Tháo gỡ, hoàn thiện những vấn đề “nóng” của GD-ĐT

GD&TĐ - Tại Phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào sáng ngày 24/9; nhiều đại biểu đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ giải trình về 2 vấn đề này.   

Cần giải pháp căn cơ trong việc tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên trong việc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Cần giải pháp căn cơ trong việc tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên trong việc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Phiên giải trình do ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì, cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và lãnh đạo một số tỉnh, thành trên cả nước.

Làm rõ trách nhiệm về tuyển dụng giáo viên

Phát biểu đề dẫn, ông Phan Thanh Bình cho biết: Thời gian qua, ngành Giáo dục đã và đang tích cực thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo đó, Kỳ thi THPT quốc gia được coi là điểm nhấn để tác động vào quá trình đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, kỳ thi cũng có một số hạn chế, đặc biệt là để xảy ra sai phạm của một số địa phương ở Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã tạo dư luận không tốt.

Cũng theo ông Phan Thanh Bình, hiện cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên. Đội ngũ này rất tâm huyết, có ý chí phấn đấu cho sự nghiệp và đã góp phần cho thành quả chung của giáo dục. Tuy nhiên, hiện đội ngũ này đang gặp khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ xảy ra ở rất nhiều địa phương. Công tác tuyển dụng, bố trí chưa phù hợp. Thậm chí, vị trí của người thầy trong xã hội chưa được tôn vinh, nhìn nhận đúng tầm.

 

Chúng tôi cũng kiến nghị có thang bảng lương ưu tiên, phù hợp với vị trí, việc làm, đảm bảo chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về quy chuẩn, số lượng giáo viên. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về chế độ chính sách, địa phương là người tuyển dụng. Như vậy phải 3 bên phối hợp với nhau. Ba năm gần đây, không được tăng biên chế, các địa phương phải căn chỉnh, co kéo nên sinh ra hợp đồng giáo viên. Bộ GD&ĐT đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Trước những vấn đề nêu trên và tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Mục đích của phiên giải trình nhằm đánh giá công tác triển khai thực hiện chính sách pháp luật về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và thực hiện đổi mới Kỳ thi THPT giai đoạn 2015 – 2021. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố đối với 2 nội dung nêu trên và đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập.

Trả lời các câu hỏi tại sao có tình trạng hợp đồng giáo viên và thừa thiếu cục bộ ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Từ năm 2015 trở về trước, biên chế sự nghiệp giao quyền cho cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh quy định trên cơ sở định mức của các cơ quan, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định biên chế sự nghiệp.

“Việc các địa phương có biên chế nhưng vẫn làm hợp đồng thì đó là trách nhiệm của địa phương rất lớn” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Hiện đã phân công đầu mối tuyển dụng (tức là thẩm quyền tuyển dụng), đơn vị tự chủ là người đứng đầu đó quyết định; đơn vị chưa tự chủ thì người quản lý đơn vị sự nghiệp đó (tức là người có thẩm quyền bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp) quyết định tuyển dụng hoặc phân cấp việc tuyển dụng đó cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương tổng rà soát, xem lại chỉ tiêu biên chế được thẩm định; ưu tiên tuyển dụng những người có thâm niên, có chuyên môn; ngoài việc tuyển dụng theo quy định còn lại phải thực hiện theo tinh giản biên chế. Theo quy định của pháp luật, tuyển dụng là phải công khai minh bạch, ai đủ điều kiện thì đăng ký chứ không phải chỉ tuyển dụng cho những người làm hợp đồng. Do đó có người đã từng làm hợp đồng rồi nhưng không trúng kỳ tuyển dụng nên tạo ra dư luận không tốt.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Sỹ Điền
  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Sỹ Điền

Giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức...

Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm, giáo viên không phải như viên chức thông thường, giáo viên còn có đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ. Chẳng hạn, nếu thiếu giáo viên Toán thì không thể điều động giáo viên Văn sang dạy. Mặt khác, giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn có nhiều hoạt động mang tính chất phát triển cho các thế hệ học trò. Bởi vậy khi đặt vấn đề giáo viên như một viên chức thì rất bất cập.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay thang bảng lương của giáo viên còn nhiều bất cập. Đơn cử như giáo viên mầm non, rất vất vả nhưng chuẩn trình độ giáo viên lại là trung cấp nên khởi điểm lương rất thấp, mặc dù có giáo viên có bằng đại học, cao đẳng. “Chúng tôi mong muốn những vấn đề này sẽ giải quyết được trong Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây. Đồng thời, phải thể hiện được vị thế của nhà giáo” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT cũng đã tổng rà soát thừa - thiếu giáo viên ở từng môn học, cấp học và đang xây dựng phần mềm vào số liệu để thống kê trực tiếp từng giáo viên các môn học. Vừa rồi, Bộ cũng ban hành chuẩn giáo viên. Qua đó, biết được thông số giáo viên thừa thiếu để có dự báo.

Về tuyển dụng, sử dụng giáo viên, hiện nay, ở một số địa phương có tình trạng hợp đồng đến 400 - 500 giáo viên nhưng rồi chấm dứt. Vụ việc chấm dứt hợp đồng giáo viên ở Krông Pắk (Đắk Lắk) là một ví dụ. Bộ GD&ĐT đã cử đoàn cán bộ làm việc trực tiếp với UBND huyện và ngành liên quan để nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết khắc phục. Thực tế, hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phát triển đội ngũ ở một số địa phương, những điểm “nóng” mà báo chí nêu về chấm dứt hợp đồng, thừa/thiếu giáo viên; Bộ GD&ĐT đều có công văn yêu cầu các địa phương báo cáo và có chỉ đạo để giải quyết kịp thời.

Việc sử dụng hợp đồng cũng chưa hợp lý. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là không đồng tình với cách tuyển dụng này vì giáo viên phải có chế độ chính sách, có tính ổn định để họ yên tâm với công việc chứ không phải theo mùa vụ hay dạy theo tiết học.

Nghề giáo có những đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ (Trong giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Tân Định, Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền
  • Nghề giáo có những đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ (Trong giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Tân Định, Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục ổn định

Về Kỳ thi THPT quốc gia, Báo cáo của Bộ GD&ĐT tại phiên giải trình nêu rõ: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được giữ ổn định với các nội dung cơ bản như: Nội dung thi, đề thi sẽ tiếp tục được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Về các bài thi, môn thi: Trong các năm 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi được giữ ổn định như năm 2017; từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế từng bước phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Cùng với việc hoàn thiện Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố định hướng đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp với Chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương và tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh.

Trước mắt, để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi vào các năm 2019 và 2020.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã tham khảo các nước cho thấy, hiện nay rất nhiều nước thi THPT quốc gia. Thi ở đây không chỉ là công nhận tốt nghiệp mà quan trọng là, kiểm tra xem nội dung phương pháp, chất lượng dạy - học như thế nào để điều chỉnh chất lượng trên phạm vi toàn quốc. Qua thực tiễn cho thấy, đây là Kỳ thi THPT quốc gia, do vậy nội dung, mức độ yêu cầu đạt được phải gắn với chương trình THPT quốc gia và phản ánh được đúng thực chất, minh bạch công khai. Từ đó, các trường ĐH, CĐ mới căn cứ vào để xét tuyển.

“Kỳ thi tới đây sẽ không phải phục vụ đồng thời cho 2 mục đích, mà phục vụ cho đổi mới chương trình THPT quốc gia. Bộ sẽ cải tiến kỳ thi tốt hơn và vẫn bảo lưu quan điểm, cần phải duy trì kỳ thi quốc gia. Kỳ thi vừa rồi giảm rất nhiều áp lực và giảm tốn kém. Quá trình đổi mới kỳ thi là cải tiến chứ không phải mỗi năm một kiểu. Ba năm gần đây, kỳ thi đã ổn định nhưng mỗi năm phải có cải tiến về kỹ thuật” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ