Những yếu tố giúp “chặn đứng” Covid lây lan

GD&TĐ - Ngăn chặn việc người mắc không lây thêm cho ai. Phát hiện người đang mắc và ủ bệnh. Chú trọng xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện ai là người đang mắc bệnh.

Người dân Hải Dương xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.
Người dân Hải Dương xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.

Đó là những yếu tố tiên quyết giúp chặn đứng sự lây lan của đợt bùng phát lần này.

Khoanh “trúng” ổ dịch

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi nhân dân ở vùng có dịch, cụ thể ở khu vực Chí Linh, Đông Triều, một phần của Kinh Môn và Nam Sách (Hải Dương) dùng tối đa các phương tiện, công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin truy vết về những người đã tiếp xúc với mình trong khoảng thời gian từ đầu năm 2021 đến nay.

Phó Thủ tướng kêu gọi những người xuất phát từ các khu vực trên, dù đang ở đâu, cũng khai báo y tế và cung cấp thông tin truy vết.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh hiện nay tại Hải Dương, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Thành công bước đầu của “chiến dịch” lần này là từ nhận định của GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế và PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong việc “bắt” trúng ngay ổ dịch”.

Do đó, ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam đã được khoanh vùng kịp thời. Theo ông Khoa, đây là bước quyết định cho việc dập dịch thành công.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng nhanh chóng xây dựng bệnh viện dã chiến, góp phần quan trọng điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Kiên - Chủ tịch UBND TP Chí Linh khẳng định, những người thuộc diện tiếp xúc gần như F1, F2 đã được truy vết, điều tra. Người thuộc diện F1 đã được cách ly 100%. 

Virus không “thắng” khẩu trang

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), lý do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn là bởi, thời gian ủ bệnh trung bình ngắn lại.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác là virus sẽ nhân lên trong vùng hầu họng người mắc nhanh và nhiều hơn. Như vậy, virus sẽ phát ra ngoài nhiều hơn.

“Dù có lây lan mạnh cỡ nào, SARS-CoV-2 cũng là virus hô hấp. Và nó không thể thắng được khẩu trang”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Chia sẻ về thời gian đợt dịch chấm dứt, bác sĩ Khanh nhận định, điều này phụ thuộc vào việc người mắc không lây thêm cho ai. Yếu tố quan trọng khác là phát hiện người đang mắc và ủ bệnh. Đây là những yếu tố quyết định, “chặn đứng” Covid-19.

Bên cạnh đó, cần chú trọng xét nghiệm nhanh, nhằm phát hiện ai là người đang mắc bệnh. Theo chuyên gia này, hiện nay Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực xét nghiệm và lấy mẫu.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, các ca mắc Covid-19 đợt này là trường hợp nhiễm virus ngoài cộng đồng. Trong khi đó, ở những đợt bùng phát trước, các ca mắc xảy ra ở bệnh viện hoặc những nơi có thể truy vết dễ dàng hơn. Do đó, chuyên gia này nhận định, trong trận chiến chống Covid-19 hiện tại, việc truy vết và khoanh vùng, dập dịch sẽ cam go và khó khăn hơn.

Ông Nga nhận định, hai ca mắc Covid-19 là BN 1552 và BN 1553 là khởi đầu của một đợt bùng phát trong cộng đồng. Bởi, tới nay, F0 vẫn chưa được phát hiện. Đặc biệt, những ca bệnh này xuất hiện ở hai tỉnh khác nhau. Thậm chí, nhiều ca bệnh không có triệu chứng và có thể đi lại trong cộng đồng. Từ đó, gây khó khăn trong việc kiểm soát.

“Thêm vào đó, các ca này nhiễm loại virus SARS-CoV-2 biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn”, PGS Nga nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, tại thời điểm giáp Tết âm lịch, người dân thường di chuyển nhiều. Đây cũng là một trong những lý do khiến virus dễ phát tán từ vùng này qua vùng khác. Ngoài ra, giáp Tết còn là lúc người dân tụ tập, tổ chức lễ hội, liên hoan. Đây là những nơi dễ lây lan mầm bệnh.

“Thời tiết lạnh cũng tạo điều kiện cho virus tồn tại lâu hơn trong môi trường. Sức đề kháng của người dân giảm sút làm cơ thể dễ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, lần này, thể virus mới lây lan nhanh hơn”, ông Nga cảnh báo.

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng nhất hiện tại là khởi động lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch trên cả nước. Tất cả mọi người dân cần nghiêm túc thực hiện khuyến cáo “5 K” của Bộ Y tế. Chính quyền các địa phương có biện pháp hạn chế hoặc ngừng tổ chức sự kiện tập trung đông người trong dịp Tết. Các cơ sở y tế tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn bệnh viện phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm các quy định phân loại, phân luồng, xét nghiệm bệnh nhân nhập viện. Quan tâm đặc biệt tới nhóm người cao tuổi và có bệnh nền.

Các nhân viên làm việc tại sân bay có người nhập cảnh cần được xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ