Chương trình giáo dục phổ thông mới: Dành điều kiện thuận lợi cho giáo dục tiểu học

GD&TĐ - Năm học vừa qua, giáo dục tiểu học (GDTH) cả nước có nhiều khởi sắc, giữ vững và phát huy các thành quả phổ cập giáo dục, các điều kiện dạy - học được củng cố ngày càng tốt hơn; Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục hiện hành theo hướng đổi mới, tích cực chủ động chuẩn bị các điều kiện cho việc đưa CT, SGK GDPT mới vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021…

Ảnh minh họa: Thế Đại
Ảnh minh họa: Thế Đại

Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã nêu bật những thành quả của cấp tiểu học và nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm đối với các địa phương trong năm học mới.

Bảo đảm các mục tiêu giáo dục - Tạo nền tảng vững chắc cho học sinh

* Thưa ông, ông có thể đánh giá lại những kết quả mà GDTH đã đạt được trong năm học vừa qua?

- Có thể nói rằng trong năm học, các mục tiêu quốc gia đối với cấp tiểu học được duy trì, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Cơ sở vật chất được quan tâm và đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ trong độ tuổi và thực hiện đổi mới giáo dục ở cấp tiểu học. Toàn cấp học đã chú trọng vào đổi mới cách kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 30, sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 22 đạt hiệu quả, được phụ huynh học sinh đồng thuận. Công tác dạy học tiếng Anh, dạy tiếng Anh tăng cường, dạy Tin học đã được đặc biệt chú trọng.

Trong năm học vừa qua, GDTH tiếp tục vận dụng các thành tựu về khoa học giáo dục của khu vực và thế giới vào điều kiện thực tế của Việt Nam một cách hiệu quả như: Phương pháp “Bàn tay nặn bột”, Phương pháp dạy học Mỹ thuật của Đan Mạch, Mô hình Trường học mới... Các điều kiện dạy và học tiếp tục được tăng cường: Toàn quốc hiện có 15.525 trường tiểu học, đã có 9.125 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 60,6%, trong đó có 1.783 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt tỉ lệ 11,8%). Hiện tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày của cả nước đạt trên 80%.

Những thành tựu và kết quả của GDTH năm học vừa qua được đánh giá cao trong khu vực: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% - đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN sau Singapore. Tỷ lệ HS đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở top đầu của khối ASEAN.

Về đội ngũ, hiện cả nước có gần 400.000 giáo viên tiểu học; Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn đạt 99,9%, (59,63% giáo viên có trình độ ĐH và trên ĐH). Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và bước đầu đã được làm quen về đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở cấp tiểu học. Tỉ lệ giáo viên/lớp của cả nước đạt bình quân 1,42 GV/lớp, tỉ lệ này đủ đáp ứng tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày.

Năm học vừa qua, học sinh tiểu học của Việt Nam tham gia các cuộc thi trong khu vực và quốc tế như: Thi Toán APMOS, IMC, thi Robotics, Cờ vua… học sinh tiểu học của Việt Nam đều đạt thứ hạng cao. 

Cô và trò Trường Tiểu học Vân Phú (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đang gieo vần trong giờ học Tiếng Việt lớp 1.
  • Cô và trò Trường Tiểu học Vân Phú (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đang gieo vần trong giờ học Tiếng Việt lớp 1.

Hoàn tất chuẩn bị các điều kiện thực hiện CT, SGK GDPT mới

* Năm học mới là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để đưa CT, SGK GDPT mới vào giảng dạy ở lớp 1 cấp tiểu học từ năm học 2020 - 2021, ngoài việc ưu tiên thực hiện các công tác chuẩn bị, ông có lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm nào đối với giáo dục các địa phương trong năm học mới?

- Trong năm học, các địa phương cần tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/1/2019 về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT mới. Để chuẩn bị, các địa phương cần tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Hiện tỷ lệ phòng học cấp tiểu học cả nước đạt bình quân 0,89 phòng/lớp; Để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày cấp tiểu học tỷ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/1 phòng học). Tỷ lệ học sinh tiểu học 2 buổi/ngày toàn quốc hiện nay trên 80%. Nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ 100% lớp học 2 buổi/ngày; Nhưng tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp ở các tỉnh miền núi hoặc tỉnh có đông học sinh dân tộc thiểu số và khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp.

Các địa phương cần tập trung ưu tiên chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện CTGDPT mới. Hiện tỷ lệ giáo viên toàn quốc là 1,42 cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, tuy nhiên số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều, có hơn 59 nghìn giáo viên chưa được xét tuyển biên chế chính thức. Trong đó, số lượng giáo viên đối với các môn học mới ở tiểu học khi thực hiện CT mới chưa đáp ứng yêu cầu như môn tiếng Anh, Tin học.

Tiếp đó là các địa phương phải phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện CTGDPT mới; Tổ chức phối hợp thực hiện Kế hoạch tập huấn theo các chương trình, kế hoạch mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Cụ thể có các đối tượng sau: Giáo viên cốt cán: Mỗi tỉnh có 2 CBQL cấp sở, 1 CBQL cấp phòng GD&ĐT, mỗi trường tiểu học có 1 giáo viên được cử đi bồi dưỡng thực hiện chương trình.

Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT.
  • Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT.

Đến năm học 2020 - 2021, 100% giáo viên giảng dạy lớp 1 phải được bồi dưỡng để dạy CTGDPT mới. Cụ thể phải bồi dưỡng cho ba đối tượng: Giáo viên dạy môn chung, giáo viên dạy âm nhạc, giáo viên dạy mỹ thuật (toàn quốc dự kiến năm học 2020 - 2021 có khoảng 63.500 giáo viên lớp 1).

Số lượng này các địa phương phải chủ động thực hiện bồi dưỡng bằng ngân sách địa phương và phải thực hiện xong trước tháng 12/2019 để sau đó sẽ dành thời gian tập huấn sử dụng SGK GDPT mới. Các địa phương xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên theo định hướng trên và tham mưu phương án bố trí kinh phí để thực hiện bồi dưỡng cho các đối tượng đúng theo tiến độ.

Công tác rất quan trọng tiếp theo là các địa phương trong thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối với cấp tiểu học phải tuân thủ theo quy định của CTGDPT mới. Toàn quốc hiện có 15.525 trường/11.162 đơn vị hành chính cấp xã, trung bình có 1,39 trường tiểu học/xã; Có 15.482 điểm trường. Nhiều trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng miền núi).

Với qui mô trường và điểm trường như trên, việc thực hiện sáp nhập các trường tiểu học có quy mô nhỏ lại với nhau hoặc sáp nhập trường tiểu học với trường THCS có quy mô nhỏ, hoặc sáp nhập các điểm trường lại với nhau là điều cần thiết và đúng với chủ trương chỉ đạo hiện nay theo Nghị quyết 18, 19 của Đảng. Tuy nhiên khi thực hiện phải dựa trên nguyên tắc “Tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; phù hợp với quy hoạch đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Một giờ học của cô và trò Trường Đoàn Thị Điểm Hà Nội.
  • Một giờ học của cô và trò Trường Đoàn Thị Điểm Hà Nội.

Những rào cản cần được tháo gỡ

* Trong năm học tới, theo ông nhìn nhận bậc tiểu học đang gặp những khó khăn như thế nào, những tồn tại, hạn chế nào đang là rào cản để GDTH phát triển?

- Có nhiều mặt công tác cần phải khắc phục trong năm học tới, đơn cử như: Cán bộ quản lí giáo dục ở một số đơn vị thiếu chủ động, chưa tích cực trong công tác tham mưu nhiệm vụ GDTH; Tại một số địa phương, việc phân cấp quản lí giáo dục chưa hợp lí, chưa phát huy được tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và sáng tạo của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Vì vậy, một số cán bộ quản lí chưa mạnh dạn đổi mới giải pháp quản lí, đổi mới phương pháp giáo dục của cấp học; chưa mạnh dạn thực hiện những chủ trương đổi mới của ngành; chưa tạo động cơ, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên.

Tỷ lệ giáo viên hợp đồng chưa được xét tuyển chính thức còn nhiều (khoảng 15%) nên chưa yên tâm công tác. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; Cơ cấu đội ngũ chưa hợp lí, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn chuyên như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn yếu; việc tiếp cận thông tin của giáo viên vùng khó khăn còn hạn chế.

Việc thực hiện giảm áp lực cho giáo viên (áp lực công việc, sổ sách, dư luận, áp lực điểm số từ phía phụ huynh học sinh, sĩ số lớp học, môi trường làm việc dân chủ...) chưa được các cấp quản lí chú trọng chỉ đạo thực hiện.

Việc đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp và theo Nghị định 56/2015/NQ-CP ở một số trường tiểu học còn hình thức, chưa phản ánh đúng năng lực và hiệu quả công việc... chưa tạo được động lực để giáo viên phấn đấu vươn lên; công tác bồi dưỡng giáo viên chưa hiệu quả.

Cùng với đó là bất cập trong các công tác quản lí các trường có yếu tố nước ngoài, các chương trình tích hợp, giáo dục kỹ năng sống, quản lý về dạy thêm, học thêm... cần được quan tâm giải quyết bằng những giải pháp tổng thể, đặc biệt đối với GDTH.

* Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.