Đưa học trò trường làng đến với lớp học xuyên biên giới
Một chiếc máy tính có kết nối internet đã có thể mở ra một thế giới mới, giúp kết nối học sinh một trường học nông thôn với học sinh khắp năm châu. Đây là ý tưởng ứng dụng CNTT vào giảng dạy tiếng Anh của cô Trần Thị Thúy, giáo viên trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên).
Tại lớp học của cô Thúy, các em học sinh có thể tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh, giao lưu trực tiếp với các học sinh chuyên gia nổi tiếng từ nước ngoài. Từ nỗi sợ nói tiếng Anh, giờ đây các em có thể tự tin với 4 kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết.
Tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, cô liên hệ với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… để sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ Skype. Học sinh của cô được cùng chia sẻ, thảo luận với những học sinh đang ngồi cách cô trò nửa vòng Trái đất.
Trong những giờ học này, học sinh cả hai bên cùng chuẩn bị các bài PowerPoint và công cụ miễn phí khác của Microsoft để trình bày quan điểm của mình. Đó cũng là cách để các em học tiếng Anh hiệu quả hơn, hứng thú hơn.
Cô Thúy cho rằng: Trong thế giới hôm nay, tiếng Anh đã trở thành tiếng nói chung của toàn cầu, do đó không thông thạo ngôn ngữ này đồng nghĩa với không nắm được cơ hội để phát triển bản thân, phát triển xã hội và phát triển đất nước.
Tình cờ biết đến nhóm cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam khi tìm thông tin ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cô Thúy đã hoàn thành các lộ trình học tập trên Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng của Microsoft (MEC). Từ đó, cô có cái nhìn toàn diện nhất về dạy học thế kỷ XXI và các phương thức để hỗ trợ học sinh học tập.
Bằng cách tham gia cộng đồng MEC, cô Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, cô liên hệ với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… để sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ Skype.
Nói tới đồng nghiệp, thầy Hà Quang Vinh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp cho hay: Cô Thúy là một giáo viên giỏi về chuyên môn, thân thiện với đồng nghiệp và đã đem lại niềm tự hào cho nhà trường. Chúng tôi coi đó như một tấm gương sáng để các thầy giáo, cô giáo, học sinh trong trường học tập, noi theo.
Không chỉ được đồng nghiệp tin tưởng, cô Trần Thị Thúy còn được học trò yêu mến, kính trọng. Trong tấm thiệp chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Đức Hợp viết về cô Thúy: More than a teacher, you’re my inspirer. More than a teacher, youre our friend (Hơn cả một giáo viên, cô là niềm cảm hứng của em. Hơn cả một giáo viên, cô là người bạn của chúng em).
Nối học trò nghèo với thế giới bằng webcam
Chỉ với một chiếc webcam, một chiếc máy tính cũ, thầy Huỳnh Bá Hiếu - giáo viên Trường THCS Thạnh Hòa (Giồng Riềng, Kiên Giang) đã giúp cho các học trò của mình kết nối với các lớp học ở khắp nơi trên thế giới, giúp các em tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn bè khắp năm châu.
Thầy Hiếu cho biết: là giáo viên dạy môn Toán và Tin học, thầy đã tình cờ biết đến mô hình Skype in the classroom (Skype trong lớp học), là một trong những cách thức học tập phổ biến với những thầy cô trong cộng đồng giáo viên sáng tạo. Với công cụ Skype, các lớp học trên khắp thế giới có thể liên kết với nhau để cùng trao đổi, thảo luận.
Tuy nhiên, để giao tiếp với học sinh nước ngoài bằng tiếng Anh là một khó khăn với cả thầy và trò. Những ngày đầu, để các em bớt bỡ ngỡ, thầy và trò cùng nhau chuẩn bị sẵn những gì cần nói. Giáo viên các nước cũng rất tạo điều kiện và hỗ trợ bằng cách nói rất chậm. “Ở vùng sâu vùng xa như học trò của tôi, nói tiếng Việt còn nhút nhát. Các em không có khả năng thuyết trình, cũng chưa từng có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài để rèn luyện khả năng tiếng Anh”.
Gặp nhiều khó khăn nhưng thầy trò vẫn nỗ lực từng ngày. Thầy Hiếu kể, có những tiết học, các em nghe đầu bên kia nói không hề hiểu nhưng khi chơi trò đoán đất nước của các bạn, các em vẫn đoán đúng. Giáo viên bên kia khen các em rất nhiều và các em cũng rất vui về điều đó. Những tiết học kết nối được các em hào hứng đón chờ. Đặc biệt, với những em thích học môn tiếng Anh thì tỏ ra rất thích thú.
Ở trong nước, thầy Hiếu cũng cho học trò của mình kết nối với các lớp học ở TP.HCM, Hưng Yên, Thái Nguyên. Nội dung của tiết học không hạn chế trong nội dung của môn học hay sách giáo khoa.
Các em có thể học lập trình tin học từ một thầy giáo ở Hưng Yên, hay được chia sẻ những kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản từ các giảng viên của Trường Đại học Thái Nguyên. Khi kết nối với các lớp học ở Sri Lanka, Ấn Độ, Philippines, các em có cơ hội được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của những quốc gia đó.
Mặc dù, nội dung giao lưu giữa lớp học của thầy Hiếu với các lớp học trong và ngoài nước đôi khi không liên quan tới những kiến thức Toán học hay Tin học, song thầy Hiếu tin rằng những hiểu biết này sẽ giúp các em mở mang tầm nhìn. Qua những bài giảng kết nối, các em thấy học sinh ở các thành phố lớn, ở nước ngoài người ta đang học, đang làm những gì để từ đó tạo động lực giúp các em phấn đấu, tìm tòi trong học tập.
Không chỉ nỗ lực tìm tòi, học hỏi cho những bài giảng, với chuyên môn của mình, thầy Hiếu còn lập trang Facebook để chia sẻ những nguồn kiến thức mà mình đã học được, truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp trong và ngoài trường tiếp cận những phương pháp, công cụ hỗ trợ giảng dạy mới.
Thầy Hiếu chia sẻ: Ngày nay, giáo viên luôn cần học hỏi để tự hoàn thiện mình, để tìm ra những kiến thức mới. Các thầy cô không chỉ giảng cho xong bài trên lớp mà luôn cần cập nhật những kiến thức mới, ứng dung CNTT trong các bài giảng để tạo ra những giờ học thú vị, để truyền cảm hứng cho học trò.