Những “tư vấn viên” đặc biệt tại Trung Quốc

GD&TĐ - Trong 30 năm, Yu Huajian đi khắp các ngôi làng nông thôn Trung Quốc để tuyên truyền chính sách “một con”, phát hiện người vi phạm và giám sát xử lí. 

Những “tư vấn viên” đặc biệt tại Trung Quốc

Tuy nhiên, sau khi chính sách “một con” bị hủy bỏ hồi tháng 10 năm ngoái, hàng ngàn nhân viên như Yu chuyển sang công việc mới – tư vấn giáo dục.

Nhiệm vụ mới

Sự thay đổi công việc có vẻ đột ngột nhưng Yu cho rằng mình luôn làm những điều mà các nhà lãnh đạo nghĩ rằng tốt nhất cho đất nước. “Giờ đây chúng tôi tập trung vào hỗ trợ giáo dục sớm (GD trẻ trước tuổi tới trường)” – Yu nói – “Điều đó rất có ý nghĩa”.

Có nhiều người dân làng miễn cưỡng mở cửa cho Yu vào nhà, có lẽ bởi công việc của Yu trong quá khứ. Nhưng nhiều người tại Zhen An, một xã có 11.000 dân tại tỉnh Thiểm Tây, miền Trung Trung Quốc, chào đón công việc mới của Yu.

Wang Fei, 24 tuổi, làm việc tại một trạm xăng với lương tháng 230 USD và gửi đứa con 1 tuổi cho mẹ nuôi, cho biết: “Trẻ quê có quá nhiều thiệt thòi so với thành thị, chúng tôi không thể chăm sóc chúng tốt, sự đóng góp giáo dục sớm cho trẻ của các cựu tư vấn viên kế hoạch hóa gia đình rất có ý nghĩa”.

Khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị Trung Quốc đã nới rất rộng trong nhiều thập kỉ bùng nổ tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người tại nông thôn chỉ khoảng 1.750 USD so với 4.770 USD của người thành thị. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh nông thôn khoảng 3%, so với 63% tại thành phố - theo Bộ Giáo dục Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Khoảng cách này là một trong những áp lực buộc chính phủ Trung Quốc chuyển đổi nền kinh tế từ sử dụng lao động kĩ năng thấp sang nền kinh tế sử dụng nhân lực tay nghề cao.

Gánh nặng quá sức

Tại kì họp Quốc hội hồi tháng 3, các đại biểu đã hối thúc chính phủ trung ương đầu tư vào giáo dục. Trung Quốc chi 4% tổng sản phẩm quốc nội cho GD năm 2011, năm gần đây nhất công bố số liệu – so với 5,2% tại Mỹ và 6,5% tại Thụy Điển.

“Những con đường cao tốc đã được trải nhựa, những tòa cao ốc đã được xây dựng, giờ đây chúng ta cần nguồn nhân lực chất lượng cao” – Shi Yaojiang, giảng viên kinh tế tại Đại học Nhân dân Thiểm Tây - nói: “Sự thua kém của người nông thôn bắt đầu ngay từ những năm tháng thơ ấu. Nhiều trẻ được chăm sóc bởi ông bà già yếu, không có kĩ năng bởi cha mẹ lên thành phố làm việc”.

Trong bối cảnh ngân sách cho GD hạn chế và cần thiết bổ sung ngay nguồn lực cho GD sớm trẻ em tại nông thôn – chuyển đổi nhiệm vụ của đội ngũ tuyên truyền viên kế hoạch hóa gia đình là giải pháp tình thế hiệu quả.

Việc chuyển đổi nói trên đã được thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố - theo Ủy ban Kế hoạch hóa và Sức khỏe quốc gia. Cai Jianhua, Giám đốc chương trình đào tạo của Ủy ban, kêu gọi lãnh đạo cấp cao chuyển trọng tâm công tác của Ủy ban sang phát triển GD sớm và tăng ngân quỹ để xây dựng các trung tâm giáo dục sớm trên cả nước.

Về phía Ủy ban thì cho rằng trách nhiệm tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình vẫn là nhiệm vụ chính. Chính sách một con đã kết thúc nhưng Trung Quốc vẫn áp đặt chính sách “2 con” – nghĩa là đội ngũ tuyên truyền viên vẫn có trách nhiệm kiểm soát sinh sản.

Theo Cai Jianhua, không còn khoản tiền phạt từ những người vi phạm chính sách một con, Ủy ban Kế hoạch hóa và Sức khỏe quốc gia cũng không còn kinh phí hoạt động. Với đội ngũ tuyên truyền viên này, ngoài tham gia GD sớm, họ cũng có thể đóng góp vào chăm sóc người già…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ