó và cũng: “Tôi là biên kịch tự do, tôi muốn đi thực tế sáng tác để viết kịch bản sân khấu về lĩnh vực giáo dục?...”.
Và rồi sẽ nhận được những lời đón tiếp nồng nhiệt: “Vâng, các anh, chị biên kịch cứ thoải mái tìm hiểu các vấn đề ở đơn vị chúng tôi”? Điều này là không thể.
Vì thế, tác giả chỉ có thể đọc qua sách báo, các phương tiện truyền thông và rồi đưa ra những kịch bản mà người trong nghề nhận xét: “Thiếu thực tế cuộc sống”. Nhưng, nếu muốn, các biên kịch tự do phải làm cách nào để có thể thâm nhập vào thực tế cuộc sống? Thực là lực bất tòng tâm.
“Lĩnh vực kịch bản sân khấu thì không có thần đồng. Bạn phải học và biết rất nhiều kỹ thuật. Và bạn cũng phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng trước những lời phê phán. Kịch bản tôi viết ra cũng bị chê tơi bời, tôi nghe nhiều thành quen, giờ thấy điều này là đương nhiên”, tác giả Trần Kim Khôi thổ lộ.
Anh cho biết, khi gửi kịch bản đến các nhà hát, câu trả lời cho sự chờ đợi của tác giả nhiều khi chỉ là những cái im lặng. Vì thế, anh mong muốn các nhà hát công lập hãy đọc và dành thời gian, sự quan tâm nhiều hơn nữa cho tác phẩm của tác giả trẻ.
Đôi khi, một lời nhận xét, động viên của những người làm trong Hội đồng nghệ thuật (dù tác phẩm không được dàn dựng) cũng là động lực để tác giả trẻ tiếp tục chỉnh sửa và nâng cao đứa con tinh thần của mình.
Mơ ước là vậy, song thực tế, hiếm nhà hát nào nhận xét cụ thể cho những kịch bản sân khấu được gửi tới. Đơn giản vì họ không có thời gian làm việc đó. Khó nhọc lắm mới viết được một kịch bản, song khi gửi đi rồi, nhiều khi biên kịch cũng chỉ biết tự an ủi, rằng có thể tác phẩm chưa hay, và điều mình cần phải làm là cố gắng, cố gắng không ngừng, và “ngày mai trời sẽ sáng”.
Một cảnh trong vở kịch 'Đứa con của yêu tinh' của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Huyền Thu. |
Không được đào tạo như mong ước
Một trong những điều quan trọng nhất của một biên kịch là phải được đào tạo một cách bài bản với những giáo trình tiên tiến nhất. Nhưng hiện nay, lấy ví dụ ở phía Bắc ai đó muốn đi học lớp Biên kịch sân khấu Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thì có khả năng phải đợi 5 năm, thậm chí là 10 năm vì không phải năm nào, trường này cũng có thể tuyển sinh được một lớp biên kịch sân khấu.
5 năm, 10 năm là khoảng thời gian trung bình mà Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có thể mở được một lớp Biên kịch sân khấu với đầu vào khoảng 20 sinh viên và khi tốt nghiệp còn khoảng 1/2 số đó. Số làm được nghề, sống được với nghề còn ít hơn, với những nguyên nhân đã nói ở trên.
Tác giả Lê Công Phượng là một trong những người trẻ hiếm hoi viết kịch bản tuồng hiện nay. Anh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, nhờ bén duyên với sân khấu nên cũng cầm bút tự học viết kịch bản tuồng.
Anh quan niệm: “Theo tôi, biên kịch sân khấu là nghề tự học. Nếu có đi học ở trường lớp thì cũng chỉ được đào tạo chung về phương pháp biên kịch, còn khi đi vào cụ thể thì điều kiện chính là niềm đam mê và sự tự học. Người viết kịch bản cần phải có vốn văn học, văn hóa cùng những hiểu biết về triết học, bên cạnh đó là sự trải nghiệm cuộc sống”.
Bằng cách đi xem biểu diễn, cái gì không biết thì hỏi, rồi về tự đọc giáo trình, tự học viết kịch bản, đến nay Lê Công Phượng đã viết được khá nhiều kịch bản tuồng, trong đó một vài kịch bản được giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và đã được các đơn vị dàn dựng, công diễn.
Nếu chờ đợi khoảng 5 năm, hay 10 năm để được nuôi dưỡng ước mở trở thành biên kịch sân khấu, với một số người có thể nói: “Còn là may”. Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn không có khoa biên kịch sân khấu.
Tất cả những người đang sống bằng nghề biên kịch sân khấu tại phương Nam hầu hết trưởng thành bằng cách tự học, tự nghiên cứu. Nhiều người, để thực hiện ước mơ trở thành biên kịch sân khấu phải bằng lòng đi học lớp diễn viên, đạo diễn, hoặc trở thành sinh viên Khoa Văn học hay Khoa Biên kịch điện ảnh để lấy kiến thức viết kịch bản sân khấu. Điều này thực sự là một thiệt thòi vô cùng lớn cho những ai theo đuổi ước mơ trở thành nhà viết kịch.
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh có một môi trường sân khấu khá năng động và hoạt bát. Dù khó khăn rất nhiều nhưng các sân khấu ở đây luôn tìm mọi cách để sáng đèn.
Các biên kịch sân khấu cũng thế, họ sống được bằng nghề do viết đủ các thể loại kịch bản, như kịch ngắn dành cho các hoạt động mang tính phong trào như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, dân số kế hoạch hóa gia đình, viết sitcom, kịch bản phim truyền hình, viết kịch bản cho các MV ca nhạc… Vì thế, tuy không có bằng cấp chính quy, nhưng một số tác giả tại Thành phố Hồ Chí Minh lại sống ổn với việc “chỉ toàn viết các loại kịch bản”.
Phạm Tân là một trong những tác giả như thế. Anh vốn học Khoa Diễn viên cải lương, rồi sau học thêm Khoa Đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và hiện đang sống bằng nghề biên kịch tự do. Anh từng nói vui, vì áp lực thu nhập, nên “chấp tất cả các loại kịch bản” từ MV ca nhạc, hài, sitcom, phim truyền hình đến sân khấu.
Ở lĩnh vực sân khấu, anh viết đa dạng từ đề tài lịch sử đến cận, hiện đại và tâm lý xã hội.
“Hiện ở TP Hồ Chí Minh chưa có chương trình đào tạo đại học chính quy về biên kịch sân khấu. Nếu có thì chỉ ở các trung tâm với chương trình đào tạo ngắn hạn. Song với tôi, những kiến thức đã học 7 năm tại Đại học Sân khấu Điện ảnh là vô cùng quan trọng với việc sáng tác.
Khi cần diễn tả tâm lý nhân vật, tôi tận dụng những lợi thế về diễn xuất đã học tại Khoa Diễn viên. Khi cần những thủ pháp về dàn cảnh, tôi sử dụng kiến thức được học tại Khoa Đạo diễn để kịch bản của mình tốt hơn”, tác giả Phạm Tân chia sẻ.
Việc học tập và trao đổi nghề nghiệp hiện nay chủ yếu trông chờ vào các trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức. Hiệu quả của những trại sáng tác có thể không được như mong ước của nhiều người, nhưng vẫn là cứu cánh, niềm an ủi duy nhất cho những người cầm bút viết kịch bản sân khấu.
Trước tình hình sân khấu khó khăn, nhu cầu dàn dựng mới của các nhà hát là không nhiều. Đấy là chưa kể sức sống của một kịch bản sân khấu tốt là rất lâu dài.
Nhiều nhà hát trên thế giới vẫn diễn các vở của nhà viết kịch William Shakespeare, Molie, Anton Sekhop… Có những sân khấu chỉ cần một vở diễn tốt, họ có thể sáng đèn suốt mấy chục năm. Ngay cả sân khấu Việt Nam cũng vẫn diễn những vở đã có tuổi đời cả nửa thế kỷ như của tác giả Xuân Trình, Lưu Quang Vũ…
Làm nghề biên kịch sân khấu và nhất là có thể sống được với công việc viết kịch bản sân khấu trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt cơm áo gạo tiền như hiện nay là không hề đơn giản. Chừng nào, những biên kịch sân khấu ở ta có thể vượt qua được những thách thức này thì sẽ có những tác phẩm sân khấu lôi cuốn đông đảo khán giả.
“Thiếu sót của đào tạo sân khấu miền Nam hiện nay là không có Khoa Biên kịch, dù nhu cầu của các bạn trẻ khá nhiều. Năm nào cũng có bạn đến hỏi về học biên kịch”. Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt