Tụ tập thường xuyên với người nhà hoặc bạn bè vào buổi tối là lý do nhiều chàng trai, cô gái bị thay đổi đồng hồ sinh học của mình. Nga (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) trong mấy ngày đầu xuân năm mới liên tục thức khuya xem phim, chơi bài cùng anh chị em nên hình thành thói quen có hại khi Tết đã hết.
Nga chia sẻ: “Giờ đây mình không tài nào ngủ sớm được. Trước Tết, 23 giờ là mình đã có thể ngủ và ngủ ngon, nhưng hiện nay, tận 2 – 3 sáng, mình vẫn trằn trọc. Nghe bạn bè mách nước, mình dùng rất nhiều cách mà không có hiệu quả”.
Cũng như Nga, vì thức khuya chơi game cùng bạn, Tùng (21t, Nam Định) dậy rất muộn, tới tận 10 – 11 giờ sáng. Theo Tùng, mặc dù vẫn ngủ đủ giấc nhưng ngày hôm sau thức dậy cảm thấy thân thể rất mệt mỏi, uể oải.
Nga cho biết, khi đã quen với nhịp sống mới, muốn trở về như cũ là rất khó. Vì vậy, cô bạn đã tự hứa những dịp Tết sau này luôn phải giữ giờ giấc sinh hoạt điều độ, khoa học.
Bên cạnh giấc ngủ, ăn uống cũng là một điều quan trọng mà các bạn trẻ ít chú ý và dễ phạm phải. Giờ giấc ăn uống của Thu (trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Thái Nguyên) đã bị đảo lộn vì lịch đi chơi với bạn bè kín mít. Trong suốt một tuần lễ đó, mỗi ngày Thu chỉ ăn có một bữa chính – buổi trưa cùng gia đình. Sau khi đi chơi với bạn bè, Thu không kịp bỏ bụng chút đồ ăn nào.
“Những ngày Tết, đi lại nhiều nhưng vì uống chút nước ngọt hoặc nhâm nhi vài cái bánh, kẹo, mình không hề có cảm giác đói bụng, chẳng màng chuyện ăn uống. Cũng vì vậy mà khi đến nhà bạn bè chúc Tết, chủ nhà dọn mâm cao cỗ đầy, mình không hề động đũa.
Khi Tết qua đi, mình ăn uống đã không còn cảm giác ngon miệng. Có những người sau Tết béo lên, bản thân mình thì gầy đi trông thấy. Vì xót con, mẹ đã quở trách mình và tìm nấu nhiều món ăn ngon, lạ miệng nhưng mình vẫn chưa thể lấy lại được vị giác như xưa”, Thu bày tỏ.
Cũng là chuyện ăn uống, nhưng Tâm (trường CĐ Công nghệ Hà Nội) gặp phải vấn đề khác: ăn quá nhiều đồ ngọt, món vặt và không duy trì chế độ thể dục nên cơ thể đã trở nên trì trệ và lười vận động. Bạn bè rủ đi tập aerobic, Tâm không một chút hứng thú, mặc dù lịch đăng ký ở câu lạc bộ vẫn còn một tháng.
Đối với nhiều cô cậu học trò cấp 3, việc chểnh mảng học hành là điều “khó tránh khỏi”. Sau khi học xong buổi cuối cùng của năm cũ, Hà (trường THPT Nguyễn Huệ) đã sửa soạn, gói ghém sách vở một cách cẩn thận và cất ngay ngắn vào hộc tủ.
Trong suốt thời gian nghỉ lễ, Hà không muốn phải bận tâm vào bài vở, chỉ tập trung vui chơi và sum vầy. Bố mẹ cũng muốn con gái thư giãn đầu óc nên không nhắc nhở, để cho Hà thoải mái tận hưởng Tết một cách trọn vẹn.
“Tuy nhiên, trong đêm qua, khi mở sách vở ra để học bài cũ và chuẩn bị kiến thức cho ngày đầu tiên đến lớp, em cảm thấy thật chán nản. Em không thể chú tâm học hành được, đầu óc cứ ở đâu đâu.
Dư âm Tết vẫn còn nguyên trong lòng, em chỉ muốn tiếp tục được nghỉ, được chơi mà thôi. Vì bài tập dồn lại nhiều, trong khi chẳng thể tập trung học, em chỉ làm cho xong để không bị phạt nếu thầy cô có gọi lên kiểm tra”, Hà bày tỏ.
Theo Hà, như thông lệ của lớp cô những buổi học đầu tiên của năm mới, bạn bè gặp gỡ chỉ quây quần, tụ tập kể chuyện về kế hoạch của nhau trong dịp Tết, số tiền được mừng tuổi…
Lịch nghỉ Tết của sinh viên nhiều, tuy nhiên, năm nay thực tập, Th (trường ĐH Mỏ địa chất) sắp sửa phải ra Hà Nội để chuẩn bị bài vở, giấy tờ. Tuy nhiên, tâm lý nghỉ ngơi vẫn chi phối rất nhiều trong Th nên hiện tại, cậu bạn vẫn khá ung dung ở lại và gặp gỡ bạn bè.
“Chỉ vài ngày nữa thôi bạn bè mình sẽ đi học, đi làm hết. Mỗi năm chỉ có một lần gặp nhau đông đủ, mình muốn tranh thủ thời gian này ở lại lâu hơn chút để tụ tập, liên hoan. Nếu phải đi sớm, mình thấy thật tiếc”, Th nói.