Những triệu chứng thường gặp khi bị quai bị

GD&TĐ - Thông thường, các triệu chứng bệnh quai bị thường xuất hiện sau 2 - 3 tuần tính từ thời điểm nhiễm virus và giảm dần trong tuần tiếp theo.

Giai đoạn ủ bệnh ở người mắc quai bị thường kéo dài khoảng 14 - 24 ngày. Ảnh minh họa: ITN
Giai đoạn ủ bệnh ở người mắc quai bị thường kéo dài khoảng 14 - 24 ngày. Ảnh minh họa: ITN

Thông thường, các triệu chứng bệnh quai bị thường xuất hiện sau 2 - 3 tuần tính từ thời điểm nhiễm virus và giảm dần trong tuần tiếp theo. Một bên hoặc cả hai bên tuyến nước bọt mang tai bị sưng đau là triệu chứng đặc trưng của bệnh quai bị.

Bệnh trải qua 4 giai đoạn

Tại Việt Nam, bệnh quai bị tản phát quanh năm, nhưng thường tập trung vào những tháng Thu - Đông ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên, với tỷ lệ mắc bệnh dao động trong khoảng 10 đến 40 trường hợp trên 100 nghìn dân.

Tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp, nhưng nếu người bệnh chủ quan chậm trễ điều trị có thể khiến bệnh trở nặng và gây nên nhiều biến chứng khó lường. Quai bị là căn bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây nhiều biến chứng khó lường.

Theo BSCKI Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, thông thường, các triệu chứng bệnh quai bị thường xuất hiện sau 2 - 3 tuần tính từ thời điểm nhiễm virus và giảm dần trong tuần tiếp theo.

Một bên hoặc cả hai bên tuyến nước bọt mang tai bị sưng đau là triệu chứng đặc trưng của bệnh quai bị. Nhiều trường hợp nặng còn sưng đau tới tận góc xương hàm dưới của mang tai.

Bệnh trải qua 4 giai đoạn với nhiều triệu chứng khác nhau. Cụ thể, giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài khoảng 14 - 24 ngày. Ở giai đoạn này, người bệnh hầu như không có triệu chứng lâm sàng. Sang đến giai đoạn khởi bệnh, các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột.

Khi đó, người bệnh có thể đau đầu, khó chịu, ăn kém, suy nhược, sốt nhưng không cao, không gây lạnh run. Ngoài ra, một số triệu chứng khác bao gồm: Họng và góc hàm bị đau; Đau ở góc dưới của xương hàm. Tuyến mang tai sưng to dần, đau nhức (nhất là khi nhai hoặc thăm khám).

Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh thường sưng to và đau nhức một bên tuyến mang tai rồi lan dần sang bên đối diện và các tuyến nước bọt khác. Bệnh nhân cũng có thể bị sốt cao 39 - 40 độ C trong 3 ngày đầu mắc quai bị. Tình trạng này dễ gặp nhất ở những trường hợp bị viêm tinh hoàn, viêm màng não.

Người mắc quai bị cũng sẽ chán ăn, đau đầu, nói khó, khó nuốt, đau bụng. Một tuần sau, người bệnh sẽ thấy giảm đau và giảm sưng tuyến mang tai. Các triệu chứng đau họng, đau đầu hay khó nuốt cũng giảm dần rồi từ từ biến mất. Đây là khi người mắc quai bị bước vào giai đoạn hồi phục.

Theo bác sĩ Dương Ngọc Vân, những trường hợp triệu chứng quai bị thể hiện bên ngoài tuyến nước bọt sẽ khiến hệ thần kinh bị tổn thương. Với trường hợp viêm não, người bệnh sẽ bị ớn lạnh, sốt cao, đôi khi lạnh run, nôn ói, nhức đầu, đau bụng, tinh hoàn cứng, đau nhức và sưng to, da bìu đỏ.

Trường hợp viêm màng não, triệu chứng thường xuất hiện sau viêm tuyến mang tai với các biểu hiện như: Nhức đầu, sốt cao, nôn ói, rối loạn hành vi tác phong, cổ cứng, co giật. Tuy nhiên, người bị viêm tụy cấp do quai bị thường không có triệu chứng. Nếu bị nặng sẽ tạo nang giả với biểu hiện nôn, đau thành bụng, sốt cao, trụy mạch…

Nếu không chăm sóc, nghỉ ngơi và điều trị đúng cách, quai bị có thể tiến triển gây viêm cho cơ quan sinh dục, cụ thể là viêm tinh hoàn ở nam giới.

Biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị được cho là xảy ra ở người có sức đề kháng kém, virus không bị tiêu diệt hết mà phát triển và di chuyển xa, xâm nhập gây bệnh đến tụy tạng, tinh hoàn. Khi tiến vào tinh hoàn, virus quai bị sẽ làm tổn thương ống sinh tinh, gây phù nề, thương tổn.

Thông thường, viêm tinh hoàn do quai bị tiến triển trong khoảng từ 2 - 4 ngày. Sau đó, cảm giác đau và tình trạng sưng to giảm dần rồi biến mất. Thời gian biến chứng này có thể ngắn hoặc dài hơn tùy vào tình trạng sức khỏe và hiệu quả điều trị.

Đôi khi viêm tinh hoàn đã qua đi nhưng tổn thương ở ống sinh tinh do virus gây ra vẫn còn, làm tăng nguy cơ tổn thương vỡ khi vận động, teo tinh hoàn tiến triển thành vô sinh. Do đó, người mắc bệnh quai bị nếu có dấu hiệu bất thường ở tinh hoàn thì cần nhanh chóng điều trị, tránh gây tổn thương nặng không phục hồi.

Khi phát hiện mắc quai bị, người bệnh nên cách ly trong khoảng 2 tuần. Ảnh minh họa: INT

Khi phát hiện mắc quai bị, người bệnh nên cách ly trong khoảng 2 tuần. Ảnh minh họa: INT

Phương pháp xét nghiệm phổ biến

Chia sẻ về xét nghiệm quai bị, BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, nhìn chung, kết quả xét nghiệm đóng vai trò không lớn trong chẩn đoán bệnh này.

Bởi, triệu chứng lâm sàng của bệnh khá điển hình. Thông thường, người mắc bệnh quai bị được chỉ định làm xét nghiệm trong những trường hợp thật sự cần thiết hoặc phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

Để phân lập virus, các bác sĩ sẽ lấy những mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân như máu, nước bọt, dịch não tủy. Trong đó, máu và dịch não tủy được thu thập ở giai đoạn sớm trong khoảng từ 0 đến 7 ngày, hoặc muộn hơn từ 14 đến 21 ngày, để làm xét nghiệm tìm kháng thể IgM hoặc biến động hiệu giá kháng thể IgG.

Các phương pháp xét nghiệm bệnh quai bị thường được ứng dụng tại nước ta là: CI – cố định bổ thể, NT – trung hòa đám hoại tử, ELISA – miễn dịch gắn men có khả năng phát hiện kháng thể quai bị trong máu hoặc dịch não tủy, IFA – miễn dịch huỳnh quang gián tiếp có khả năng phát hiện kháng nguyên và kháng thể đặc hiệu.

Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, khi phát hiện mắc quai bị, người bệnh nên cách ly trong khoảng 2 tuần. Trong trường hợp bệnh nhẹ, người mắc có thể được cách ly và điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của các cơ sở y tế.

Trong thời gian cách ly, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc, thường xuyên đeo khẩu trang. Đồ dùng cá nhân của người bệnh và dụng cụ y tế có liên quan cần phải được khử khuẩn bằng dung dịch cloramin 2% hoặc các chất khử khuẩn khác.

Sau khi hết thời gian cách ly, các dụng cụ cá nhân của người bệnh và buồng bệnh cần được khử khuẩn lần cuối để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Những thói quen sinh hoạt cùng các phương pháp hỗ trợ phù hợp cũng có thể giúp giảm triệu chứng của bệnh quai bị.

Điếc vĩnh viễn là một biến chứng rất hiếm gặp, có tỷ lệ 2/10.000 trường hợp bệnh. Biến chứng này chủ yếu xảy ra ở giai đoạn khởi phát của bệnh vì virus quai bị khiến cho ốc tai bị tổn thương.

Trong trường hợp này người bệnh thường sẽ bị điếc vĩnh viễn. Một số biến chứng hiếm gặp khác do quai bị gây ra có thể kể đến như: Viêm đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp... Phụ nữ mang thai trong 12 - 16 tuần nếu bị quai bị rất dễ sảy thai.

Do quai bị là bệnh nhiễm trùng siêu vi nên nếu phát hiện triệu chứng quai bị từ sớm thì rất dễ điều trị hiệu quả. Bởi, phương pháp chính vẫn là điều trị triệu chứng, cải thiện thể trạng cũng như theo dõi để phát hiện điều trị biến chứng từ sớm (nếu có).

Các triệu chứng quai bị rất dễ nhầm lẫn với sưng tuyến nước bọt hoặc hạch bạch huyết do cúm. Một số trường hợp bị quai bị chỉ xuất hiện vài triệu chứng không đặc hiệu hoặc không có triệu chứng gì. Bác sĩ Dương Ngọc Vân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ