Vĩnh Phúc nối dài thành tựu giáo dục, tạo đà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2018 - 2019 ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT, SGKGDPT) để đạt được nhiều thành quả. 

Ông Nguyễn Kim Khải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khen thưởng các HSG quốc gia
Ông Nguyễn Kim Khải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khen thưởng các HSG quốc gia

Nhà giáo Nguyễn Văn Huyến - Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã khẳng định ý nghĩa của những thành quả trong năm học, góp phần tạo đà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.

* Thưa ông, đâu là những thành quả nổi bật trong năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục Vĩnh Phúc?

- Những thành quả nổi bật phải kể đến như: Thực hiện Nghị quyết của T.Ư và Đề án của Tỉnh ủy, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc đã tích cực sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đảm bảo đúng lộ trình, giữ nguyên CSVC, liên thông tối đa đội ngũ giáo viên giữa các trường góp phần khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ. Kế đến là tập trung đầu tư CSVC, đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia của tỉnh tăng cao: 100% trường mầm non, tiểu học công lập của tỉnh đạt chuẩn quốc gia, có 93,9% trường THCS, 87,1% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Đáng chú ý là Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc được tỉnh đầu tư xây mới có CSVC đồng bộ, hiện đại với tổng mức đầu tư 473 tỷ, dự kiến hoàn thành quý II năm 2020.

Vĩnh Phúc là tỉnh luôn quan tâm đến phát triển đội ngũ CBQL, giáo viên - Nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục; Là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thi thăng hạng giáo viên hạng III lên hạng II, đồng thời cho cả bậc mầm non, và các bậc học phổ thông; 100% CBQL, giáo viên của tỉnh được bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học, năng lực ngoại ngữ, nhất là giáo viên dạy Toán và môn KHTN thực hiện thí điểm song ngữ tại một số trường THCS và THPT. Trong năm học 2018 - 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng đến công tác tuyển dụng giáo viên. Là 1 trong 21 tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước, tháng 2/2019 Vĩnh Phúc đã tổ chức tuyển mới 833 giáo viên trong chỉ tiêu đã góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên ở bậc học mầm non và cấp tiểu học.

Nhằm động viên, khích lệ giáo viên dạy giỏi, HSG các cấp, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức thưởng HSG cấp quốc gia, quốc tế; Theo đó học sinh đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, giải Khuyến khích các kỳ thi quốc tế được thưởng tương ứng từ 400 - 300 - 200 - 150 triệu; Giáo viên được thưởng bằng 80% mức thưởng của học sinh theo Nghị quyết này. Kết thúc năm học 2018 - 2019, học sinh của tỉnh tham dự kỳ thi chọn HSG quốc gia đã có 79 em đoạt giải, chiếm tỷ lệ 87,8% - Đây tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay; Đặc biệt đã có 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế. Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Vĩnh Phúc đạt tỷ lệ 97,83% học sinh đỗ tốt nghiệp với điểm trung bình các môn thi đạt 5,81 điểm, xếp thứ 6 cả nước.

* Để có những thành quả trên, Sở đã có những giải pháp trọng tâm nào trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ năm học?

- Để đạt được những thành quả trên, Sở GD&ĐT đã bám sát Chỉ thị, nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh để tổ chức thực hiện; Cụ thể: Trong đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực GD-ĐT, Sở đã đẩy mạnh giải pháp khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục: 100% các trường xây dựng chuẩn mực đạo đức nhà giáo, nội quy học sinh phù hợp để thống nhất thực hiện; Tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở, các cấp quản lý giáo dục; Tăng cường công tác thanh kiểm tra, tập trung vào công tác quản lý của người đứng đầu; giải quyết dứt điểm những sai phạm và các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc xã hội.

“Để tiếp tục tạo sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, trong năm học mới ngành sẽ tập trung thực hiện: Tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống cho CBQL, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, nâng cao tính tự trọng nghề nghiệp, ý thức dạy thật, học thật, thi thật để có kết quả thật từ đó có giải pháp đúng nhằm nâng cao chất lượng trong dạy - học”.

  • Nhà giáo Nguyễn Văn Huyến
  • Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Tiếp đó là giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý giáo dục; tăng cường công tác chấn chỉnh, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, ý thức chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ CBQL, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới GD-ĐT; Thực hiện quy hoạch, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ ở các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đi cùng với đó là thực hiện giải pháp tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT; Sở đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh bố trí ngân sách GD-ĐT theo quy định; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng năng lực đội ngũ, tăng cường đầu tư CSVC, trang thiết bị tin học, ngoại ngữ, công trình vệ sinh, nước sạch…

Ngành Giáo dục Vĩnh Phúc cũng đã tích cực chỉ đạo tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng các kỳ thi, kiểm tra đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế. Thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục, huy động sự vào cuộc của toàn thể các cấp ủy Đảng, chính quyền đồng hành cùng với ngành GD-ĐT nâng cao chất lượng giáo dục...

Để nối dài những thành quả giáo dục đã đạt được, trong năm học mới, đâu là những mục tiêu ngành Giáo dục Vĩnh Phúc hướng đến, giải pháp nào sẽ được ngành đẩy mạnh để tiếp tục tạo sự đột phá, thúc đẩy công cuộc đổi mới?

- Trong những năm vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của T.Ư, của Bộ GD&ĐT, của tỉnh, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc luôn nhất quán lấy xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia làm trục xuyên suốt, là mục tiêu phấn đấu của ngành về CSVC, thiết bị, đội ngũ.... Về chất lượng giáo dục trường chuẩn quốc gia đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà đi đôi với phát triển giáo dục năng khiếu, giáo dục chất lượng cao.

Để tiếp tục tạo sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, trong năm học mới ngành sẽ tập trung thực hiện: Tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống cho CBQL, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, nâng cao tính tự trọng nghề nghiệp, ý thức dạy thật, học thật, thi thật để có kết quả thật từ đó có giải pháp đúng nhằm nâng cao chất lượng trong dạy - học;

Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh; Ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện bệnh thành tích; Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư CSVC, thiết bị trường học theo hướng đồng bộ, hiện đại chuẩn bị cho thực hiện CT, SGKGDPT mới. Tăng cường thanh, kiểm tra công tác quản lý đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp mạng lưới các cơ sở GD-ĐT; bố trí, sắp xếp, luân chuyển CBQL, GV, nhân viên hợp lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT.

* Năm học mới sẽ là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện thực hiện CTGDPT mới theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Kế hoạch của Bộ GD&ĐT, vậy ông có thể cho biết Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã tham mưu cho tỉnh về công tác chuẩn bị như thế nào?

- Với nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu của CTGDPT mới cùng với khối lượng công việc cần phải tích cực chuẩn bị để triển khai CTGDPT mới vào năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo triển khai CT, SGKGDPT mới; Ban hành Kế hoạch triển khai đồng bộ, đồng tốc theo lộ trình của Bộ GD&ĐT; giao nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành, cơ quan liên quan cùng phối hợp thực hiện; Bố trí kinh phí cho việc đầu tư CSVC, thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ, tổ chức biên soạn nội dung giáo dục địa phương thực hiện CTGDPT mới.

* Cho đến nay, tiến độ các công tác chuẩn bị trên đây được thực hiện như thế nào? Những công tác nào tỉnh sẽ ưu tiên triển khai trong năm học mới để đẩy mạnh sự chuẩn bị, đảm bảo đồng bộ, đồng tốc với những công tác của Bộ GD&ĐT trong triển khai CTGDPT mới?

Triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT; tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; Tăng cường CSVC bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; Ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai CT, SGKGDPT mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho HSSV, bảo đảm an toàn trường học.

* Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.