Người trưởng thành có thể vô sinh do quai bị

GD&TĐ - Nguy cơ quai bị gây tổn thương tinh hoàn ở người trưởng thành chiếm tới 20 - 30%, có thể gây tổn thương một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn.

Bác sĩ Phan Chí Thành khám cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC
Bác sĩ Phan Chí Thành khám cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC

Trong trường hợp này, hậu quả thường rất nghiêm trọng, có thể gây tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn, làm mất khả năng sinh tinh.

Nguy cơ tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn

Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp nam thanh niên 25 tuổi đến khám vô sinh hiếm muộn. Bệnh nhân lập gia đình 2 năm nhưng chưa có con.

Qua khai thác bệnh sử, nam thanh niên cho biết, năm 17 tuổi bị quai bị sưng đau xuống tinh hoàn, gia đình đưa cậu đi khám tại bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ điều trị giảm đau, kháng viêm, tình hình sưng đau tinh hoàn dịu đi khá nhanh. Sau điều trị vài hôm, bệnh nhân được ra viện.

Tuy nhiên, khi thăm khám, bác sĩ Thành phát hiện hai tinh hoàn của bệnh nhân đã teo nhỏ. Tiến hành xét nghiệm thì không còn tinh trùng trong tinh dịch. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh của bệnh nhân.

Cụ thể, tinh hoàn không còn sản sinh được tinh trùng do tình trạng viêm tinh hoàn sau quai bị. Bác sĩ Thành nhận định, với trường hợp này, bệnh nhân có thể sẽ phải xin tinh trùng của người khác nếu muốn có con.

Cũng theo chuyên gia này, qua thực tế lâm sàng, có nhiều người trưởng thành mắc quai bị. Nguy cơ quai bị gây tổn thương tinh hoàn ở người trưởng thành khá cao, chiếm tới 20 - 30%, có thể gây tổn thương một bên hoặc cả 2 bên tinh hoàn. Trong trường hợp này, hậu quả thường rất nghiêm trọng, có thể gây tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn, làm mất khả năng sinh tinh của tinh hoàn.

Theo bác sĩ Thành, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, các bạn nam trẻ tuổi cần kiểm tra mình đã tiêm vắc-xin quai bị hay chưa. Đồng thời, kiểm tra xem mũi tiêm trước đó còn tác dụng hay không. Có thể tiến hành kiểm tra bằng cách xét nghiệm máu. Nhờ đó, kiểm tra xem có kháng thể chưa. Nếu chưa có thì cần tiêm vắc-xin sớm.

“Quai bị là bệnh có thể phòng ngừa được rất tốt và hầu hết ngày bé ai cũng đã được tiêm vắc-xin. Việc nhiều người trưởng thành mắc quai bị một phần do bản thân không biết mình đã được tiêm vắc-xin hay chưa, một phần là do nhiều người chủ quan không tiêm mũi nhắc lại”, bác sĩ Thành nói.

Trong trường hợp người bệnh phát hiện mình đã mắc quai bị, cần được điều trị triệt để, hạn chế hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi phát hiện bản thân mắc quai bị, cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị kịp thời. Một vấn đề nữa là các bệnh nhân có tổn thương tinh hoàn do quai bị cần được tư vấn bảo tồn khả năng sinh sản sớm. Ngoài ra, cần lưu trữ, bảo quản tinh trùng càng sớm càng tốt. Sau này, các bác sĩ hỗ trợ sinh sản có thể sử dụng tinh trùng đó để hỗ trợ bệnh nhân có con.

Biến chứng sau 4 - 8 ngày

Theo bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, quai bị thực tế không phải là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, quai bị có thể gây những biến chứng không nhỏ nếu không biết cách chữa trị.

Cụ thể, quai bị có thể gây biến chứng như viêm màng não, viêm tinh hoàn ở trẻ trai và viêm vòi trứng ở trẻ gái, viêm tụy cấp… Trong đó, viêm mào tinh hoàn ở trẻ trai và viêm vòi trứng ở trẻ gái là biến chứng thường gặp của bệnh quai bị. Tuy nhiên, biến chứng này chỉ xuất hiện khi trẻ mắc bệnh ở độ tuổi vị thành niên, không gặp ở trẻ nhỏ. Do đó, nếu trẻ chưa dậy thì được chẩn đoán mắc quai bị, phụ huynh không nên quá lo lắng.

Tuy nhiên, biến chứng này có thể gặp nhiều ở nam thanh niên và nam giới trưởng thành sau mắc quai bị, thường ở những người từ 15 - 29 tuổi. Trong 80% trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị, các triệu chứng đau và sưng tinh hoàn thường xuất hiện 4 - 8 ngày sau viêm tuyến nước bọt mang tai.

Một số trường hợp xảy ra sau 6 tuần sưng tuyến nước bọt mang tai. Thông thường, các bệnh nhân viêm tinh hoàn một bên. Ngoài ra, khoảng 15 - 30% trường hợp có biểu hiện hai bên. Viêm tinh hoàn cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên, khả năng này ít xảy ra và chỉ gặp ở nam giới.

Theo bác sĩ Công, bất kỳ cơn đau tinh hoàn nào cũng có thể được làm giảm bằng cách uống thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen (đủ liều dùng và thời gian). Chườm lạnh hoặc ấm lên tinh hoàn và mặc quần lót hỗ trợ cũng có thể làm giảm cơn đau. Nếu cơn đau đặc biệt nghiêm trọng, bệnh nhân cần đi khám để được dùng thuốc hợp lý.

“Trẻ nữ vị thành niên và nữ trưởng thành sau khi mắc bệnh quai bị cũng có thể gặp biến chứng viêm vòi trứng (khoảng 7%) với biểu hiện là đau và căng vùng chậu. Đối với trẻ nhỏ mắc quai bị, biến chứng viêm sinh dục không xảy ra.

Tuy nhiên, nên cho trẻ nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động nhiều đến khi hết các triệu chứng của bệnh. Trẻ nam vị thành niên mắc bệnh quai bị, nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động, đi lại nhẹ nhàng để tránh biến chứng viêm sinh dục”, bác sĩ Công khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.