Ni sư dấn thân vào hoạt động giáo dục

GD&TĐ - Dấn thân vào hoạt động an sinh, từ thiện xã hội trong các cơ sở giáo dục mầm non Phật giáo đa phần là ni giới. Họ trực tiếp đứng ra quản lý lớp, tham gia giảng dạy theo tinh thần phục vụ xã hội. 

Các ni sư tham gia đứng lớp tại một cơ sở mầm non
Các ni sư tham gia đứng lớp tại một cơ sở mầm non

Chính quyền địa phương, Học viện Phật giáo Việt Nam và Phân ban Ni giới Trung ương đã nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ chi phí đào tạo chuyên môn cũng như ăn ở, sinh hoạt cho các ni sư theo học ngành sư phạm mầm non.

Góp phần tích cực vào giáo dục mầm non

Để hỗ trợ nguồn lực cho định hướng giáo dục mầm non, từ năm 2014, Học viện Phật giáo Việt Nam đã mở lớp đào tạo chuyên ngành Giáo dục Sư phạm Mầm non theo hình thức vừa học vừa làm dành cho ni sư trẻ và nữ cư sĩ. Như vậy, Phật giáo tham gia công tác giáo dục mầm non không phải theo phong trào mà là có một sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đầy tính nhân văn cho sự nghiệp trồng người.

Ni trưởng Thích Nữ Huệ Từ - Phó ban Từ thiện xã hội TW GHPGVN kiêm Hiệu trưởng Trường mầm non Dân lập Họa Mi I (TPHCM) cho biết: “Ngành giáo dục mầm non Phật giáo là chương trình Phật sự chính thức của Phân ban Ni giới Trung ương. Mỗi lần có Phật sự, Ban Thường trực đều thuyết trình trước đại chúng nhằm khuyến khích ni trẻ quan tâm đến ngành giáo dục mầm non, đồng thời kêu gọi hỗ trợ vấn đề đầu tư trường lớp, công tác giảng dạy”.

Không chỉ thiếu thốn nguồn nhân lực, các ni sư ở cơ sở giáo dục mầm non còn phải cố gắng sắp xếp thời gian giữa việc tu học ở tự viện, phật sự trong chùa, và giảng dạy trên lớp. Bên cạnh đó, ni sư cũng tham gia công việc hoạt động trên lớp học như những giáo viên mầm non thực thụ.

Thực tế làm công tác giáo dục mầm non, ngoài đội ngũ ni giới có chuyên môn, nhiều cơ sở khác vẫn trông chờ đội ngũ giáo viên thuê ngoài. Có người làm việc nhận lương, có nhiều người phát tâm thiện nguyện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng giáo viên không chuyên, chưa có nghiệp vụ sư phạm. Nói về tình hình giáo viên tại trường mình, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Từ thừa nhận: “Hiện trường có các sư cô tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục mầm non vừa tham gia công tác quản lý vừa trực tiếp đứng lớp. Nhờ các sư cô mà trường khá ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải hợp đồng thêm cô giáo bên ngoài mới đáp ứng nhu cầu”.

Hoạt động trong cơ sở giáo dục mầm non của Phật giáo
 Hoạt động trong cơ sở giáo dục mầm non của Phật giáo

Gỡ khó để khuyến khích tôn giáo tham gia phát triển giáo dục

Theo nhận định của TS Trịnh Ngọc Thạch (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội), không thể phủ nhận vai trò to lớn của tôn giáo trong việc phát triển giáo dục mầm non, tuy nhiên, vẫn còn những cơ sở hoạt động chưa được cấp phép, sĩ số trẻ vượt quá quy định của Điều lệ trường mầm non mà không chuẩn bị điều kiện, thủ tục thành lập trường, dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chỉ gần 4%, nhiều cơ sở chưa có sự quan tâm nhất định về thủ tục hành chính, chưa được hưởng chính sách xã hội hóa giáo dục (đất đai, tín dụng…), nhiều địa phương còn khó khăn về ngân sách nên không thể hỗ trợ cho các cơ sở mầm non của tôn giáo thành lập. Việc quản lý cơ sở thường ủy thác cho các nữ tu, nhưng họ vẫn chịu sự điều động, luân chuyển của các thầy tổ, do đó ảnh hưởng ít nhiều đến công tác quản lý.

 

Kế đến, giáo dục mầm non Phật giáo đang tồn tại nhiều hình thức hoạt động khác nhau, đơn cử như mầm non tư thục miễn phí theo chương trình của Bộ GD&ĐT, mầm non tình thương do các tự viện làm chủ, và mầm non tư thục có thu phí (để duy trì hoạt động). Các cơ sở mầm non lại phân bổ không đồng đều, khu vực miền Bắc hoàn toàn vắng bóng.

Để khắc phục những khó khăn và tạo điều kiện cho Phật giáo cũng như các tôn giáo khác tham gia phát triển giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các đại diện tôn giáo phối hợp chặt chẽ, thống nhất về mặt chủ trương, hướng dẫn chuyên môn, đề xuất khung pháp lý hoàn thiện cho hoạt động của các cơ sở nói trên.

Thường kỳ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên công bố một báo cáo chung về tình hình thành lập, hoạt động, chuyển đổi các cơ sở giáo dục do mình quản lý, đồng thời, ghi nhận những nguồn tài trợ, cách thức phân bổ, vấn đề sử dụng đất đai, điều phối nhân sự một cách công khai minh bạch. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phải hỗ trợ tích cực về thủ tục cho các cá nhân có nguyện vọng đóng góp, tài trợ cho hoạt động giáo dục của tổ chức tôn giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ