Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: IraqiNews) |
Theo ông Johny, đây là lần thứ 3 IS đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 tháng. Vào tháng 7/2015, một kẻ tấn công liều chết đã lấy mạng của hơn 30 người ở Suruc, một thị trấn người Kurd dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Đến tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất, trong đó những kẻ ôm bom tự sát nổ tung mình tại một ga xe lửa ở trung tâm thủ đô Ankara, khiến hơn 100 người chết và hơn 400 người bị thương.
Nếu như các vụ tấn công ở Suruc và Ankara chủ yếu nhằm vào người Kurd thì nạn nhân của vụ ở Istanbul là du khách, chủ yếu là người nước ngoài.
Trong vài năm qua, tình hình an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu rõ rệt. Lệnh ngừng bắn với quân nổi dậy người Kurd bị phá vỡ, và một cuộc chiến thực sự đang diễn ra ở các khu vực biên giới. Một số thành phố phía đông nam - chủ yếu là cộng đồng người Kurd sinh sống - biến thành chiến trường. Và các vụ đánh bom thời gian qua cho thấy IS là một mối đe dọa ngày càng lớn.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình cảnh kể trên sau một thời gian dài tương đối ổn định và yên bình?
Bãi lầy Syria
Tác giả Stanly Johny cho rằng, chịu trách nhiệm chính có lẽ là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Sau khi lên làm Thủ tướng năm 2003, Erdogan theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán. Ông phản đối cuộc chiến Iraq, chỉ trích cư xử của Israel với người Palestine và thể hiện Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc ở Tây Á. Cách tiếp cận của ông cũng cố làm thỏa mãn tình cảm giáo phái Sunni và chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo.
Khi các nhà độc tài ở Tunisia và Ai Cập bị dân chúng lật đổ đầu năm 2011, Erdogan nhận thấy đây là cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của Ankara. Ở cả hai nước này, hưởng lợi trực tiếp từ sự thay đổi chế độ là phong trào Tình anh em Hồi giáo hoặc các chi nhánh của tổ chức này mà Ankara vốn trông cậy. Và Erdogan hy vọng "Mùa xuân Ảrập" sẽ thực sự làm thay đổi bản đồ chính trị Ảrập.
Nhưng toan tính của Erdogan là sai lầm. Tại Ai Cập, phong trào Tình Anh em Hồi giáo bị quân đội trấn áp. Ở Tunisia, đảng Ennahda Hồi giáo tranh giành quyền lực chính trị với những người thế tục. Libya, nước mà ông Erdogan đã tới thăm và ca ngợi về "một tương lai dân chủ" ngay sau khi Muammar Gaddafi bị lật đổ, chìm trong nội chiến.
Theo Stanly Johny, sai lầm lớn nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là Syria. Ông kỳ vọng nước này sẽ theo chân Ai Cập và Tunisia. Erdogan là một trong số các nhà lãnh đạo thế giới đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Ankara muốn thay thế ông Assad, một người Alawite và là đồng minh của Iran, bằng một nhà lãnh đạo Sunni, có thể là người của Tình Anh em Hồi giáo ở Syria. Điều này sẽ không chỉ làm tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực mà còn giúp khối Sunni ngăn chặn sự lớn mạnh của Iran.
Khi các dấu hiệu cho thấy chính quyền Damascus ngày càng mạnh mẽ hơn, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ủng hộ các phong trào chống Assad. Mãi cho tới gần đây, Ankara vẫn để mở biên giới với Syria để tạo điều kiện cho các lực lượng chống Assad hoạt động. Nhưng chính nhờ chủ trương này của Ankara mà IS hoạt động thuận lợi hơn.
Trên trang London Review of Books mới đây, nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh "tố" Thổ Nhĩ Kỳ cùng Ảrập Xêút và Qatar trực tiếp giúp đỡ tài chính và hậu cần cho IS và tổ chức al-Nusra. Nga cũng cáo buộc Ankara có các mối quan hệ thân thiết với IS.
Ác mộng người Kurd tự trị
Chủ trương của Ankara còn dẫn tới một kết quả không mong muốn. Trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến, chính phủ Syria rút quân khỏi các khu vực biên giới đông người Kurd. Do vậy, IS dễ dàng di chuyển về các thị trấn biên giới sau khi chiếm được Raqqa, khiến người Kurd bản địa phải chật vật kháng cự.
Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd (YPG) - cánh vũ trang của người Kurd Syria - cuối cùng cũng đánh bật được IS khỏi Kobane và Tal Abyad. Nhưng YPG lại liên kết chặt chẽ với Đảng Lao động Kurd, phong trào nổi dậy đã nhiều năm chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để đòi tự trị. Chiến thắng của YPG đã khiến cả thế giới biết đến Đảng Lao động Kurd. Mỹ thậm chí còn hợp tác với họ trong cuộc chiến chống IS.
Ở biên giới Syria, người Kurd đã lập ra các vùng tự trị sau khi đuổi được IS khỏi đất của họ. Điều này quả là một cơn ác mộng đối với Ankara, vì nó sẽ làm tăng thêm các yêu sách đòi tự trị của cộng đồng người Kurd bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể vào tháng 6/2015, một đảng chính trị người Kurd đã làm nên lịch sử khi thu về đủ số phiếu để lần đầu tiên giành ghế tại Quốc hội Thổ.
Trong khi đó, chính quyền Erdogan đang phải chịu áp lực rất lớn từ cộng đồng quốc tế là phải hành động nhiều hơn nữa chống lại IS và các tổ chức thánh chiến khác tại Syria. Áp lực này càng tăng cao sau vụ đánh bom ở Suruc.
Ông Erdogan cũng đã quyết định thực hiện một số biện pháp kiểm soát biên giới với Syria và cho phép Mỹ dùng căn cứ không quân Incirlik để nã bom IS. Nhưng chính sự hợp tác này, cộng với chiến dịch trấn áp các mạng lưới thánh chiến trong nước, lại khiến IS nổi giận sau khi tổ chức này đã thiết lập được nhiều chân rết về hậu cần và tổ chức bên trong Thổ Nhĩ Kỳ nhờ biên giới mở với Syria trước đó.
Rõ ràng, Ankara đang kẹt giữa một cuộc chiến đa hướng và vô cùng phức tạp. Nếu hành động mạnh mẽ chống lại IS thì Thổ Nhĩ Kỳ lại gây hại cho chính sách về Syria của mình. Còn nếu không, mối đe dọa IS đối với an ninh quốc gia sẽ càng lớn.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dễ dàng thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan đó.