2 thành tựu lớn
Theo bà Mai Hoa, Nghị quyết 29 mang tính dài hơi, chiến lược với lộ trình đến năm 2030. Vậy nên trong 5 năm qua, chúng ta đang trong giai đoạn khởi động khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29.
Điểm đầu tiên đại biểu Quốc hội Mai Hoa ghi nhận đó là có những thay đổi rất lớn về mặt nhận thức đối với việc đổi mới GD - ĐT. Đây là một thay đổi rất quan trọng bởi từ nhận thức mới có những hành động, việc làm thích hợp. “Qua theo dõi và qua giám sát, tôi nhận thấy từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, những người chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực GD, từ các nhà quản lý đến GV, HS và phụ huynh, cộng đồng đều rất quan tâm đến đổi mới GD. Cụm từ “đổi mới căn bản và toàn diện” hiện được nhắc tới rất nhiều” – bà Mai Hoa nhận định.
Thành quả thứ hai - theo bà Mai Hoa - đó là quá trình chuẩn bị liên quan đến các văn bản chính sách, pháp luật đang từng bước hoàn thiện dần như xây dựng các chương trình hành động, sửa luật… hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT. Hiện nay, chúng ta đang sửa Luật giáo dục và Luật GD ĐH - bước chuẩn bị về mặt hành lang pháp lý rất quan trọng. Những vấn đề liên quan đến GD như chương trình, SGK, vấn đề thi cử, xây dựng đội ngũ… đang từng bước chuyển mình để khẳng định hướng đi đổi mới căn bản, toàn diện.
Chuyển biến tích cực của GD phổ thông
Phân tích những chuyển biến tích cực trong GD phổ thông, bà Mai Hoa nhận định: “Đổi mới trong GD phổ thông là điểm rất dễ nhận thấy trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Đầu tiên, chúng ta đang xây dựng một chương trình, SGK mới đáp ứng đúng tinh thần Nghị quyết 29 cũng như là Nghị quyết 88 của Quốc hội. Trong quá trình đó vẫn thực hiện chương trình hiện hành để chuẩn bị chuyển giao sang chương trình mới. Chúng tôi nhận thấy đội ngũ GV cũng như hội đồng sư phạm của các trường phổ thông hiện nay đang thay đổi dần để nội dung chuyển tải trong từng bài dạy phải đổi mới”.
Bên cạnh đó là những đổi mới trong thi cử. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đổi mới trong Kỳ thi THPT quốc gia cả về cách thức thi, phương thức thi. Tất nhiên, trong quá trình đổi mới có những chỗ chưa đúng, chưa phù hợp nhưng theo đánh giá của chúng tôi, qua các năm từ 2015 đến nay, việc thi THPT quốc gia là một điểm mới và đã dần định hình rõ cách thức thi cử. Theo đánh giá của dư luận, về cơ bản kỳ thi đáp ứng được yêu cầu đổi mới cách đánh giá, cách thi cử để làm giảm bớt áp lực cho người học cũng như hướng tới mục tiêu đánh giá học sinh không phải đánh giá ở kiến thức, cái quan trọng là đánh giá năng lực.
Đổi mới cần có lộ trình và điều kiện đảm bảo
Theo đại biểu Quốc hội Mai Hoa, cần đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn là điều mà ngành GD quyết tâm thực hiện trong suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, bà Mai Hoa lưu ý bất cứ một đổi mới nào cũng cần có lộ trình và các điều kiện bảo đảm. Có quyết tâm, đặt ra mục tiêu đúng nhưng điều quan trọng hơn cả là trong lộ trình đó phải tính toán các bước đi thích hợp và phải có các điều kiện bảo đảm kèm theo. Lúc bấy giờ, con đường đổi mới mới đi đến hiệu quả cuối cùng.
Về quá trình chuẩn bị cho đổi mới chương trình, SGK, bà Mai Hoa đánh giá cao sự vào cuộc của các trường sư phạm, từ các khâu chuẩn bị, các điều kiện, tham gia vào đội ngũ xây dựng chương trình, tham gia vào quá trình viết SGK.
Đây là quá trình chính những người trực tiếp làm công tác giảng dạy ở các trường sư phạm có điều kiện tiếp cận với đổi mới ở phổ thông để làm sao có sự gắn kết giữa đổi mới của phổ thông với đổi mới của sư phạm. Nếu để cho các trường sư phạm chạy theo sau các trường phổ thông thì không thể thành công được. “Muốn Chương trình, SGK mới thành công, đội ngũ giảng viên, GV phải thực sự đổi mới. Và “máy cái” là các trường sư phạm phải đảm bảo được tiêu chí đổi mới ngay từ trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm” - bà Mai Hoa khẳng định.
Xây dựng niềm tin cho xã hội
Theo bà Mai Hoa, để không đơn độc và tạo được sự đồng thuận trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, trước hết phải tạo được niềm tin trong chính nội bộ ngành GD: Cần có sự đồng thuận của GV, của những người làm công tác quản lý và của HS, SV. Khi những người trong ngành GD đồng thuận và có quyết tâm thì kết quả mới đủ sức thuyết phục để giới thiệu ra bên ngoài.
Đồng thời, bà Mai Hoa cũng lưu ý về công tác truyền thông của ngành Giáo dục. “Trong thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT đã quan tâm nhiều đến việc truyền thông ra bên ngoài để cho xã hội hiểu về GD, ghi nhận những kết quả của ngành GD. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rất nhiều vấn đề đang đặt ra. Chẳng hạn như, những vấn đề truyền thông phải là những thông tin chính xác, khách quan, trung thực và minh bạch; phải có sự thống nhất trong thông tin, tránh việc thông tin không nhất quán, dẫn đến giảm niềm tin. Chắc chắn chiến dịch truyền thông phải là nội dung mà ngành GD cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.