Niềm tin vào học bạ

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH đã mở cổng tuyển sinh nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT. So với các năm trước, số lượng học sinh chọn xét tuyển ĐH theo phương thức này gia tăng đáng kể. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đáng chú ý, trước đây việc thực hiện xét tuyển học bạ chủ yếu triển khai ở các trường tư thục và một số trường tốp dưới, còn các trường tốp trên vẫn nhiều nghi ngại, nay cũng rộng cửa tuyển sinh phương thức này với số lượng chỉ tiêu khá cao. Ngoài tiêu chí điểm số học bạ THPT, các trường còn rộng mở tiêu chí phụ đáng chú ý như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học sinh trường chuyên/THPT tốp đầu, học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TW, bài luận… Đa số học sinh giỏi, sở hữu trong tay nhiều tiêu chí phụ đã mạnh dạn nộp hồ sơ ứng thí bằng kênh này.

Sở dĩ xét tuyển bằng học bạ ngày càng thu hút các trường chọn lựa và thí sinh tham gia do về mặt kỹ thuật phương thức tuyển sinh này có nhiều ưu điểm như cách thức đơn giản, thủ tục linh hoạt, mềm dẻo. Đa số thí sinh chỉ việc tự đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của nhà trường (khai hồ sơ trên cổng thông tin, nhập điểm kết quả học tập các môn học trong tổ hợp xét tuyển). Nhà trường sẽ xét tuyển tự động, khi thí sinh trúng tuyển nhập học mới nộp hồ sơ, học bạ gốc để kiểm tra theo quy định.

Về thời gian tuyển sinh, xét học bạ là phương thức khởi động sớm nhất và cũng sớm có kết quả nhất, nên tăng thêm cơ hội cho thí sinh. Phần đông các trường xét học bạ sẽ công bố điểm dự kiến trúng tuyển trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng 3 - 4 tuần. Nếu may mắn trúng tuyển bằng kênh này, thí sinh sẽ giảm bớt áp lực trước kỳ thi. Trường hợp không trúng tuyển bằng học bạ, học sinh sẽ tăng tốc hơn cho phương thức xét điểm tốt nghiệp. Và nếu rớt phương thức xét điểm tốt nghiệp, thí sinh vẫn còn cơ hội nộp học bạ vào những trường còn chỉ tiêu cho các đợt tuyển sinh sau… 

Xu hướng tăng chỉ tiêu tuyển học bạ không chỉ thể hiện mức độ tự chủ đại học ngày càng cao, tạo thuận lợi, mở rộng cơ hội cho thí sinh mà còn phản ánh một mặt tích cực khác là các trường đại học ngày càng tin cậy vào kết quả kiểm tra, đánh giá ở bậc học phổ thông. 

Thực tế cho thấy thời gian qua bậc phổ thông đã có nhiều đổi mới trong kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực. Việc đánh giá thành tích học tập của học sinh không chỉ tập trung vào kết quả mà chú ý cả quá trình học tập. Đánh giá thành tích học tập không chỉ giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà còn chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp. Vì thế, điểm học bạ trong những năm gần đây minh chứng khá chính xác cho quá trình nỗ lực học tập và phản ánh rõ hơn năng lực của học sinh. Năm 2020, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đối sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình học bạ của học sinh ở từng địa phương. Kết quả cho thấy sự tương thích và tuyến tính giữa 2 điểm trung bình này. 

Mặc dù vẫn còn có sự chênh lệch giữa các trường trong kiểm tra, đánh giá nhưng nhà tuyển sinh cũng thấy rõ việc xét kết quả trung bình cả 3 năm lớp 10, 11, 12 đã hạn chế được tình trạng mất cân đối này. Thêm vào đó, điểm ưu tiên các tiêu chí phụ cũng củng cố thêm chất lượng đầu vào một cách toàn diện. Và quan trọng nhất là lãnh đạo nhiều trường đại học nhận thấy rõ kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển diện học bạ không khác so với thí sinh trúng tuyển theo các phương thức khác. Đầu vào mới chỉ là một yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, không phải là yếu tố quyết định. 

Cùng với những chuyển động tích cực của giáo dục phổ thông trong kiểm tra, đánh giá, hướng đến thực hiện chương trình mới, kết hợp với các điều kiện phụ, cùng những lợi thế về mặt kỹ thuật, xét tuyển bằng học bạ được các chuyên gia tuyển sinh nhận định là  có thể  mở rộng hơn trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.