Lượng người đọc tăng mạnh
Phó Thủ tướng đánh giá chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh lại được cập nhật đầy đủ, minh bạch và đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người.
Minh chứng cho nhận xét này, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng, trong đại dịch Covid-19, mỗi ngày báo chí đăng phát 7.000 - 10.000 tin bài về phòng chống dịch. Lượng người đọc tăng mạnh, mỗi ngày có 20-30 triệu lượt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí vẫn là nguồn tin chính, từ đây thông tin mới được đi vào mạng xã hội (MXH), sau đó được mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn khác nhau và lan đi trong MXH.
Hiện nay, số người đọc MXH vẫn nhiều hơn số người đọc báo, cho nên tâm lý người dân vẫn bị ảnh hưởng bởi MXH. Nhưng điều tiết MXH vẫn phải thông qua báo chí, do đó báo chí vẫn là quyết định.
“Trong đợt dịch Covid-19, những giá trị căn bản của báo chí được thể hiện rõ nét như thông tin có chứng thực, đưa tin vì lợi ích cộng đồng. Chỉ khi có tình huống đặc biệt, có khó khăn, những giá trị đích thực mới được nhìn thấy.
Báo chí không chỉ là kênh truyền thông mà còn là kênh đào tạo cách chống dịch Covid-19 cho người dân rất tốt. Người dân biết rất nhiều thông tin tự bảo vệ mình thông qua báo chí.
Báo chí cũng là kênh động viên, tạo niềm tin cho người dân, nhất là niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Đây cũng là dịp để Chính phủ nhìn nhận vai trò mạnh mẽ của báo chí”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Hiện nay Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ TT&TT có chỉ đạo báo chí điều chỉnh tỷ trọng tin dịch Covid-19 cho phù hợp, có bài viết sâu hơn về phòng dịch, về cách sống trong thời dịch, các giải pháp cứu trợ của Chính phủ, các giải pháp khôi phục kinh tế, các mặt đời sống, xã hội khác.
Báo chí bị ảnh hưởng bởi đại dịch không kém ngành du lịch, giao thông
Trong đại dịch Covid-19, các cơ quan báo chí cũng là đơn vị gánh chịu những thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Tại buổi họp giao ban, nhà báo Nguyễn Đình Chúc, Phó tổng biên tập báo Lao Động chia sẻ, số lượng phát hành báo in giảm sút nghiêm trọng. Ngành hàng không dừng bay quốc tế và hạn chế số chuyến trong nước nên đã cắt giảm toàn bộ báo phát hành trên các chuyến bay.
Từ cả trước khi có Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội, nhiều cơ quan, doanh nghiệp là bạn đọc dài hạn chuyển sang làm việc online nên việc phát hành báo in không còn tác dụng, lượng lớn báo phát hành đến các trường học cũng phải tạm dừng; việc vận chuyển báo bằng đường xe khách bị chậm trễ hoặc không thể thực hiện.
Một số cơ quan báo đã phải tạm ngừng ra bản in thời gian qua.
Khó khăn thứ 2 là việc quảng cáo gần như bằng 0 do các doanh nghiệp khó khăn trăm bề nên cắt giảm mạnh chi phí quảng cáo trên báo chí.
“Nói báo chí phải quay cuồng xoay xở trong vòng xoáy của dịch Covid-19 lúc này không quá”, nhà báo Đình Chúc phát biểu.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet chia sẻ, xác định ngay từ đầu báo sẽ khó khăn về kinh doanh, nhưng sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để dồn nguồn lực cùng đất nước chống dịch. Doanh thu dự báo tiếp tục sụt giảm nhưng không vì thế mà giảm nguồn lực cho báo thực hiện công tác chống dịch.
Phóng viên VietNamNet tác nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Công |
Để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu truyền tải thông tin đến người đọc, nhiều tòa báo đã chuyển sang hoạt động online, ứng dụng công nghệ số vào điều hành tòa soạn, xây dựng các kịch bản phòng bị cho các tình huống có ca nhiễm trong cơ quan.
“Báo chí xác định coi công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm của tòa soạn trong giai đoạn này, cập nhật nhanh tình hình dịch bệnh, những khuyến cáo hữu ích cho cộng đồng, những tấm gương tiêu biểu ở tuyến đầu chống dịch ở tất cả các mặt trận y bác sĩ, quân đội, công an, tình nguyện viên, người dân… Đồng thời tuyên truyền, phát hiện kịp thời các thông tin giả mạo, xuyên tạc về dịch bệnh gây hoang mang dư luận”, ông Tuấn chia sẻ.
Nói về khó khăn của cơ quan báo chí trong đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nguồn thu của báo chí theo đánh giá chưa đầy đủ, giảm 50% hoặc hơn.
"Hơn 20.000 nhà báo, gần 45.000 người lao động của các cơ quan báo chí đang bị ảnh hưởng. Có lẽ ảnh hưởng này không kém gì ngành du lịch, giao thông trong đại dịch. Mong Chính phủ có biện pháp giúp đỡ báo chí trong lúc khó khăn này", Bộ trưởng Hùng đề xuất.
Nói về các giải pháp của Bộ, người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã sử dụng 9 tỷ ngân sách dự phòng đặt hàng cơ quan báo chí và truyền hình; huy động được 3 tỷ tiền mặt từ các doanh nghiệp ICT hỗ trợ trực tiếp cho phóng viên; các nhà mạng viễn thông vừa ra quyết định miễn phí toàn bộ kênh truyền và hosting máy chủ cho tất cả cơ quan báo chí trong tháng 4 và 5.
Bộ TT&TT ký công văn trình Chính phủ, gửi cơ quan chủ quản tăng ngân sách đặt hàng báo chí; đề nghị miễn, giảm thuế cho cơ quan báo chí cũng như xin lùi thời gian tự chủ báo chí.
Bên cạnh khó khăn trong đại dịch, Bộ trưởng cho rằng đây cũng là cơ hội đặc biệt đẩy nhanh việc chuyển đổi số cho báo chí, đưa các hoạt động của cơ quan báo chí sang online, tổ chức tòa soạn cơ động, để trong tình huống tòa soạn bị cách ly vẫn hoạt động tác nghiệp được. Hiện nay Bộ TT&TT đã đưa giới thiệu phần mềm chuyển đổi số, làm việc từ xa, làm từ nhà trên cổng TTĐT của Bộ…
"Bộ đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo cho phóng viên báo chí tác nghiệp Covid-19 được hưởng chế độ đặc thù. Khó khăn dù có, nhưng trong bất kỳ điều kiện nào, báo chí cũng xác định làm hết mình vì đất nước, vì sự nghiệp báo chí cách mạng”, Bộ trưởng Hùng khẳng định.