Những thầy thuốc đặc biệt của bệnh nhân phong

GD&TĐ -Căn bệnh phong quái ác đã “ăn mòn” từng bộ phận trên cơ thể bệnh nhân. Những con người đó cũng nép mình, tự ti và mặc cảm với mọi người xung quanh. Thương cho số phận của bệnh nhân bác sĩ, nhân viên y tế ở Khoa Phong - Da liễu luôn tận tình chữa trị và mang đến niềm vui, hạnh phúc cho những con người bất hạnh.

Với ông A Mrâu, trại phong Đăk Kia như ngôi nhà thứ 2 bởi ông luôn được quan tâm, chăm sóc như người thân trong gia đình.
Với ông A Mrâu, trại phong Đăk Kia như ngôi nhà thứ 2 bởi ông luôn được quan tâm, chăm sóc như người thân trong gia đình.

Trả ơn cuộc đời

Từ những ngày còn nhỏ, Ksor Thu, bác sĩ Khoa Phong - Da liễu, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum (TP Kon Tum, Kon Tum) đã chứng kiến cảnh cha mẹ đau đớn khi mắc phải căn bệnh phong quái ác.

Tuổi thơ của Ksor Thu là những ngày vui đùa, nghịch ngợm trong trại phong Đăk Kia – nay là Khoa Phong - Da liễu.

Những hôm trái gió trở trời, căn bệnh phong lại hành hạ cha mẹ Ksor Thu không thôi. Khi đó, các bác sĩ lại quan tâm, động viên gia đình cố gắng vượt qua bệnh tật.

Thương cha mẹ và những người mắc bệnh phong, Ksor Thu quyết tâm nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để trở về quê nhà giúp đỡ, cứu chữa cho những trường hợp bất hạnh.

Sau khi học xong cấp 3, Ksor Thu đăng ký thi Y đa khoa, Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk). Tuy nhiên, Ksor Thu không đậu vào ngành học mà mình mong muốn mà rẽ sang một ngành học khác.

Thế nhưng, sau một thời gian học tập, Ksor Thu quyết định từ bỏ để tiếp tục theo đuổi ước mơ còn dang dở của mình tại Học viện Quân Y Hà Nội.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Y đa khoa, chị Ksor Thu viết đơn tình nguyện vào công tác tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh (nay là Khoa Phong - Da liễu) để được chăm sóc, hỗ trợ và gắn bó với bệnh nhân phong.

“Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến những cơn đau của cha mẹ và nhiều bệnh nhân phong khác. Vì căn bệnh quái ác mà họ luôn tự ti, mặc cảm với bản thân và mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, ngày ấy cha mẹ tôi luôn được các y bác sĩ quan tâm, chăm lo từng giấc ngủ, rửa và thay băng vết thương. Chính vì vậy, tôi vô cùng biết ơn và mong muốn học thật giỏi để quay trở về tiếp nối các thế hệ y, bác sỹ chăm sóc bệnh nhân phong.

Bởi khi mắc phải căn bệnh này bệnh nhân đã quá đau đớn rồi nên tôi không muốn họ phải mặc cảm với số phận nữa”, Ksor Thu tâm sự.

Không chỉ có chị Ksor Thu, chị Y Viên cũng từng chứng kiến cảnh người thân vật lộn với những cơn đau về thể chất, tinh thần. Ngày nhỏ, Y Viên thường cùng ông bà vào trại phong Đăk Kia để thay băng.

Khi đó, bệnh nhân vào trại phong chữa trị đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số nên không rành tiếng Việt. Thương bà con nên Y Viên tình nguyện lên bệnh xá để phiên dịch, giúp các y bác sĩ dễ dàng giao tiếp.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh), chị Y Viên đã xin vào học việc không lương tại Khoa Phong - Da liễu. Sau một năm làm việc, chị Y Viên được kí hợp đồng chính thức.

“Tôi sẵn sàng làm việc không lương cả đời ở nơi đây để giúp bệnh nhân phong. Bởi cuộc sống của họ đã quá bất hạnh, có những người phải sống xa gia đình, không người thân quan tâm, chăm sóc.

Do đó, tôi luôn xem những bệnh nhân nơi đây như gia đình và yêu thương, chia sẻ khó khăn với họ. Tôi mong rằng, họ sẽ bớt đau đớn và mạnh mẽ vượt qua mọi bất hạnh”, chị Y Viên bộc bạch.

Các y bác sĩ luôn tận tình quan tâm chăm sóc, chia sẻ với bệnh nhân phong để họ không tự ti, mặc cảm.

Các y bác sĩ luôn tận tình quan tâm chăm sóc, chia sẻ với bệnh nhân phong để họ không tự ti, mặc cảm.

Ấm áp nơi trại phong Đăk Kia

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thung, phụ trách Khoa Phong - Da liễu cho biết, trại phong Đăk Kia được các sơ xây dựng cách đây gần một thế kỷ. Ban đầu nơi đây chăm sóc, điều trị bệnh nhân phong ở tỉnh Kon Tum. Đến năm 1950, mọi người đã chung tay sửa chữa, mở rộng không gian điều trị cho bệnh nhân phong cả khu vực Tây Nguyên. Cuối năm 2018, trại phong Đăk Kia đã sáp nhập vào Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, đổi tên thành Khoa Phong - Da liễu, trực thuộc Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum. Hiện nay, trong Khoa có khoảng có 6 cán bộ y, bác sỹ, chăm sóc cho 203 bệnh nhân phong. Trong đó có 56 bệnh nhân là điều trị nội trú tại khoa, 147 bệnh nhân ở cộng đồng.

Gần 50 năm qua, ông A Mrâu (68 tuổi, trú huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) đã gắn bó với trại phong Đăk Kia. Xa quê hương quá lâu, ông A Mrâu chẳng thể hình dung ra căn nhà, mảnh đất trước kia gia đình từng sinh sống.

Trong miền kí ức ấy ông A Mrâu kể, vào năm 22 tuổi ngón tay và ngón chân của ông bắt đầu bị tróc rồi ngứa ngáy. Ít ngày sau, tay chân ông mưng mủ, lở loét rồi bị ăn dần, ăn mòn.

Ngày đó, khi hay tin ông bị “bệnh lạ ăn ngón tay, ngón chân” cả làng ai nấy đều xa lánh, kì thị. Ngay cả người vợ “đầu ấp tay gối” với ông cũng bỏ đi. Trong một đêm mưa lớn, ông Mrâu buồn bã, khăn gói trốn khỏi làng.

Sau nhiều tháng lang thang không có nhà cửa, gia đình ông xin nương nhờ ở trại phong Đăk Kia. Ở đây ông được các y bác sĩ thăm khám, chữa trị, ức chế để những vết lở loét không lan rộng.

“Tôi xem trại phong Đăk Kia như ngôi nhà thứ 2 của mình. Bởi ở đây, tôi được mọi người quan tâm, chăm sóc và xem như những thành viên trong gia đình. Từ đó tôi không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm nữa. Cũng bởi vì tình yêu thương đó tôi thấy cuộc sống thật sự ý nghĩa và hạnh phúc”, ông A Mrâu chia sẻ.

Ông Đặng Minh Hải, Giám đốc Bệnh viện Y dược Cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay công tác điều trị và phòng ngừa bệnh phong trên địa bàn tỉnh vẫn đang được các y bác sĩ, nhân viên triển khai tích cực và hiệu quả.

Theo ông Hải, những năm qua, đời sống của bà con thôn Đăk Kia ngày càng khởi sắc về cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Một phần nhờ các tổ chức đoàn thể, cá nhân thường xuyên tổ chức chương trình thiện nguyện để hỗ trợ, giúp bệnh nhân phong xóa bỏ mặc cảm, tự ti và hòa nhập cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ